Một Sao chổi sẽ cùng chúng ta đón năm mới 2016 đây là một hiện tượng thiên văn đặc sắc.
Chiêm ngưỡng cực điểm của sao chổi Catalina đúng dịp năm mới.
Còn gì thú vị hơn việc chào đón năm 2016 bằng một hiện tượng thiên văn đặc sắc?
Được phát hiện ngày 31/10/2013, sao chổi C/2013 US10 (Catalina) đã tới vị trí thích hợp để có thể được quan sát từ lúc này cho tới tháng 1/2016. Với một chiếc ống nhòm hay kính thiên văn nhỏ (hoặc thậm chí mắt thường nếu có điều kiện đủ lý tưởng), bạn hoàn toàn có thể quan sát sao chổi này vào lúc rạng sáng những ngày tới.
Bạn có thể quan sát hiện tượng này bằng mắt thường.
Catalina là một sao chổi có điểm xuất phát là Tinh vân Oort (Oort Cloud) ở rìa ngoài Hệ Mặt Trời. Nó đã đi tới cận điểm trên quĩ đạo quanh Mặt Trời của mình vào hôm 15/11. Ở thời điểm đó, chúng ta không thể quan sát do nó khá mờ và lại bị che lấp bởi ánh sáng Mặt Trời khi tới quá gần. Hiện nay nó đang trên đường di chuyển xa khỏi Mặt Trời và lúc này ở vị trí hoàn toàn có thể quan sát từ Trái Đất.
Khác với mưa sao băng diễn ra định kỳ hoặc nguyệt thực nửa tối, nguyệt thực một phần xảy ra tương đối thường xuyên, việc quan sát một sao chổi bằng mắt thường hay qua các kính thiên văn nghiệp dư luôn là một điều thú vị với người yêu thích các hiện tượng của bầu trời, nhất là khi đó là một sao chổi có đuôi.
Tất nhiên, hầu hết các sao chổi đều tạo ra một cái đuôi khi chúng di chuyển tới gần Mặt Trời, nhưng không phải bạn luôn có cơ hội quan sát đuôi của một sao chổi bằng mắt thường hay qua những dụng cụ đơn giản, nhiều sao chổi qua kính thiên văn nghiệp dư chỉ hiện lên là một chấm sáng hay một vệt sáng rất ngắn và mờ. Với sao chổi Catalina, bạn thậm chí sẽ có thể thấy… hai đuôi.
Hình dưới đây được chụp qua kính thiên văn bởi nhiếp ảnh gia Chris Schur ở Arizona (Mỹ) hôm 22/11 ở chế độ phơi sáng 90 giây, nó cho thấy sao chổi có hai đuôi tạo thành một góc rất rộng. Màu xanh lá cây mà bạn nhìn thấy là màu sắc của các hợp chất carbon phát sáng dưới ảnh hưởng của bức xạ UV từ Mặt Trời. Tất nhiên, bằng mắt thường hay các dụng cụ đơn giản bạn sẽ khó thấy được màu sắc này.
Catalina là một sao chổi có điểm xuất phát là Tinh vân Oort (Oort Cloud) ở rìa ngoài Hệ Mặt Trời.
Theo dự đoán, chúng ta có thể quan sát thấy sao chổi này trong toàn bộ tháng 12 năm nay cho tới tháng 1/2016. Thời điểm quan sát phù hợp sẽ là vào lúc rạng sáng, trước bình minh – tốt nhất là khoảng từ 5 tới 6h, ngay trước lúc trời sáng. Vì sao chổi đang di chuyển nhanh nên mỗi ngày vị trí của nó sẽ khác một chút, nhưng về cơ bản trong suốt thời gian lý tưởng để quan sát, nó luôn có vị trí ở bầu trời phía Đông, hơi chếch về Đông Nam, gần vị trí của Sao Kim (Sao Kim là thiên thể sáng nhất vào rạng sáng thời gian này nên bạn sẽ rất dễ nhận ra). Việc xác định chính xác vị trí của sao chổi là khá khó khăn do nó không đủ rõ để nhận ngay ra bằng mắt thường ngay cả ở những thời điểm và điều kiện lý tưởng nhất, bạn hãy dựa vào những hình ảnh dưới đây để so sánh vị trí của nó đối với Sao Kim và với chân trời vào từng giai đoạn (đây là các hình ảnh mô phỏng chụp từ phần mềm Stellarium)
Vị trí sao chổi Catalina trước lúc Mặt Trời mọc ngày 07/12/2015.
Vị trí sao chổi Catalina trước lúc Mặt Trời mọc ngày 08/12/2015.
Trên đây là hình ảnh cho biết vị trí của sao chổi này khoảng 30 tới 45 phút trước lúc Mặt Trời mọc trong 2 ngày 7/12 và 8/12 vừa qua. Đây là thời điểm được kì vọng sáng nhất của sao chổi, có thể được nhìn được bằng mắt thường. Nhưng tất nhiên điều đó chỉ xảy ra với những nơi có điều kiện thời tiết lý tưởng, còn về cơ bản bạn vẫn cần có ống nhòm, kính thiên văn hay ống kính camera với độ phóng đại quang học cao. Hãy lưu ý chọn vị trí quan sát ít ô nhiễm nhất có thể và tránh xa những ánh sáng nhân tạo. Việc tìm kiếm một thiên thể không rõ mục tiêu bằng kính thiên văn hay ống nhòm có vẻ khó khăn. Do đó nếu bạn không đủ kinh nghiệm cùng kiên nhẫn và may mắn, bạn có thể đợi tới rạng sáng ngày 1/1/2016 – tức là đúng thời điểm chúng ta đón năm mới.
Như hình ảnh dưới đây cho thấy, vào rạng sáng ngày 1/1/2016 (khoảng 5h sáng), sao chổi Catalina sẽ ở ngay sát sao Acturus – một sao rất sáng của chòm sao Bootes, do đó bạn sẽ có một cơ hội rất tốt để tìm thấy nó. Hãy hướng ống kính thẳng về phía sao Acturus (hãy xác định ngôi sao này bởi vị trí tương đối của nó với Mặt Trăng và chân trời như hình dưới nếu bạn chưa có kinh nghiệm trong việc xác định các chòm sao. Đây là một ngôi sao sáng rất dễ nhận ra nếu như nơi bạn ở không có mây mù). Cho ống kính quét quanh một diện tích nhỏ ở khu vực sao Acturus, bạn sẽ có nhiều cơ hội tìm thấy sao chổi Catalina.
Chúng ta có thể quan sát thấy sao chổi này trong toàn bộ tháng 12 năm nay cho tới tháng 1/2016.
Một lưu ý nhỏ nữa là do sai lệch trong nhiều tài liệu tiếng Việt, nhiều người ngộ nhận rằng sao chổi là một vệt sáng chạy dài giống như sao băng. Điều đó là sai, bằng các quan sát nghiệp dư trong thời gian ngắn, bạn sẽ chỉ thấy nó là một vệt nhỏ ngay cả qua các kính thiên văn và nó dường như đứng yên chứ không chuyển động do sự thay đổi góc nhìn ở khoảng cách từ sao chổi tới chúng ta là rất chậm.
Đây sẽ là cơ hội cuối cùng để bạn quan sát một sao chổi rõ nét như vậy cho tới dịp Giáng Sinh năm 2018, khi sao chổi 46P/Wirtanen sẽ tiến gần và có thể được quan sát trên bầu trời.
Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!