Home » Xã hội » Đáy biển chết vắng tôm cá ở Quảng Bình
Theo các ngư dân, rặng san hô ở khu vực này kéo dài từ xã Đức Trạch (huyện Bố Trạch) đến cửa biển Nhật Lệ (TP Đồng Hới) dài hơn 36 km, rộng 10 mét, là nơi sinh sống của nhiều loài cá tôm nhưng giờ đã không thấy chúng đâu nữa.

Đáy biển ‘chết’ vắng tôm cá

Lặn sâu 15 mét dưới đáy biển ở Quảng Bình, anh Hoàn ngạc nhiên sau ít ngày không còn nhiều tôm cá như trước, chỉ thấy 2 con cá nhỏ bằng ngón tay, 2 con ghẹ chết cùng lớp nước nhờn dày đặc đầy cặn.
day-bien-chet-vang-tom-ca

Ngư dân Hoàn kể chỉ phát hiện 2 con cá bằng ngón tay dưới đáy biển. Ảnh: Hoàng Táo.

Với những người sống nhờ nghề lặn biển bắt tôm hùm, săn cá sống ở tầng đáy tại thôn Nhân Quang (huyện Bố Trạch, Quảng Bình) đây là thời gian thuận lợi để ra biển, thế nhưng bây giờ 30 lao động lặn biển cùng khoảng 100 người phụ giúp phải ngồi nhà vì nhiều ngày qua cá biển chết hàng loạt chưa rõ nguyên nhân.

Trong căn nhà mái bằng khang trang tạo dựng từ nghề đi biển, thợ lặn Phạm Văn Hoàn (32 tuổi) với 12 năm kinh nghiệm cho biết 4 tuần nay không ra biển, chân tay anh “bứt rứt khó chịu”.

Mới đây, trở ra biển để khảo sát, tại vị trí lặn cách bờ khoảng một hải lý, độ sâu 15 mét nước, anh bảo: “Cả vùng chỉ thấy xác 2 con ghẹ đã chết to bằng 2 ngón tay cùng 2 con cá nhỏ bằng ngón tay bơi yếu đuối và vài con nhím biển”.

Anh Hoàn kể, thấy lớp nước ở tầng đáy có màu vàng, nhiều cợn và nhờn dày. Trong khi bình thường nước trong xanh, là nơi sinh sống của nhiều loài cá, có con đến 15 kg.

30 phút lần hồi dưới đáy biển tìm kiếm sự sống, anh Hoàn bảo “đành bất lực”.

day-bien-chet-vang-tom-ca-1

Ông Đô miêu tả lớp nước tầng đáy đục, nhờn và nhiều cặn. Ảnh: Hoàng Táo

Thợ lặn tên Long 2 ngày trước cũng ra biển cùng một đoàn khảo sát của ngành tài nguyên. Lặn sâu khoảng 13 mét dưới đáy biển trong 30 phút, anh Long mang lên một số nhánh san hô bị gãy để đoàn chụp ảnh.

“Vẫn còn ghẹ, nhím biển, cá to chừng 3-4 kg còn sống nhưng rất ít, chỉ bằng khoảng 1/5 so với trước”, anh Long nói.

Cũng ra biển vào hôm qua, thợ lặn Trương Đô (47 tuổi) cho hay “không thấy con cá nào, dù ở những điểm này trước kia có đủ loài cá to nhỏ”. Ông Đô cũng phát hiện số ít nhím biển nhưng chúng chậm chạp hơn thường ngày.

Ngoài việc thiếu vắng các loài cá sinh sống, lớp nước dày khoảng 2 mét ở đáy biển cũng được các ngư dân miêu tả thấy “khác thường”. Ông Đô bảo lớp nước này rất đục, có rất nhiều cặn và gợn dài bằng ngón tay, nước nhơn nhớt. “Cặn theo sóng đánh qua trước mắt kính lặn liên tục, tầm nhìn ngắn lại. Còn trên mặt, biển bốc mùi tanh tưởi rất kinh khủng”, ông Đô nói.

day-bien-chet-vang-tom-ca-2

Biển “chết”, ngư dân Nhân Trạch xếp thuyền, ngư cụ trên bãi cát. Ảnh: Hoàng Táo

Theo các ngư dân, rặng san hô ở khu vực này kéo dài từ xã Đức Trạch (huyện Bố Trạch) đến cửa biển Nhật Lệ (TP Đồng Hới) dài hơn 36 km, rộng 10 mét, là nơi sinh sống của nhiều loài cá tôm. Khi các thợ lặn chôn chân ở nhà, phía bờ biển, hàng chục tàu thuyền phơi mình trong nắng và gió.

Nghề lặn biển bắt đầu từ tháng giêng đến tháng 5 âm lịch, dù lúc ít lúc nhiều nhưng cũng mang về cho các ngư dân đồng ra đồng vào, nuôi sống gia đình. Hệ sinh thái phong phú dưới đáy biển giúp những thợ lặn như anh Hoàn và những người cùng nghề kiếm được 1-2 triệu đồng mỗi ngày, có ngày cả chục triệu đồng.

Đầu tháng 4, cá nuôi lồng bè gần khu kinh tế Vũng Áng bị chết. Hiện tượng bất thường này lan dần theo hướng Bắc – Nam đến Lăng Cô (Thừa Thiên – Huế). Khoảng 70 tấn cá biển tự nhiên, 30 tấn cá nuôi lồng bè đã chết. Theo kết quả điều tra do Bộ Tài nguyên công bố tối 27/4, độc tố hóa học thải ra từ hoạt động của con người và hiện tượng tảo nở hoa (còn gọi thủy triều đỏ) có thể là nguyên nhân.

Hiện nay, hơn 100 chuyên gia trong và ngoài nước có nhiều chuyến khảo sát ở các vùng biển có hiện tượng cá chết nhưng nguyên nhân vẫn chưa được công bố.

Theo Vnexpress

Chuyên đề:

01 ý kiến dành cho “Đáy biển chết vắng tôm cá ở Quảng Bình”

  1. Hung 09/05/2016

    cái đó là do thủy triều đỏ mà, thứ trưởng bộ đã nói vậy! thật không thể tin được!

    Reply

Ý kiến bạn đọc