Home » Văn hóa » Vương Chiêu Quân cống Hồ, đem lại bình an cho Trung Quốc
 Edo,Vương Chiêu Quân,trung quốc,bình an

Người Nhật Bản thời kỳ Edo miêu tả Vương Chiêu Quân. (Wikimedia Commons)

Hung Nô, một nhóm các bộ tộc du mục sinh sống tại phía bắc Vạn Lý Trường Thành, Trung Quốc là tổ tiên của người Mông Cổ hiện đại. Từ hàng ngàn năm trước, họ đã cưỡi ngựa tiến vào Trung Quốc, đặt dấu ấn tại các thị trấn và làng mạc cũng như nền văn minh nông nghiệp nước này.

Hàng trăm năm trước khi bộ lạc Attila tàn phá đế quốc La Mã phương Tây, triều đại nhà Hán của Trung Quốc (năm 206 trước Công Nguyên – năm 220 sau Công Nguyên) liên tục bị quấy nhiễu bởi kẻ thù từ thảo nguyên.

Người Hán và tộc Hung Nô đã có mối giao bang thân thiết trong nửa thế kỷ, không phải bởi tranh chấp bằng vũ lực mà nhờ vào sự hy sinh của một người phụ nữ mang tên Vương Chiêu Quân.

Mỹ nhân cô quạnh chốn hậu cung

Vương Chiêu Quân sống cách đây khoảng 2.000 năm và là một cung phi trong triều đình Hán dưới thời trị vì của Hán Nguyên đế. Giống như những vị vua khác tại Trung Quốc, Hán Nguyên Đế  có một hậu cung với hàng ngàn mỹ nữ, hầu hết trong số họ chưa bao giờ được diện kiến, chưa nói là gần gũi với Thiên tử.

Hán Nguyên đế có họa sĩ chuyên phác họa chân dung của tất cả thê thiếp trong cung để ngắm nhìn lúc rỗi rãi. Nhiều người trong số những phụ nữ này đã mua chuộc các họa sĩ để họ vẽ chân dung mình đẹp hơn nhằm giành lấy cơ hội được nhà vua chiếu cố. Các họa sĩ do đó cũng kiếm được khá nhiều tiền từ thói quen này và họ coi đó như là một thủ tục hiển nhiên.

Tuy nhiên, Vương Chiêu Quân không hối lộ các họa sĩ vì nàng vốn đã rất xinh đẹp. Điều này khiến họa sĩ Mao Diên Thọ tức giận và đã cố tình miêu tả Vương Chiêu Quân với ngoại hình xấu xí. 

Mặc dù tuyệt đẹp và tài năng phi thường, Vương Chiêu Quân vẫn không được nhà vua chiếu cố và chỉ là một thê thiếp bình thường chốn hậu cung.

Hoàng đế dâng tặng mỹ nhân cho người khác

Thủ lĩnh của bộ lạc Hung Nô Hồ Hàn Tà đến Trung Quốc cầu hòa và cam kết trung thành với Hán Nguyên đế. Ông đã có lời đề nghị đặc biệt: được kết hôn với công chúa Trung Quốc và gia nhập hoàng tộc.

Hoàng đế không muốn làm mất lòng họ dù trong thâm tâm ông không muốn pha trộn dòng máu Hung Nô với huyết thống hoàng gia, nhưng qua bộ sưu tập của ông về chân dung các thiếu nữ trong hậu cung, hoàng đế đã chọn ra một người phù hợp, đó là Vương Chiêu Quân.

Một phiên bản khác của câu chuyện đã cho rằng Vương Chiêu Quân tình nguyện nhận sứ mệnh này, và hoàng đế đã đồng ý dựa trên những mô tả về cô từ họa sĩ Mao Diên Thọ.

Tiếc rẻ vì dâng mỹ nhân cho Hung Nô

Chỉ khi Vương Chiêu Quân đến trước mặt Hán Nguyên Đế trong buổi lễ chia tay, người cai trị Trung Hoa mới nhận ra mình bị họa sĩ lừa gạt. Trước mắt vị hoàng đế là một vẻ đẹp tuyệt thế mà ông vừa đồng ý dâng hiến cho các bộ tộc thảo nguyên.

Hoàng đế đã vô cùng tiếc rẻ. Nhưng thỏa thuận hòa bình giữa nhà Hán và các bộ lạc Hung Nô vẫn diễn ra bình thường, còn Hồ Hàn Tà rất vui mừng đón được một người con gái tuyệt đẹp về làm vợ.

Các họa sĩ sau này khi vẽ Vương Chiêu Quân thường miêu tả hình ảnh mỹ nhân trên lưng ngựa, với một chiếc áo khoác lót lông màu đỏ và chơi đàn tỳ bà (một loại nhạc cụ có dây truyền thống của Trung Quốc) và cuộc hành trình nổi tiếng của nàng đến với đồng bằng Mông Cổ.

Vương Chiêu Quân giữ gìn hòa bình suốt thời gian ở Mông Cổ

Mặc dù người dân Hung Nô là kẻ thù của người Hán, nhưng họ đã mở rộng vòng tay chào đón Vương Chiêu Quân. Nàng sau đó đã sinh được hai hoàng tử và một công chúa cho Thủ lĩnh bộ tộc.

Khi Hồ Hàn Tà chết, người con trai vợ cả của ông lên nắm quyền theo phong tục của bộ lạc. Và Vương Chiêu Quân đã tái hôn với Đan Vu – vị thủ lĩnh mới của Hung Nô, mặc dù trong văn hóa Trung Quốc điều này bị coi là loạn luân, vì quan hệ giữa hai người là mẹ kế, con chồng.

Tuy nhiên, họ cũng đã có với nhau hai công chúa và cuộc sống của Vương Chiêu Quân diễn ra êm đềm cho đến khi bà qua đời vào năm thứ 8 sau Công Nguyên. Mộ Vương Chiêu Quân giờ đây vẫn nằm ở Nội Mông, phủ cỏ xanh ngăn ngắt nên được gọi là “thanh trủng” (mồ xanh).

Vương Chiêu Quân được tôn vinh vì tâm tính lương thiện và đức hy sinh của bà.

Thông qua cuộc hôn nhân của Vương Chiêu Quân, Hung Nô và Trung Quốc đã có được một thời gian dài quan hệ hòa bình.

Tuy nhiên, mặc dù Trung Quốc hòa bình với các nước láng giềng của mình, nội bộ triều đình lại xung đột. Khi nhà vua băng hà, vị quan Vương Mãng đã nổi dậy chống hoàng tộc khiến Trung Quốc rơi vào tình trạng hỗn loạn.

Vương Mãng sau đó bị đánh bại và nhà Hán tiếp tục trị vì trong hai trăm năm, nhưng những khủng hoảng xuất phát từ cuộc nổi loạn của Vương Mãng đã phá vỡ sự bình an mà đế chế Hán đã duy trì với người du mục.

Vương Chiêu Quân được coi là một trong Tứ Đại mỹ nhân của lịch sử Trung Quốc, cùng với Tây Thi, Điêu Thuyền, và Dương Quý Phi.

Không giống ba người kia, mà theo truyền thuyết được biết đến như là những người phụ nữ chuyên dùng mỹ nhân kế (chưa nói họ đều đem lại kết cục bi thảm cho các vị hoàng đế), Vương Chiêu Quân được tôn vinh bởi sự lương thiện và đức hy sinh cao cả của bà. Bà được xem là hiện thân của nền văn minh cổ đại Trung Quốc có thể cùng tồn tại và ảnh hưởng một cách hài hòa đến văn hóa ngoại bang.


Theo Minh Báo

Biên dịch từ Epoch Times


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc