Home » Kinh doanh » Căng thẳng biển Đông: Giật mình TQ làm du lịch kiểu… gom nông sản
Sự lệ thuộc vào thị trường khách Trung Quốc thời gian qua đang khiến du lịch Đà Nẵng phải trả giá.

Khách Trung Quốc sụt giảm mạnh

Sở VH-TT-DL Đà Nẵng cho hay, thời gian qua lượng khách Trung Quốc đứng đầu trong 10 thị trường khách quốc tế đến Đà Nẵng (năm 2013 đạt 105.665 lượt). Tuy nhiên do tác động của tình hình căng thẳng trên biển Đông, một số vụ việc xảy ra tại Hà Tĩnh, Bình Dương và đặc biệt là sự khuyến cáo có tính phi lý, vu khống của Chính phủ Trung Quốc nên từ ngày 15/5 đến nay, du khách nước này đến Đà Nẵng giảm khoảng 85 – 90%.

Sự lệ thuộc vào thị trường khách Trung Quốc thời gian qua đang khiến du lịch Đà Nẵng phải trả giá! (Ảnh: HC)

Đặc biệt, có đến 13 đường bay trực tiếp thuê chuyến nối các địa phương Trung Quốc với Đà Nẵng do các hãng hàng không Trung Quốc và Vietnam Airlines khai thác đã tạm dừng hoạt động; hiện chỉ còn 2 đường bay trực tiếp Hồng Kông – Đà Nẵng, Quảng Châu – Đà Nẵng và 1 đường bay trực tiếp thuê chuyến Macau – Đà Nẵng do Dragon Air, Vietnam Airlines và Jetstar khai thác là còn tiếp tục duy trì.

Theo Sở VH-TT-DL Đà Nẵng, sự sụt giảm khách Trung Quốc có thể còn kéo dài đến hết tháng 7. “Ngoài ra, các thị trường khách du lịch nói tiếng Hoa như Singapore, Hồng Kông, Đài Loan… khách quốc tế khác như Mỹ, Pháp, Nhật Bản… cũng bắt đầu bị ảnh hưởng” – ông Huỳnh Tân Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cho hay.

Sự lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc…

Trước thực tế trên, Sở VH-TT-DL Đà Nẵng đặt vấn đề đưa thị trường nội địa và nhiều thị trường quan trọng khác tạm thay thế thị trường Trung Quốc như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông, Malaysia…”.

Ông Huỳnh Tân Vinh nói: “Nhận thức các thị trường Nhật, Hàn, Hồng Kông, Malaysia… để “tạm thay thế” cho thị trường khách Trung Quốc là sai. Cốt lõi của làm du lịch là phải đa dạng hóa thị trường chứ không nên lệ thuộc vào một thị trường nào đó vì mức độ rủi ro quá lớn về chính trị, thời tiết… Từ năm ngoái tôi đã cảnh báo du lịch Đà Nẵng quá lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc sẽ bị bắt làm “con tin”. Cuối cùng như anh thấy đó, người ta xây ào ào ra, bây giờ sập tiệm hết trơn!”.

Ông Trần Xuân Mới, Giám đốc Công ty Quản lý du lịch cao cấp Châu Á cũng nêu rõ: “Trung Quốc làm du lịch không khác gì chuyện họ thu gom nông thủy sản hay các mặt hàng khác, cuối cùng là chính doanh nghiệp Việt Nam phải chịu hậu quả. Do đó việc makerting và quản lý điểm đến cần phải cân đối. Chúng ta làm du lịch mà chỉ tập trung thu hút khách ở một thị trường, quá phụ thuộc vào thị trường đó thì sẽ trở thành nạn nhân khi có những vấn đề bất ổn xảy ra!”.

Ông Trần Xuân Mới, Giám đốc Công ty Quản lý du lịch cao cấp Châu Á: “Trung Quốc làm du lịch không khác gì chuyện họ thu gom nông thủy sản hay các mặt hàng khác, cuối cùng là chính doanh nghiệp Việt Nam phải chịu hậu quả!” (Ảnh: HC)

Nguyên nhân của sự lệ thuộc đó được ông Huỳnh Tân Vinh chỉ rõ: “Mấy ông làm du lịch hay đếm du khách để tính thành tích mà quên câu “quý hồ tinh bất quý hồ đa”. Vì cách làm du lịch theo kiểu tính số lượng nên đã để dẫn tới “phần cứng” là việc xây dựng khách sạn (KS) quá sức nóng, đến khi gặp trở ngại, rủi ro về xã hội, thiên tai… thì té ngửa!”.

Đã từng “bùng nổ” khách TQ

Các số liệu thống kê của Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng đã minh chứng khá rõ những bất cập kể trên: Năm 2012, khách Trung Quốc chiếm khoảng 20% lượng khách quốc tế đến Đà Nẵng; năm 2013 đã tăng lên 30%; và dự kiến năm 2014 nếu không có vấn đề gì xảy ra sẽ chiếm 40 – 50%. Song hành cùng sự “bùng nổ” khách Trung Quốc là sự phát triển quá nóng lượng phòng KS tại Đà Nẵng với tốc độ tăng trưởng lên tới 30% mỗi năm.

Chỉ trong 3 năm (2010 – 2013), Đà Nẵng đã tăng thêm 8.000 phòng KS. Riêng năm 2013, Đà Nẵng có 65 cơ sở lưu trú mới đi vào hoạt động với 3.064 phòng, trong đó có 12 KS 3 – 5 sao với 1.200 phòng, nâng tổng cơ sở lưu trú trên địa bàn lên 400 cơ sở với gần 14.000 phòng, ước có khả năng phục vụ cho 8,5 triệu lượt khách/năm. Song trên thực tế năm 2013 Đà Nẵng đón lượng khách cao nhất từ trước đến nay cũng chỉ 3,1 triệu lượt; nghĩa là chỉ đạt công suất buồng phòng 36% so với năng lực phục vụ.

Lượng phòng KS tăng quá “nóng” trong khi lượng khách không kịp lấp đầy đã khiến hiệu quả đầu tư bị ảnh hưởng nghiêm trọng, dẫn tới nguy cơ tiềm ẩn suy thoái du lịch và các ngành có liên quan như bán lẻ, ăn uống, nhà hàng…. Hiện ở khu vực ven biển, các KS 2 – 3 sao mới xây rất nhiều nhưng tỉ lệ lấp đầy rất thấp, chỉ 1 – 2 phòng/đêm, thu không đủ để trả tiền điện, tiền nhân viên…

“Lẽ ra, ngành du lịch, ngành KH-ĐT phải cảnh báo các nhà đầu tư nên thận trọng. Một là du lịch Đà Nẵng có tính mùa vụ rất cao do chịu ảnh hưởng lớn bởi thời tiết quá nóng vào tháng 6,7 và mưa bão vào tháng 9 – 11. Hai là không nên lệ thuộc vào một thị trường, đừng thấy khách Trung Quốc ào ào qua như thế mà vội xây KS để rồi phải trả giá” – ông Huỳnh Tân Vinh nói.

 

Ông Huỳnh Tân Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng: “Đã đến lúc các nhà chiến lược du lịch của Đà Nẵng cần phải “trở bộ” lại cách suy nghĩ của mình!” (Ảnh: HC)

Sao không xem đây là cơ hội?

Mặt khác theo ông Huỳnh Tân Vinh, đa phần khách Trung Quốc từ hạng trung trở xuống, ngoài chi tiêu cho KS thì chủ yếu họ ăn ở các nhà hàng bình dân, mua sắm hàng hóa bán lẻ như đồ thực phẩm, trà, cafe… ở các chợ, siêu thị. Trong khi đó, khách Âu, Úc… sử dụng các gói tham quan, các dịch vụ cao cấp như spa, ăn ở nhà hàng trong KS hay các nhà hàng hạng sang… nhiều hơn. Như vậy có thể nói mức độ chi tiêu của khách Trung Quốc thấp hơn so với du khách của nhiều nước khác khi đến Việt Nam.

Kết quả khảo sát của Trung tâm Xúc tiến du lịch Đà Nẵng về mức chi tiêu của du khách Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc đến Đà Nẵng trong năm 2013 cũng cho thấy: Mức chi tiêu trung bình của khách Nga khoảng 1.500 USD/người; khách Hàn Quốc 1.000 – 2.000 USD/người; khách Nhật Bản 500 – 1.500 USD/người, trong khi mức chỉ tiêu của khách Trung Quốc chỉ 400 – 500 USD/người!

Theo ông Huỳnh Tân Vinh, làm kinh doanh, trong đó có kinh doanh du lịch, không ai dại gì bỏ qua thị trường 1,3 tỉ dân như Trung Quốc. Do đó việc đẩy mạnh truyền thông cho du khách ở đây hiểu được thực chất môi trường du lịch Đà Nẵng hoàn toàn khác xa với những gì chính quyền Trung Quốc tuyên truyền là hết sức cần thiết. Song bên cạnh đó, cũng cần xác định thái độ dứt khoát không để bị trở thành “con tin” của thị trường này.

Ông Huỳnh Tân Vinh cho rằng, cần thấy tình hình hiện nay chính là cơ hội cho du lịch Đà Nẵng nhìn lại mình. Không thể xem việc xúc tiến quảng bá thu hút du khách Nga, Úc, Nhật, Hàn… chỉ là để “tạm thay thế” cho thị trường Trung Quốc. Vì để đón được khách từ các thị trường này thì thì du lịch Đà Nẵng phải nâng chất lượng dịch vụ lên chứ không thể chỉ thỏa mãn ở mức đáp ứng cho nhu cầu “hàng chợ”.

Theo Infonet


2 ý kiến dành cho “Căng thẳng biển Đông: Giật mình TQ làm du lịch kiểu… gom nông sản”

  1. thuynguyen 11/06/2014

    Nô lệ văn hóa phim ảnh sách báo lịch sử nước nhà bị bỏ xó coi bọn trung cuốc là thủy tổ của VN, nô lệ hàng hóa độc hại, nô lệ công nghiệp con người đổ công nhân lao động phổ thông trung cuốc qua mà được coi là “chuyên gia” đào đất,đóng cọc…Nhục quá, tôi như mấy người làm quản lý đất nước này thì thà tự tử cho xong

    Reply
    • buôn dưa 12/06/2014

      bác này tiêu cực quá.

      VN thế hệ sau cụ Hồ, cụ Giáp là muốn được phụ thuộc TQ, để thể hiện là mình nghe lời anh cả và hi vọng anh cả không trách mắng, đánh đập (bằng chứng là mọi ngóc ngách của Kinh tế – xã hội, chính trị VN đều nhìn thấy TQ hiện diện).

      Ai dè đến một ngày “té ngửa dập mông biêu đầu” khi được anh cả vừa chỉ mặt vừa dọa nạt kiểu như “xã hội đen” khiến cho cái nhận thức về TQ từ thời các cụ bao đời vẫn giạy đến nay được chính thế hệ VN đương đại kiểm nghiệm thêm “thằng tàu nó thâm nho, nhọ đít”, tham lam, gian xảo, quỷ quyệt và độc ác.

      -Lãnh đạo đất nước nhận thức kém thì nguy hại đến cả quốc gia, dân tộc.

      Thế hệ lãnh đạo hiện tại hãy làm điều đúng đắn (biết rằng ngày nay ít có ai sợ để lại tiếng xấu cho đời sau giống như các cụ ngày xưa) nên mạnh rạn cắt những khối u mang tên TQ vì nếu không thì xu thế thời đại sẽ thanh tẩy và buộc các ngài phải trả giả.

      Mọi thứ có thể thay đổi và suy tàn, nhưng Dân tộc luôn tồn tại bất diệt.

      Reply

Ý kiến bạn đọc