Home » Xã hội » Mỹ thông báo lịch trình thăm Việt Nam của Tổng thống Obama
Mở màn chuyến công du Việt Nam, Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ gặp gỡ hàng loạt quan chức và lãnh đạo cấp cao của đảng và nhà nước Việt Nam tại thủ đô Hà Nội.

Quan chức Mỹ tiết lộ lịch trình của Tổng thống Obama tại Việt Nam.

Hai quan chức cấp cao Mỹ hôm qua tổ chức họp báo, công bố các nội dung đàm phán trong chuyến thăm của Tổng thống Barack Obama đến Việt Nam.
Tổng thống Mỹ Barack Obama. Ảnh: Reuters.

Tổng thống Mỹ Barack Obama. Ảnh: Reuters.

Giám đốc Cấp cao Hội đồng An ninh Quốc gia về Các vấn đề châu Á Daniel Kritenbrink và Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về Các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương Daniel Russel hôm qua tổ chức họp báo tại Washington để trao đổi thông tin về chuyến thăm sắp tới của Tổng thống Barack Obama đến Việt Nam và Nhật Bản.

Ông Kritenbrink cho biết chuyến thăm giúp củng cố cam kết của ông Obama về tái cân bằng châu Á. Đây là chuyến thăm thứ 10 của ông với tư cách tổng thống đến khu vực. “Chuyến thăm có hai yếu tố quan trọng trong tái cân bằng. Thứ nhất là thiết lập quan hệ đối tác mới với những quốc gia đang trỗi dậy trong khu vực như Việt Nam. Thứ hai là tăng cường quan hệ với đồng minh như Nhật Bản”, ông Kritenbrink cho biết.

Tổng thống Obama khởi hành đến Việt Nam vào ngày 21/5. Tại Hà Nội, ông Obama sẽ dự nhiều cuộc gặp và sự kiện với các nhà lãnh đạo cấp cao Việt Nam, trong đó có Chủ tịch nước Trần Đại Quang và có thể là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ông dự kiến có bài phát biểu về quan hệ Việt – Mỹ và gặp gỡ thành viên xã hội dân sự.

Tổng thống Obama sau đó đến thành phố Hồ Chí Minh, tiếp xúc với thành viên Sáng kiến Lãnh đạo Trẻ Đông Nam Á (YSEALI), doanh nhân và cộng đồng doanh nghiệp.

Tổng thống Obama thảo luận với các lãnh đạo Việt Nam về cách tăng cường quan hệ đối tác trên nhiều lĩnh vực như kinh tế, nhân dân với nhân dân, an ninh, nhân quyền cùng các vấn đề khu vực và thế giới.

Về hợp tác kinh tế, Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) làm nổi bật cả tiến trình và tiềm năng hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Mỹ. Tác động chiến lược và kinh tế từ TPP sẽ được đưa vào chương trình nghị sự. Một số thỏa thuận thương mại tiềm năng khác cũng có thể được đề cập đến.

Về hợp tác an ninh, một trong những yếu tố định hình quan hệ đối tác Việt – Mỹ trong thế kỷ 21, hai nước có cùng cam kết thúc đẩy trật tự dựa trên luật pháp ở châu Á – Thái Bình Dương để các quốc gia có thể theo đuổi mục tiêu một cách hòa bình, phù hợp luật pháp quốc tế.

Hợp tác quân sự song phương bao trùm nhiều lĩnh vực, từ viện trợ nhân đạo và thảm họa đến gìn giữ hòa bình. “Chúng tôi sẽ tiếp tục trao đổi với Việt Nam về cách thức hai bên có thể phối hợp để tăng cường năng lực an ninh trên biển của Việt Nam”, ông Kritenbrink nói.

Về hợp tác giữa nhân dân với nhân dân và giáo dục, hai hoạt động này giúp tăng cường lòng tin và sự hiểu biết giữa người dân hai nước. Việt Nam là quốc gia có nhiều sinh viên du học tại Mỹ nhất trong số các nước Đông Nam Á, gần 12.000 người Việt Nam đang tham gia YSEALI. Điều đó cung cấp nền tảng mạnh mẽ cho phát triển quan hệ song phương trong các thập kỷ tới.

Về các vấn đề khu vực và thế giới, Việt Nam và Mỹ đang hợp tác trên mọi lĩnh vực từ sức khỏe, không phổ biến vũ khí, biến đổi khí hậu đến gìn giữ hòa bình, chống buôn lậu động vật hoang dã.

“Tất cả những lĩnh vực hợp tác và kết quả chúng tôi đạt được trong hơn 20 năm qua tạo ra nền tảng vững chắc cho các thành tựu chúng tôi sẽ đạt được trong 20 năm tới và xa hơn”, ông Kritenbrink nói.

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về Các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương Daniel Russel. Ảnh: Reuters.

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về Các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương Daniel Russel. Ảnh: Reuters.

Theo Trợ lý Ngoại trưởng Russel, Việt Nam là đối tác của Mỹ trong TPP, trong bảo vệ Công ước Luật Biển và thượng tôn pháp luật trên biển, trong giải quyết hòa bình tranh chấp và căng thẳng trên Biển Đông.

“Việt Nam còn là đối tác trong việc gìn giữ sông Mekong, nguồn tài nguyên đối với cuộc sống của hàng triệu người và nhiều quốc gia nó chảy qua”, ông Russel nói.

Trả lời câu hỏi về khả năng Tổng thống Obama sẽ thông báo dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam, ông Kritenbrink cho biết đây là vấn đề được đưa ra định kỳ. Mỹ năm 2014 đã dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận vũ khí liên quan đến an ninh trên biển. Khi đó, Mỹ thông báo các hợp đồng mua bán sẽ được xem xét tùy từng trường hợp và nhân quyền là một vấn đề cần cân nhắc.

Sau chuyến thăm Việt Nam, Tổng thống Obama sẽ đến thăm Nhật Bản cuối ngày 25/5 và dự hội nghị thượng đỉnh G7, diễn ra ở Ise-Shima trong hai ngày 26 và 27/5.

Ông Obama sẽ trở thành tổng thống Mỹ thứ ba liên tiếp thăm Việt Nam trong hơn 20 năm sau khi hai nước bình thường hóa quan hệ. Bill Clinton năm 2000 là tổng thống Mỹ đầu tiên đến Việt Nam kể từ khi chiến tranh kết thúc. Ông George W. Bush thăm Việt Nam năm 2006.

Như Tâm

Theo Vnexpress

Chuyên đề: ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc