Kỷ luật hình thức?
8 lãnh đạo các công ty công ích TP.HCM ăn hớt quĩ lương công nhân bị đình chỉ chức vụ để kiểm điểm. Nhưng dư luận quan ngại điều gọi là tình trạng bứt dây động rừng khiến việc kỷ luật chỉ mang tính hình thức.
>> “Bòn rút” người lao động để chi lương “khủng” cho sếp
>> Có những “ông chủ” bóc lột tàn bạo tại các doanh nghiệp công ích
Tất cả các giới chức bị đình chỉ ngoài chức vụ hành chính đều là đảng viên cộm cán, họ là những cặp đôi Bí thư Đảng ủy Công ty kiêm Chủ tịch Hội đồng thành viên và Giám đốc Công ty của các công ty công ích TP.HCM. Bao gồm Công ty thoát nước đô thị, Công ty chiếu sáng công cộng, Công ty Công trình giao thông Saigon; Công ty Công viên cây xanh. 8 nhân vật này gồm các ông Nguyễn Trọng Luyện, Lê Thanh Sơn, Trần Trọng Huệ, Trần Minh Hùng, Nguyễn Nhật Tấn, Phạm Văn Vĩnh, Phạm Văn Hiếu và Trần Thiện Hà. Trong số này hai ông Luyện và Huệ còn là Đảng ủy viên Đảng ủy Sở Giao thông vận tải thành phố HCM.
Ở Việt Nam có khẩu hiệu thuộc lòng, Đảng lãnh đạo-Nhà nước quản lý- Nhân dân làm chủ. Phản ứng của những người chủ đất nước là khá hoài nghi về những vụ dơ cao đánh khẽ vì mọi cấp đều dính líu tới nhau. Một người dân ở Cần Thơ phát biểu:
“Lâu lâu làm một hai người lấy lòng dân, cách chức cho nghỉ chỗ này đưa về chỗ khác, từ tỉnh này cho đi tỉnh khác. Bây giờ đa số hối lộ lo một hồi từ huyện đưa về tỉnh làm chức cao hơn!”
Tối 4/9 trả lời chúng tôi về khả năng truy tố hình sự các cán bộ lãnh đạo của 4 công ty công ích TP.HCM vừa bị đình chỉ chức vụ, LS Nguyễn Văn Hậu, phó Chủ nhiệm Hội Luật gia TP.HCM nhận định:
“Chiều nay (4/9) có một cuộc họp báo nói rõ những người này vi phạm các qui định pháp luật về lao động, về Luật viên chức công chức. Trước hết Hội đồng xử lý kỷ luật phải trên cơ sở kiểm điểm của từng người, rồi sau đó hội đồng sẽ nhận xét xem xét tính chất mức độ và nếu là có dấu hiệu cố ý làm trái những qui định của Nhà nước thì trong luật hình sự cũng có tội này. Nhưng trước hết phải chờ những quyết định của hội đồng xử lý kỷ luật, rồi mới căn cứ vào đó để xử lý tiếp được.”
Thông báo ngày 4/9 của Thành ủy-Uỷ ban Nhân dân TP.HCM theo VnExpress, đã đánh giá sai phạm ở các công ty công ích vừa nêu là “gây hậu quả rất nghiêm trọng”. Được biết là có cả ngàn người lao động đã bị chiếm đoạt quyền lợi và các công ty dùng số tiền đó để trả lương cho các chủ tịch, giám đốc, phó giám đốc, kế toán trưởng. Có trường hợp giám đốc lãnh lương 2,6 tỷ đồng một năm, tức hơn 200 triệu đồng một tháng trong khi qui định của Chính phủ lãnh đạo doanh nghiệp Nhà nước hưởng lương tối đa 36 triệu một tháng. Điều đáng chú ý là mức lương này cao gấp 41 lần lương của lao động mùa vụ, mà đáng lẽ phải được ký hợp đồng có thời hạn hoặc thường xuyên để được hưởng phúc lợi theo chế độ.
Sự thối rữa cả hệ thống
TS Nguyễn Quang A khi trả lời chúng tôi nói rằng nếu là câu chuyện của doanh nghiệp tư nhân thì không thắc mắc về chuyện lương bổng của ban giám đốc. Nhưng đối với các công ty phục vụ công ích của Nhà nước thì đây là hiện tượng kỳ quặc và cả một hệ thống phải chịu trách nhiệm từ cơ quan Đảng tới chính quyền và công đoàn. Sự việc này theo TS Nguyễn Quang A thể hiện sự thối rữa của cả hệ thống:
“Có thể nói là toàn bộ những bộ máy kể cả người đại diện chủ sở hữu, cho đến những cơ quan giám sát, các tổ chức gọi là chính trị xã hội có vai trò để giám sát thì đều tê liệt, đều bị biến thành con rối của những kẻ nắm quyền lực ở đó.”
Quyết định của Thành ủy-Ủy ban Nhân dân TP.HCM ngày 4/9/2013 đình chỉ chức vụ của 8 lãnh đạo 4 công ty công ích để kiểm điểm và xử lý nghiêm. Trong khi những viên chức khác đặc biệt là kế toán trưởng cũng lãnh lương tiền tỉ và là một mắt xích quan trọng trong việc hợp thức hóa bảng lương, thì không thấy nói đến việc đình chỉ công tác. Quyết định của Thành ủy-UBND Thành phố HCM có đoạn: “Tập thể đảng ủy, thành viên hội đồng thành viên, các phó giám đốc, kế toán trưởng và các cán bộ đảng viên khác có liên quan cũng bị kiểm điểm làm rõ sai phạm trong vụ việc này. Việc kiểm điểm phải kết thúc trước ngày 12/9.
Tại TP.HCM, ngoài 4 công ty công ích mà sai phạm tiền lương và bóc lột người lao động đã trở thành sự phẫn nộ của cộng đồng, nhà chức trách đã phát hiện thêm 8 doanh nghiệp công ích khác cũng bòn rút tiền lương của người lao động để chi trả mức lương rất lớn cho lãnh đạo. Ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội TP.HCM được báo chí trích lời cho biết vì đang điều tra nên chưa công khai danh tính các doanh nghiệp này.
Trên cả nước có hàng ngàn công ty công ích địa phương và Thủ đô Hà Nội cũng khởi sự rà soát chế độ lao động và tiền lương ở các đơn vị này. Có ý kiến cho là những sự toa rập trong hệ thống mà TS Nguyễn Quang A gọi là “thối rữa” đang được tẩy uế. Nhưng câu hỏi mà mọi người đặt ra, liệu có thể vệ sinh làm sạch hay không, khi chưa có đủ quyết tâm và những cải tổ chính trị từ đầu não?
Nam Nguyên
Theo rfa
Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!