Home » Khoa học » Hoàng gia Ai Cập cổ đại dị tật vì hôn nhân cận huyết
Đầu xác ướp của Pharaoh Ai Cập Ahmose I, vị vua có thể được sinh ra bởi cặp cha mẹ là anh chị em. (Wikimedia Commons)

Đầu xác ướp của Pharaoh Ai Cập Ahmose I, vị vua có thể được sinh ra bởi cặp cha mẹ là anh chị em. (Wikimedia Commons)
Hoàng gia Ai Cập cổ đại dị tật vì hôn nhân cận huyết. Một nghiên cứu mới đây tiết lộ, chiều cao cơ thể giữa các Pharaoh Ai Cập ít thay đổi so với dân thường, chứng tỏ có tình trạng giao phối cận huyết sâu rộng trong tầng lớp hoàng gia Ai Cập cổ đại.

Discovery News dẫn lại báo cáo được công bố trên tạp chí American Journal of Physical Anthropology, thực hiện bởi giám đốc Frank Rühli của Viện Y học tiến hóa tại Đại học Zurich và các đồng nghiệp, mô tả cuộc nghiên cứu 259 xác ướp Ai Cập bao gồm cả hoàng gia và dân thường. Do nguyên tắc về đạo đức liên quan đến việc hủy hoại mô tế bào – thành phần cần thiết cho việc xét nghiệm gen, nhóm nghiên cứu đã sử dụng chiều cao cơ thể, một đặc điểm có tính kế thừa rất cao, để tìm kiếm những bằng chứng về sự loạn luân.

Quan tài và xác ướp của Pharaoh Amenhotep đệ Nhất, người được ghi nhận là sản phẩm của tình trạng loạn luân nghiêm trọng nhất (Wikimedia Commons)

Quan tài và xác ướp của Pharaoh Amenhotep đệ Nhất, người được ghi nhận là sản phẩm của tình trạng loạn luân nghiêm trọng nhất (Wikimedia Commons)

“Đây thực sự là cuộc sưu tập và nghiên cứu lớn nhất về chiều cao cơ thể người Ai Cập cổ đại, nó trải dài qua tất cả các giai đoạn quan trọng trong lịch sử của họ,” ông Rühli nói với Discovery News.

Nhóm nghiên cứu nhận thấy rằng có rất ít thay đổi về chiều cao giữa các Pharaoh so với thường dân nam giới. “Đây rõ ràng là bằng chứng cho thấy giao phối cận huyết giữa hoàng tộc Ai Cập cổ đại”, ông Rühli nói.

Nhóm nghiên cứu cũng phát triển một thang điểm để đánh giá mức độ cận huyết trong một dòng tộc cụ thể. Các kết quả cho thấy tình trạng loạn luân đặc biệt phổ biến trong các triều đại từ thế kỷ 17 đến 18, và thời kỳ Vua Amenhotep đệ Nhất ghi nhận mức độ loạn luân cao nhất. Amenhotep đệ Nhất được cho là thế hệ thứ ba từ những cuộc hôn nhân của các anh chị em cùng một gia đình.

Trong khi đó, vua Tutankhamun có cha mẹ được cho là anh em với mức độ loạn luân cấp thứ hai. Những Pharaoh có ông bà thay vì cha mẹ là anh chị em, như Thutmosis đệ Tam, được ghi nhận ở tình trạng loạn luân thấp hơn.

Phục chế hình thể gần đây về Tutankhamun cho thấy các di truyền bất thường mà ông phải chịu do sự giao phối cận huyết trong gia đình. Nguồn: BBC

Phục chế hình thể gần đây về Tutankhamun cho thấy các di truyền bất thường mà ông phải chịu do sự giao phối cận huyết trong gia đình. Nguồn: BBC

“Nghiên cứu này cho thấy một số bằng chứng khách quan và đáng tinh cậy về tình trạng phối hôn giữa những người cận huyết (trong hoàng gia Ai Cập cổ đại)”, giáo sư nhân chủng và sinh học Barry Bogin tại Đại học Loughborough, Anh quốc nói với Discovery News.

Hôn nhân trong nội bộ gia đình mang tính phổ biến ở xã hội Ai Cập cổ đại và đã được thực hiện trong xã hội hoàng gia nhằm duy trì nòi giống cao quý. Các pharaoh tin rằng họ là hậu duệ của các vị thần và hôn nhân cùng huyết thống được chấp nhận để giữ lại dòng máu thiêng liêng. Tuy nhiên, điều họ chưa biết tại thời điểm đó là những hậu quả nghiêm trọng gây ra bởi giao phối cận huyết trong gia đình.

Trong tháng 10/2014, một phân tích trên hài cốt của vua Tutankhamun cho rằng cái chết của ông có thể được gây ra bởi sự lỗi gien di truyền do cha mẹ ông là anh chị em ruột. Tutankhamun là con trai của Akhenaten và mẹ ông chính là em gái Akhenaten. Điều này gây nhiều khuyết tật về gen mà ông phải gánh chịu, bao gồm chứng hở hàm ếch, chân khoèo, hông nữ tính và vẩu nặng.

Chiếc đĩa vàng tìm thấy trong ngôi mộ vua Tutankhamun mô tả ông và vợ hay chị gái cùng cha khác mẹ Ankhesenamen

Chiếc đĩa vàng tìm thấy trong ngôi mộ vua Tutankhamun mô tả ông và vợ hay chị gái cùng cha khác mẹ Ankhesenamen

Bản thân Tutankhamun cũng tham gia vào mối quan hệ loạn luân. Ở độ tuổi 8 hoặc 9, ông đã kết hôn với người chị cùng cha khác mẹ Ankhesenamun, người được cho là trước đó từng giao phối với chính cha cô, Akhenaten.

Khi ngôi mộ của Tutankhamun được phát hiện, họ đã tìm thấy xác ướp của hai bào thai. Những hài cốt này được cho là các con của Tutankhamun và Ankhesenamun nhưng bị chết yểu do cũng phải chịu các khiếm khuyết di truyền tương tự.

Theo minhbao.net


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc