Nền phòng học của Trường THPT Huỳnh Ngọc Huệ bị bong tróc, hư hỏng dù chỉ mới đưa vào sử dụng gần một năm – Ảnh: Đoàn Cường
Tỉnh Quảng Nam dành hàng trăm tỉ đồng đầu tư xây dựng các trường THPT trên địa bàn, cá biệt có trường được đầu tư hơn 100 tỉ đồng.
Vậy nhưng, chỉ sau thời gian ngắn đưa vào sử dụng (có trường đang trong giai đoạn bảo hành) trường đã xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng.
Trường THPT Huỳnh Ngọc Huệ (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) được Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam đầu tư xây dựng công trình khu nhà khối lớp học ba tầng với 12 phòng, khu nhà hiệu bộ mới vào năm 2011 và được đưa vào sử dụng từ tháng 9-2013.
Tuy nhiên, sau hơn một năm sử dụng, nền, trần, tường nhiều phòng học, phòng của khu hiệu bộ bị rạn nứt. Thậm chí có phòng học (phòng số 25) gạch lát nền tự bung gãy, bong tróc, có dấu hiệu sụt lún móng công trình. Do sự cố này mà Trường THPT Huỳnh Ngọc Huệ đã phải đóng cửa phòng số 25 để đảm bảo an toàn cho học sinh.
Còn bảo hành cũng hư hỏng!
Theo quyết định phê duyệt “Báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng công trình Trường THPT Huỳnh Ngọc Huệ (huyện Đại Lộc)” hạng mục khối nhà lớp học, khối hiệu bộ, khối phục vụ học tập, các hạng mục phụ trợ với vốn đầu tư gần 12 tỉ đồng.
Thầy Đặng Văn Hồng – phó hiệu trưởng Trường THPT Huỳnh Ngọc Huệ – cho biết công trình vẫn đang giai đoạn bảo hành mà đã xảy ra sự cố.
Theo thầy Hồng, ngay sau khi công trình có vấn đề, trường đã có văn bản báo cáo Sở GD-ĐT Quảng Nam về sự cố này. Vào tháng 3-2015, đơn vị thi công xuống khảo sát, cho biết nguyên nhân là hiện tượng giãn nở do nhiệt và đã tiến hành khắc phục sự cố.
Tình trạng trường học đầu tư nhiều tỉ đồng xây mới, sửa chữa nhưng mới đưa vào sử dụng đã có vấn đề còn xảy ra ở nhiều trường khác. Tại Trường THPT Trần Cao Vân (Tam Kỳ, Quảng Nam), sáng 6-4, theo thầy Nguyễn Đình Tiến – hiệu trưởng nhà trường, đơn vị thi công vẫn chưa khắc phục những hư hỏng ở trường.
Thầy Tiến cho biết việc khắc phục nói trên đã diễn ra nhiều lần nhưng đến nay tình trạng thấm dột, nứt nẻ tường vẫn tiếp diễn. Còn tại Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (TP Tam Kỳ, Quảng Nam), đến ngày 6-4 mới hoàn thành việc khắc phục thấm dột, meo mốc trên mái trần bằng việc bôi trát lớp sơn mới.
Theo ban quản lý dự án Sở GD-ĐT Quảng Nam, công trình Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm khởi công xây dựng năm 2010, đến nay đã bàn giao khu nhà học và nhà hiệu bộ. Tổng kinh phí đầu tư dự án là 120 tỉ đồng, nhưng chỉ mới đầu tư được 90 tỉ đồng do Công ty đầu tư và phát triển xây dựng Hội An (DIC) chịu trách nhiệm thi công.
Còn Trường Trần Cao Vân được xây dựng năm 2008, với tổng kinh phí đầu tư 20 tỉ đồng. Kinh phí xây dựng, sửa chữa Trường THPT Huỳnh Ngọc Huệ vào năm 2013 là gần 12 tỉ đồng do Công ty TNHH xây dựng và dịch vụ Ngọc Anh thi công. Các công trình đều có thời gian bảo hành 12 tháng.
Chủ đầu tư lý giải việc xuống cấp
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Phan Minh Tuấn – phó ban quản lý dự án Sở GD-ĐT Quảng Nam (đơn vị chủ đầu tư) – cho biết đã nhận báo cáo về việc cơ sở vật chất xuống cấp của các trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, THPT Trần Cao Vân và THPT Huỳnh Ngọc Huệ.
Theo ông Tuấn, việc đấu thầu, thiết kế, thi công các trường đều tuân thủ theo quy định, có giám sát chặt chẽ.
Về Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, ông Tuấn lý giải nguyên nhân khiến mái các phòng hiệu bộ, lớp học bị thấm dột là do các khối nhà này đổ bêtông mái bằng (mái đúc), sử dụng sơn vôi matic. Lớp sơn vôi matic lâu ngày bị mốc, bong tróc dẫn đến tình trạng mái bị thấm nước, dột nát… Còn mái bằng khi trời mưa nước không thoát tốt dẫn đến bị thấm nước.
Lý giải vì sao lại chọn mô hình mái bằng, ông Tuấn cho biết do việc đấu thầu kiến trúc, trúng đơn vị kiến trúc nào thì chủ đầu tư làm theo đúng mô hình họ chọn!
Theo ông Tuấn, về những sự cố hư hỏng của các trường nói trên, chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm đầu tiên và có trách nhiệm khắc phục. Những hư hỏng tại Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, đơn vị thi công – Công ty Đầu tư và phát triển xây dựng Hội An – đã khắc phục, sửa chữa không dưới ba lần.
Về Trường THPT Huỳnh Ngọc Huệ bị rạn chân chim trần nhà, một số gạch dưới nền bị bung lên, đơn vị chủ đầu tư cũng đã đề nghị đơn vị thi công khắc phục.
Ông Tuấn cho biết thêm: “Riêng sự cố thấm dột trần nhà ở Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, chúng tôi sẽ làm tờ trình báo cáo lên UBND tỉnh xin kinh phí để lợp mái bằng tôn cho chắc chắn. Còn Trường THPT Trần Cao Vân, chúng tôi sẽ kiểm tra và có phương án khắc phục”.
Đoàn Cường, Lê Trung
Theo tuoitre
Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!