Home » Khám Phá, Khoa học » Cả thế giới gặp đại họa nếu siêu núi lửa Yellowstone phun trào
Núi lửa Yellowstone đang ngày càng được nhiều người quan tâm vì được cho là một trong những núi lửa có khả năng phun trào lớn nhất ở Mỹ và là đối tượng của nhiều bài báo, video, bài viết trên blog.
Một cột tro bụi phun trào từ một núi lửa dưới sông băng Eyjafjallajokull, Iceland (Reuters)

Một cột tro bụi phun trào từ một núi lửa dưới sông băng Eyjafjallajokull, Iceland (Reuters)

Nhiều người đang trao đổi kiến thức sinh tồn với nhau nếu núi lửa quả thật sẽ phun trào trong thời gian sớm. Bây giờ việc xem xét những hậu quả tiềm tàng của việc núi lửa phun trào là rất có giá trị.

Rất nhiều người Mỹ có nguy cơ mất mạng hoặc phải chống chọi với các hệ lụy của một vụ phun trào. Khi núi lửa phun trào, nó sẽ phun ra dung nham, dung nham này sẽ vỡ vụn thành nhiều mảnh nhỏ và biến đổi thành khói bụi trong quá trình đó. Khói bụi núi lửa được tạo thành từ những mảnh vỡ nhỏ dạng bụi của các tảng đá gồ ghề, các khoáng chất và thủy tinh núi lửa (một dạng khoáng vật vô định hình, hình thành do sự nguội lạnh quá nhanh của macma).

Theo Bách khoa Toàn thư của Hội Địa lý Quốc gia Hoa Kỳ (National Geographic), tro bụi núi lửa là một đống hỗn độn, nó rất cứng, thô nhám và không hòa tan trong nước. Nó cũng có thể truyền điện khi bị ướt.

Mối quan tâm chính xoay quanh vụ phun trào núi lửa Yellowstone là phạm vi ảnh hưởng của tro bụi. Nó có thể phun xa cỡ nào?

Hầu hết diện tích nước Mỹ sẽ có thể bị bao phủ bởi tro bụi, giống như trong các vụ phun trào trước đây của núi lửa Yellowstone này. Hơn một chục bang có thể bị bao phủ hoàn toàn hoặc bán phần bởi tro bụi và các mảnh vụn.

Những địa điểm gần khu vực phun trào cũng sẽ xuất hiện các dòng chảy dung nham, vốn chính là một dòng thác hòa lẫn tro bụi, khí ga và đá. Dòng chảy này có thể san bằng các tòa nhà, làm bật gốc cây cối, và gây ra những thiệt hại to lớn về người và của. Hơn thế nữa, các hõm chảo sẽ hình thành dọc các khu vực ở các bang Montana, Idaho, Wyoming và các bang khác. Đây là những chỗ đất lõm núi lửa rộng lớn hình thành nên khi nền đất sụp đổ.

“Gần khu vực phun trào, tro bụi núi lửa khá dày (khoảng hơn 30cm) và chỉ còn khoảng một milimet khi cách xa 2.000 dặm. Trên thực tế, vết tích của tro bụi núi lửa sẽ được tìm thấy trên hầu hết nước Mỹ, dù nó chỉ đủ dày để làm sập các mái nhà ở những bang gần Yellowstone nhất”- Jacob Lowenstern, nhà khoa học phụ trách tại Đài quan sát Núi lửa Yellowstone nói với Live Science.

Tro bụi cũng sẽ bao phủ bầu trời trong vài ngày, che khuất ánh sáng và việc hô hấp trở nên cực kỳ khó khăn. Lớp tro bụi này sẽ phá hủy cây trồng và việc sản xuất lương thực gần như sẽ đình trệ trong một khoảng thời gian dài. “Rất nhiều người sẽ chết”- Stephen Self, giám đốc Nhóm Nghiên cứu Hoạt động Núi lửa tại Đại học Open ở Anh nói. Ông cũng lưu ý rằng nếu vụ phun trào xảy ra, ông dự đoán rằng sẽ có hàng đoàn người Mỹ tị nạn xếp hàng dài dọc biên giới Mêhicô.

ban do

Tấm bản đồ từ Sở Địa chất Hoa Kỳ này cho thấy diện tích bao phủ của tro bụi núi lửa sau ba sự kiện phun trào núi lửa lớn tại Vườn Quốc gia Yellowstone trong khoảng 2,1 triệu năm trở lại đây cũng như vụ phun trào của Ngọn núi lửa St. Helens.

Theo Sở Địa chất Hoa Kỳ, ảnh hưởng của vụ phun trào núi lửa Yellowstone sẽ mang tính toàn cầu, sự cố “giải phóng một khối lượng lớn khí bụi núi lửa vào bầu khí quyển sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến khí hậu toàn cầu”.

Chuyên gia núi lửa Harldur Sigurdsson đã nhấn mạnh ảnh hưởng toàn cầu của những vụ phun trào núi lửa khi trao đổi với kênh CBS đầu năm nay. Ông và đội phóng viên của CBS đã ở Iceland để chứng kiến núi lửa Eyjafjallajokull bắn ra những mảng tro bụi và tảng đá khổng lồ, một vài cái có kích cỡ bằng một chiếc ôtô.

“Chính lớp tro bụi núi lửa này đã làm Eyjafjallajokull trở thành vụ phun trào khủng khiếp nhất trong hàng năm trời. Cột tro bụi dâng lên gần 10.000 mét và trôi dạt hàng nghìn dặm sang Châu Âu. Một trăm ngàn chuyến bay đã bị hủy. Hàng chục triệu người đã bị kẹt lại trong một tuần lễ”- CBS đưa tin. Dù vậy, nhà nghiên cứu núi lửa Haraldur Sigurdsson đã bảo chúng tôi rằng loại vấn đề như vậy vẫn chưa là gì so với các vụ phun trào núi lửa ở nơi khác trong quá khứ”.

Ông Sigurdsson nói: “Ví dụ điển hình nhất diễn ra vào năm 1815, khi có một vụ phun trào núi lửa Tambora ở Indonesia. Vụ phun trào khổng lồ này đã phóng ra một cột tro bụi trải dài gần 30km. Nó phân tán cực kỳ rộng. Đồng thời rất nhiều lưu huỳnh đã thoát ra. Nó kéo theo quá trình lạnh lên toàn cầu. Và từ đó tạo ra một năm không có mùa hè ở New England (tên gọi của Mỹ trước đây, khi còn là thuộc địa của Anh), Bắc Mỹ”.

Năm 1816 là năm không có mùa hè, do vụ phun trào núi lửa lan rộng tro bụi khắp nửa vòng trái đất.

Theo Sigurdsson, vụ phun trào ở Iceland nằm ở vị trí thứ tư trên khung đo có tám mức độ. Yellowstone có thể là một trong những nơi gần mức độ số tám.

“Lớp sàn núi lửa đang thở nhịp nhàng như một loài động vật. Nó đang trồi lên và di chuyển lên xuống. Bởi lượng mác ma bên trong núi lửa”- ông nói.

Yellowstone đã phun trào khoảng 640.000 năm trước đây, cũng như khoảng 1,3 triệu và 2,1 triệu năm trước đây. Đều là những đợt phun trào lớn.

“Vụ phun trào núi lửa cỡ Yellowstone sẽ xảy ra. Tất nhiên, chúng ta không biết được khi nào. Nó đang được giám sát rất, rất chặt chẽ. Vì vậy, sẽ không có khả năng nó xảy ra mà không được báo trước. Nhưng đó sẽ thật sự là một đại thảm hoạ”- Sigurdsson nói.

“Với sức phá hoại ảnh hưởng đến hàng không, hệ thống liên lạc và nông nghiệp, các núi lửa có thể thay đổi hướng đi của lịch sử. Chưa bao giờ có nhiều người như vậy sống bên trong phạm vi ảnh hưởng đáng kinh ngạc này – gần 200 triệu người. Khoa học có thể cảnh báo về những vụ phun trào núi lửa trong tương lai vài tuần, nhưng vượt xa khỏi thời gian đó, nó sẽ không thể dự đoán được cái nào sẽ xảy ra hoặc xác suất lớn đến mức độ nào”.

Zachary Stieber

Theo vietdaikynguyen

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc