Home » Kinh doanh, Tiêu Điểm » Nợ công vượt trần với áp lực trả nợ lớn, VN cần tính đến tình huống xấu nhất
Nợ công Việt Nam đã vượt quá giới hạn cho phép 0,3%, áp lực trả nợ rất lớn khi các khoản vay đã đến hạn trả nợ.
Gánh nặng trả nợ của Việt Nam ngày càng lớn. Ảnh minh họa

Gánh nặng trả nợ của Việt Nam ngày càng lớn. Ảnh minh họa

Áp lực trả nợ lớn:Việt Nam phải tính đến kịch bản xấu

Một khi Việt Nam bị vỡ nợ, hệ lụy của nó vô cùng nặng nề với nền kinh tế, không chỉ dăm ba năm mà tới vài chục năm sau.

Vay nhiều, khả năng trả nợ mỏng manh

Báo cáo bổ sung tình hình kinh tế xã hội 2015 của Chính phủ tại kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIII có nêu rõ, nợ công của Việt Nam đang tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn, nợ Chính phủ đã vượt giới hạn quy định.

Trong khi đó, theo Bộ Tài chính, năm 2015, tỷ lệ trả nợ trực tiếp của Chính phủ dự kiến chiếm khoảng 16,1% so với tổng thu ngân sách. Trong năm 2016, ước tính số nợ phải trả chiếm 14,7% tổng thu ngân sách nhà nước. Nếu tính gộp tất cả các nghĩa vụ, bao gồm cả số đảo nợ thì nghĩa vụ trả nợ sẽ tăng lên 24% tổng thu ngân sách.

Cũng theo Bộ Tài chính, áp lực trả nợ của Việt Nam sẽ thực sự rơi vào giai đoạn 2022-2025 khi các khoản vay ODA chủ yếu đều đến hạn.

“Nhiều người cho rằng được vay đã là tốt, vay được càng nhiều thì càng tốt. Xét về mặt kinh tế đúng là như vậy, vay được nhiều không dễ dàng gì và người cho vay phải nhìn mặt để xem xét khả năng trả nợ của người đi vay. Hơn nữa, nếu khoản vay được đầu tư tốt sẽ tạo ra được nền tảng cơ sở vật chất tốt cho sản xuất kinh doanh, từ đó tạo ra năng suất lao động cao, tốc độ tăng trưởng lớn và đem lại lợi ích lâu dài cho nền kinh tế trong tương lai.Chia sẻ với áp lực trả nợ ngày càng lớn của Chính phủ, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Trưởng Bộ môn Quản trị Tài chính Quốc tế, Khoa Tài chính Quốc tế (Học viện Tài chính) thừa nhận, hiện nay nợ Chính phủ đã đến ngưỡng nguy hiểm, đặc biệt là vay nợ nước ngoài.

Tuy nhiên, Việt Nam đã vay rất nhiều, đặc biệt trong những năm gần đây. Điều đó dẫn đến nợ vay của Việt Nam, nhất là vay nước ngoài đã vượt ngưỡng khuyến cáo của các tổ chức tài chính quốc tế, trong khi điều kiện, khả năng trả nợ của Việt nam vô cùng mỏng manh.

Trước đây, Việt Nam không phải trả nợ nhiều do vay nợ nước ngoài của Việt Nam có tới 70-80% là vay ODA. Vài năm gần đây, hình thức vay tín dụng thương mại mới nhiều hơn một chút. Vay ODA có thời gian trả nợ tương đối dài, lãi suất thấp và thường có một khoảng thời gian ân hạn để Việt Nam chỉ trả lãi mà chưa phải trả nợ như vay thương mại.

Tuy nhiên, đến nay thời gian ân hạn của tất cả các khoản vay ODA gần như đã hết, Việt Nam đã đến thời điểm phải trả nợ nước ngoài rất nhiều. Từ khoảng năm 2012 nghĩa vụ trả nợ vay nước ngoài của Việt Nam tăng lên do các dự án ODA hết thời gian ân hạn và Việt Nam phải trả cả nợ gốc lẫn lãi vay. Điều đó khiến nợ vay trong thời gian gần đây ngày càng tăng lên”.

Lý giải áp lực trả nợ của Việt Nam ngày càng lớn, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, việc vay nợ của Chính phủ và đầu tư công có liên quan chặt chẽ với nhau. Thực tế cho thấy, đầu tư công của Việt Nam trong thời gian qua chưa hiệu quả. Rất nhiều khoản đầu tư được dùng để xây dựng trụ sở cơ quan hành chính và các công trình khác mà không phát huy hiệu quả cao với nền kinh tế. Điều này cho thấy có thể Việt Nam đã sai từ định hướng đầu tư công đến hoạch định việc sử dụng nguồn lực của ngân sách nhà nước, sử dụng nợ vay nước ngoài.

Mặt khác, thời gian qua kinh tế Việt Nam phải đối diện với nhiều vấn đề, trong đó gặp trở ngại nhất định khi nền kinh tế thế giới sụt giảm và có khủng hoảng. Việt Nam cần một lượng vốn để đối phó với tình hình này.

Chi tiêu ngân sách, đặc biệt chi tiêu thường xuyên của Việt Nam có chiều hướng tăng mạnh. Việc thực hiện cải cách hành chính, giảm thiểu bộ máy cồng kềnh của Nhà nước dù nói nhiều nhưng hiệu quả thực thi rất thấp. Ngay như trường hợp của Hà Nội, để tinh giản 20 biên chế đã phải chi ra khoản tiền lớn gần 2 tỷ đồng.

Ông Thịnh khẳng định, đã đến lúc phải kiên quyết để giảm bộ máy cồng kềnh, tăng lương cho bộ phận làm việc hiệu quả, giảm thiểu chi tiêu thường xuyên của ngân sách nhà nước, từ đó cân bằng được ngân sách, giảm vay nước ngoài.

Theo vị chuyên gia, với áp lực trả nợ ngày càng lớn, nếu Việt Nam không trả được nợ công, không thực hiện tiết kiệm chi tiêu, không đầu tư có trọng tâm, hiệu quả vào nền kinh tế sẽ phải tính đến khả năng vỡ nợ.  

“Một khi đã rơi vào kịch bản vỡ nợ, hệ lụy của nó vô cùng nặng nề với nền kinh tế, không chỉ trong dăm ba năm mà có thể kéo dài tới vài chục năm sau.

Bình thường, nền kinh tế Việt Nam gặp khó khăn một chút, lập tức xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam đã đi xuống, khi đi vay phải trả lãi suất cao và phải tuân thủ điều kiện ngặt nghèo về kiểm soát, giám sát. Nếu bị tuyên vỡ nợ, Việt Nam sẽ không thể vay nợ được, lạm phát và các vấn đề khác bùng nổ”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh chỉ rõ.

“Tốt nghiệp” ODA chưa hẳn đã xấu

Trong bối cảnh áp lực trả nợ ngày càng lớn, đến tháng 7/2017, Ngân hàng Thế giới sẽ chấm dứt ODA ưu đãi với Việt Nam và phải chuyển chủ yếu sang sử dụng nguồn vay kém ưu đãi và tiến tới vay theo điều kiện thị trường. Nguồn vốn ODA đã vay chuyển sang điều khoản trả nợ nhanh gấp đôi hoặc tăng lãi suất lên từ 2% – 3,5%.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh thừa nhận Việt Nam đang rơi vào cảnh khó chồng khó, tuy nhiên việc Việt Nam phải “tốt nghiệp” ODA đã được các nhà kinh tế nói đến từ cách đây 10 năm. Theo thông lệ, khi trở thành nước có thu nhập trung bình, quốc gia đó sẽ không được vay ODA ưu đãi.

Sau khi Việt Nam chấm dứt vay ODA ưu đãi , các tổ chức tài chính quốc tế sẽ cho vay theo chương trình khác với lãi suất cao hơn. Dù vậy, ông Thịnh nhấn mạnh, với các tổ chức tài chính quốc tế Việt Nam đã gia nhập, Việt Nam vẫn được vay với lãi suất thấp hơn so với việc đi vay thương mại trên trường quốc tế. Với vay thương mại, Việt Nam chỉ được vay trong gian ngắn, không còn thời gian ân hạn, lãi vay cao hơn.

“Việt Nam sẽ khó khăn hơn trong việc quản lý và trả nợ nhưng điều này cũng tạo ra áp lực buộc người đi vay nợ phải tính toán kỹ hơn, buộc các nhà quản lý phải quản lý nợ tốt hơn để trả được nợ vay và lãi vay. Đây cũng là điều làm cho trình độ, năng lực quản lý của Việt Nam phải nâng cao, xứng vơi trình độ phát triển và yêu cầu quản lý của thế giới.

Lâu nay, đi kèm với các khoản vay ODA là tham nhũng, lãng phí chính vì thế theo quy định, các nước đã có thu nhập trung bình khi trả nợ phải trả cả lãi và trả dần theo điều kiện thích ứng với thị trường. Điều này làm cho Việt Nam sẽ sử dụng vốn hiệu quả hơn, nó cũng có thể là cú hích để các nhà quản trị nợ của Việt Nam làm tốt hơn vai trò của mình đối với từng doanh nghiệp, từng chủ thể vay và toàn bộ nền kinh tế”, ông đánh giá.

Vị chuyên gia nhận xét, việc các cấp lãnh đạo thừa nhận những khó khăn về nợ công tại diễn đàn Quốc hội mới đây có thể coi là dấu hiệu của việc Việt Nam ý thức rõ về gánh nợ và khó khăn trong việc trả nợ. Trong khoảng 5-6 năm trở lại đây, việc quản trị nợ của Việt Nam rõ ràng, công khai và minh bạch hơn và đã đi gần với các yêu cầu cũng như phương thức quản trị nợ của các quốc gia tiên tiến trên thế giới. Đây là điều đáng mừng.

Hiện nay, không những các nhà quản trị nợ nắm được tình hình vay nợ của Việt Nam đầy đủ hơn mà ngay cả Quốc hội và các cơ quan quản lý nhà nước khác cũng có đầy đủ thông tin. Điều này sẽ tác động tới việc giám sát cũng như quản lý việc vay nợ, trả nợ của Việt Nam tốt hơn.

Bàn về biện pháp trả nợ của Việt Nam, nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam cần thắt lưng buộc bụng để tăng trưởng và trả nợ nhưng theo ông Thịnh, đây là bài toán khó khi theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước do các bộ, ngành và địa phương đề xuất khoảng 4.000 nghìn tỷ đồng, gấp 20,5 lần kế hoạch năm 2015 và gấp khoảng 2,1 lần khả năng cân đối vốn 5 năm 2016-2020 (1.846 nghìn tỷ đồng). Giải pháp này cũng sẽ ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế và sự phát triển lâu dài của nền sản xuất.

Một giải pháp khác là Việt Nam đi vay nợ nước ngoài để trả nợ cũ, nói các khác là tái cấu trúc lại nợ. Nhưng điều này không hề dễ dàng bởi theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, trong điều kiện bình thường đi vay nợ đã khó, giờ mức độ nợ công/GDP, nợ Chính phủ/GDP của Việt Nam đã vượt giới hạn, đối tác cho vay càng phải suy xét, đòi hỏi điều kiện về lãi suất và các điều kiện khác nghiêm ngặt hơn và Việt Nam sẽ khó vay hơn.

“Điều quan trọng nhất là làm thế nào để đầu tư công có hiệu quả. Bài toán này đã được tính đến từ lâu. Khi ông Vương Đình Huệ làm Bộ trưởng Tài chính có yêu cầu tất cả các doanh nghiệp cần tiết kiệm 10% chi phí, tuy nhiên để thực hiện được điều này rất khó.

Đến bây giờ, kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020 cho thấy, không ít người quản lý ở các cấp không mấy lo lắng đến việc nợ công, nợ Chính phủ đã đến ngưỡng không an toàn mà vẫn muốn xin được nhiều tiền để chi tiêu nhiều nhất, đầu tư nhiều nhất nhằm phát triển cho ngành mình, địa phương mình, họ không nghĩ đến lợi ích chung của toàn bộ nền kinh tế. Đây là điều rất đáng lo.

Để cân bằng ngân sách, giảm vay nợ nước ngoài phải tiết kiệm chi tiêu công, giảm thiểu bộ máy cồng kềnh, đẩy mạnh cải cách hành chính, đầu tư vào các bộ phận, ngành nghề tạo ra cơ sở hạ tầng cho sản xuất kinh doanh, công nghệ lớn cho nền sản xuất trong tương lai. Đương nhiên VN cũng cần đầu tư vào các công trình văn hóa xã hội, các trụ sở nhưng phải xem xét cẩn thận, kỹ lưỡng, đừng để trở thành trào lưu như thời gian qua”, ông Thịnh nhấn mạnh.

Thành Luân

Theo baodatviet

Chuyên đề:

3 ý kiến dành cho “Nợ công vượt trần với áp lực trả nợ lớn, VN cần tính đến tình huống xấu nhất”

  1. Hổ Hét Thời 26/03/2016

    Việt Nam nên tiếp tục bỏ cơ quan Hội đồng Nhân dân từ cấp Tỉnh đến cơ sở.Cơ quan chỉ mang tính hình thức này tạo ra hành vạn chỗ ngồi hưởng lương và phụ cấp ! Một gánh nặng của Ngân sách.

    Reply
  2. như ý 26/03/2016

    Bộ máy quá cồng kềnh!ví dụ như ở đơn vị trường tiểu học,ngoài GV trực tiếp dạy lớp, còn có nhiều người không dạy lớp vẫn hưởng lương như:
    1- 01 ông hiệu trưởng
    2- 02 ông hiệu phó
    3- 01 bà thủ quỹ
    4- 01 ông kế toán
    5- 01 Bà văn thư tổng hợp
    6- 01 ông phổ cập
    7- 01 bà thư viện
    8- 01 bà thiết bị
    9- 01 bà thư ký hội đồng
    10- 01 ông tổng phụ trách Đội.
    11- 02 ông bảo vệ.
    12- 01 bà tạp vụ V.V…Có cách nào thu gọn lại không?

    Reply
    • ngo van tuyen 31/03/2016

      cu theo mo hinh cac nuoc van minh ma hoc, dot lai ngoan co khong chiu doi moi,chi vi loi ich nhom,tham lam dot nat.

      Reply

Ý kiến dành cho như ý