Home » Xã hội » Vụ ông Dũng “lò vôi” tố cáo chủ tịch tỉnh: Có chậm trễ, có thiếu sót
Sáng 24.10, UBND tỉnh Bình Dương đã tổ chức một cuộc họp “bất thường” với một số tờ báo chung quanh sự kiện ông Huỳnh Uy Dũng tố cáo ông Lê Thanh Cung – Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương.

Sáng 24.10, UBND tỉnh Bình Dương đã tổ chức một cuộc họp “bất thường” với một số tờ báo chung quanh sự kiện ông Huỳnh Uy Dũng tố cáo ông Lê Thanh Cung – Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương – về hành vi không phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500, không cho chuyển nhượng quyền sử dụng đất trái với pháp luật… tại Khu công nghiệp Sóng Thần 3 mà một số tờ báo vừa đăng tải.

Không phê duyệt là quá chậm!

Sở dĩ chúng tôi gọi đây là cuộc họp “bất thường” vì trước đó vào ngày 21.10, chúng tôi và một đồng nghiệp ở Báo Lao Động đã trực tiếp đến gặp ông Võ Văn Lượng – Phó Chánh văn phòng UBND tỉnh Bình Dương – đăng ký làm việc với UBND tỉnh Bình Dương nhằm làm rõ những vấn đề xung quanh sự kiện ông Huỳnh Uy Dũng tố cáo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương. Ông Võ Vă Lượng hứa sẽ thông tin cho chúng tôi biết. Tuy nhiên, tại cuộc họp này, tỉnh đã gặp gỡ một số báo để “thông tin sơ bộ” sự việc nhưng lại không thông báo cho chúng tôi biết.

binh duong

Ông Võ Văn Lượng – Phó Chánh văn phòng UBND tỉnh Bình Dương trả lời các báo.

Tại cuộc họp, ông Lê Phú Cường – Phó Giám đốc Sở Xây dựng Bình Dương- thừa nhận việc phê duyệt quy hoạch kéo dài 3 năm (theo ông Cường chỉ 3 năm – PV) là chậm nhưng nguyên nhân chậm do nhiều yếu tố khác chưa hẳn là sai. Tuy nhiên, Sở Xây dựng để việc kéo dài chưa phê duyệt quy hoạch mà không thông báo bằng văn bản cho chủ đầu tư biết là có thiếu sót. 

Ông Lê Phú Cường cũng cho rằng khu đất hành chính – dịch vụ – kho bãi và khu ở trong KCN Sóng Thần 3 đã được tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/2000, mà chủ đầu tư lập quy hoạch chi tiết 1/500 là “khu ở” chứ không phải là “đất ở” và chủ đầu tư đã huy động góp vốn, phân lô như những dự án nhà ở thương mại khác trong khi chưa được phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 là sai. 

Tuy nhiên, vào ngày 7.7.2008, UBND tỉnh Bình Dương đã có văn bản số 2089/QĐ-UBND cho phép “khu ở” mà ông Lê Phú Cường đề cập nói trên thành “đất ở” và thời hạn sử dụng lâu dài, đã được cấp sổ đỏ và theo quy định của luật đất đai chủ đầu tư có quyền chuyển nhượng. 

Trong khi đó, ông Võ Văn Lượng cho rằng, chủ đầu tư đã làm sai quy hoạch chi tiết 1/2000, điều chỉnh quy hoạch theo hướng tách dự án thành Khu dân cư Đại Nam và KCN Sóng Thần 3, thì thuộc thẩm quyền phê duyệt của Bộ Xây dựng, UBND tỉnh Bình Dương không có thẩm quyền. Ông Võ Văn Lượng cho rằng, chủ đầu tư đã không thực hiện theo cam kết ban đầu khi phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/2000. 

Tới thời điểm đi kiểm tra, chủ đầu tư không làm đúng theo quy hoạch chi tiết 1/2000. Còn việc chủ đầu tư xin tách dự án, thì tỉnh không có thẩm quyền, phải có ý kiến của Bộ Xây dựng. Việc điều chỉnh sẽ ảnh hưởng đến toàn khu nên tỉnh không chấp thuận việc tách thành hai dự án này vì nó không phù hợp.

Làm đúng quy hoạch tỉnh cũng không duyệt

Theo định hướng của tỉnh cần giảm bớt diện tích khu công nghiệp chuyển sang phát triển dịch vụ để đảm bảo cảnh quan cho khu hành chính của tỉnh Bình Dương (tại thông báo số 11/TB -UBND ngày 17.1.2008 của UBND tỉnh Bình Dương), nên chủ đầu tư KCN Sóng Thần 3 mới đề nghị được chia tách KCN Sóng Thần 3 thành 2 dự án: KCN Sóng Thần 3 và Khu đô thị Đại Nam để xây nhà ở cho chuyên gia, nhân viên và công nhân làm việc tại KCN. 

Tuy nhiên, dù các sở, ban ngành liên quan của tỉnh đã có văn bản trình UBND tỉnh chấp thuận chủ trương cho chủ đầu tư KCN Sóng Thần 3 chia tách dự án nhưng tỉnh không những không chấp thuận mà còn nhiều lần chỉ đạo cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra việc thực hiện quy hoạch chi tiết tại KCN Sóng Thần 3.

Ông Huỳnh Uy Dũng cho biết: “Do thấy quá rắc rối và mệt mỏi chờ đợi phê duyệt về việc chia tách dự án như đã nói ở trên nên tôi đã bỏ ý định này và chỉ làm đúng như những gì quy hoạch chi tiết 1/2000 đã được tỉnh phê duyệt”. 

Do đó, tại thời điểm mà đoàn kiểm tra của tỉnh đến làm việc, có lập biên bản làm việc vào ngày 25.8.2009, ông Huỳnh Uy Dũng kiến nghị: “Chủ đầu tư chính thức đề nghị thực hiện theo quy hoạch được duyệt, không đề nghị chuyển đổi một phần đất KCN thành đất ở, không chuyển đổi mục đích sử dụng đất”. Kể từ đó, chủ đầu tư chỉ thực hiện theo đúng quy hoạch chi tiết 1/2000 đã được duyệt. 

Sau khi kiểm tra, Sở Xây dựng đã có báo cáo kết quả (số 2021/BC-SXD ngày 4.9.2009) cho UBND tỉnh Bình Dương. Theo đó, Đoàn kiểm tra thống nhất việc thỏa thuận góp vốn của chủ đầu tư là phù hợp với quy định của pháp luật. 

Trong văn bản này, Sở Xây dựng nêu rõ như sau: Kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo Công ty cổ phần Đại Nam lập quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 cho khu đất hành chính – dịch vụ – kho bãi và khu ở trong KCN với diện tích 71,388ha (chủ đầu tư đã đồng ý nội dung này tại buổi làm việc với Đoàn kiểm tra ngày 26.8.2009). 

Xin nhấn mạnh lại là lập quy hoạch chi tiết 1/500 cho khu đất hành chính – dịch vụ – kho bãi và khu ở trong KCN với diện tích 71,388ha (đúng với quy hoạch chi tiết 1/2000 mà tỉnh Bình Dương đã phê duyệt cho chủ đầu tư KCN Sóng Thần 3). Sau kiến nghị này, ngày 21.10.2009, ông Lê Thanh Cung (thời điểm đó là phó chủ tịch thường trực, nay là chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương) đã ban hành văn bản 3184/UBND – KTTH trong đó có nội dung: 

“Yêu cầu chủ đầu tư KCN Sóng Thần 3 khẩn trương lập và trình cấp thẩm quyền phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 đối với khu chức năng (hành chính – dịch vụ, kho bãi và khu ở), đến tháng 12.2009 phải hoàn thành để làm cơ sở triển khai thực hiện đúng mục đích”. 

Sau chỉ đạo này 1 ngày, chủ đầu tư KCN Sóng Thần 3 đã có văn bản (số 341/CV.ĐN) về việc xin phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 Khu hành chính – dịch vụ – kho bãi và khu ở trong KCN Sóng Thần 3 (không phải quy hoạch chi tiết 1/500 cho Khu dân cư Đại Nam như trả lời của tỉnh tại cuộc họp nói trên) với tổng diện tích 136,6 ha nhưng vẫn đảm bảo đúng như quy hoạch chi tiết 1/2000 đã được phê duyệt chứ không hề thay đổi.

Cụ thể, cơ cấu sử dụng đất trong quy hoạch xin phê duyệt như sau: Đất hành chính – dịch vụ, kho bãi và nhà ở với tổng diện tích 71,38ha, trong đó đất ở 61,4 ha, tỷ lệ 45,01% là đất chủ đầu tư đã được cấp sổ đỏ, thời hạn sử dụng lâu dài; Số diện tích còn lại gồm đất cây xanh, công viên (30,09ha) và đất giao thông (35,1ha). 

Như vậy, so sánh với cơ cấu sử dụng đất trong quy hoạch chi tiết 1/2000 đã được duyệt thì chủ đầu tư đã không thay đổi dù một m2 đất trong khu hành chính – dịch vụ, kho bãi và nhà ở. “Quy hoạch chi tiết khu ở cho công nhân thì phải có đường để công nhân vào ở để đi chứ, không lẽ họ đi bằng máy bay về nhà mình sao? Mà đất giao thông cũng nằm trong cơ cấu sử dụng đất đã được phê duyệt tại quy hoạch chi tiết 1/2000, không hề thay đổi” – ông Huỳnh Uy Dũng giải thích. 

Thế nhưng, mặc dù chủ đầu tư đã làm theo yêu cầu của tỉnh, và dù các sở, ban ngành liên quan đều đã có văn bản kiến nghị đồng thuận mà UBND tỉnh vẫn không giải quyết.

Võ Đức Phúc

Theo danviet

Chuyên đề: ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc