Home » Kinh doanh » Làm nóng nền kinh tế

Trên các phương tiện truyền thông, thông điệp nền kinh tế đang hồi phục là cụm từ xuất hiện tương đối đều đặn kể từ khi bước vào năm 2014.

Để khẳng định tinh thần này, nhiều con số thống kê được dẫn ra nhằm minh chứng cho tinh thần cảm nhận này như tăng trưởng công nghiệp nhúc nhích đi lên, nhập siêu tăng trở lại chứng tỏ kinh tế khởi sắc…

Nhưng có lẽ đó là những nhận xét của các cơ quan quản lý. Trong khi đó, với cái nhìn thận trọng hơn, các tổ chức tài chính quốc tế những ngày gần đây thì đánh giá tuy có sự phục hồi trong sản xuất của nền kinh tế nhưng sức cầu nội địa vẫn thấp, phản ánh bằng chỉ số lạm phát thấp.

Sức tiêu dùng nội địa có lẽ phản ánh rõ nhất về sự phục hồi của mỗi nền kinh tế. Thông thường những tháng Tết Nguyên đán và ngay cả sau tết, nhu cầu tiêu dùng cao nhưng năm nay sức mua không cao như những năm trước. Nhiều doanh nghiệp trong nước vẫn cảm nhận khó khăn đầy rẫy quanh mình.

Tăng trưởng tín dụng là chỉ tiêu cho thấy rõ các doanh nghiệp chưa mặn mà lắm với mở rộng sản xuất kinh doanh. Đến 20.2.2014, tăng trưởng tín dụng của toàn ngành ngân hàng vẫn âm 1,66% so với tháng 12.2013.

Lo ngại về tình trạng lãi suất giảm nhưng tín dụng không tăng vẫn đang hiện hữu và không khác mấy so với năm 2013. Nhiều nhân viên ngân hàng phải đi chào mời các gói vay tiêu dùng. Ngay cả việc đưa ra nhiều ưu đãi để mời gọi vay vốn thực tế vẫn chưa thu hút được người tiêu dùng.

Hầu hết các chuyên gia đều nhận định, năm 2014, tốc độ lưu chuyển hàng hóa bằng được năm 2013 đã là mừng. Nếu có gia tăng thì nguyên nhân là tăng cơ học, thêm nhân khẩu chứ không phải do người tiêu dùng chịu nới hầu bao.

Ai cũng thấy, doanh nghiệp có vay vốn, mở rộng sản xuất thì mới tạo thêm nhiều việc làm mới, người lao động sẽ có thêm thu nhập để chi tiêu và tiêu dùng, nông dân mới bán được hàng hóa có lãi…

Mới đây thôi, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình phải đề nghị các NHTM giảm lãi suất cho vay ngắn hạn xuống còn khoảng 7-8%/năm, cho vay trung dài hạn quanh mức 10%/năm và không nên vượt quá 11%/năm.

Nhưng tin đó sẽ làm các doanh nghiệp không thấy phấn khởi nếu như “Chính phủ không tích cực hơn nữa trong việc cải cách thủ tục hành chính và giữ vững ổn định thị trường tài chính – ngân hàng, tạo hành lang ổn định cho sự phát triển”, theo như nhận định của ông Sandeep Mahajan – chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam.

Rõ ràng khi lòng tin vào sự hồi phục của nền kinh tế chưa chắc chắn, chưa có cơ sở thì doanh nghiệp sẽ còn tiếp tục trông ngóng, người tiêu dùng vẫn còn thắt chặt chi tiêu và nỗi lo lạm phát sẽ nhường chỗ cho nỗi lo giảm phát, mà đôi khi còn nguy hiểm hơn rất nhiều.

(Theo Dân Việt.)


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc