Home » Thể thao » Paul Scholes: Nốt nhạc trầm xao xuyến

Sân Old Trafford, ngày 25/4/2007, chứng kiến trận bán kết lượt đi Champions League giữa Man Utd và AC Milan. Phút 59, Scholes nhận đường chuyền của Michael Carrick trong tư thế đứng song song với khung thành Dida.

Cái tên Paul Scholes gợi lại hoài niệm về cái thời mà bóng đá Anh tự hào rằng họ cũng có thể sản sinh ra một tiền vệ hay bậc nhất thế giới. Hôm nay 16/11, anh đón sinh nhật lần thứ 42.

Sân Old Trafford, ngày 25/4/2007, chứng kiến trận bán kết lượt đi Champions League giữa Man Utd và AC Milan. Phút 59, Scholes nhận đường chuyền của Michael Carrick trong tư thế đứng song song với khung thành Dida. Bị vây giữa bốn hậu vệ Milan, anh khẽ co người lại rồi tung một cú vẩy má ngoài chân phải cực nhanh. Trái bóng từ chân Scholes đi lên cao loại hoàn toàn hàng thủ của AC Milan, giúp Rooney đối mặt Dida để ghi bàn gỡ 2-2. Tình huống ấy ngoạn mục đến mức người hùng sau trận đấu, Rooney phải thốt lên: “Thật hạnh phúc khi được chơi với một thiên tài như anh ấy”.

 paul-scholes-not-nhac-tram-xao-xuyen

Rooney xem việc được chơi bóng cạnh Scholes là một diễm phúc.

Những pha bóng như vậy không có nhiều trong bóng đá Anh, nhưng nếu theo dõi Man Utd và để ý chàng trai tóc vàng thầm lặng đó, người ta sẽ thấy chúng xuất hiện rất nhiều. Bóng đá Anh thường gắn liền với khái niệm “Chạy và Sút”, nặng tính giải trí và ít sự khai phá mạnh về chiến thuật. Lối đá thế nào, sinh ra con người như thế đấy. Các tiền vệ người Anh vì vậy bị chê bai là tư duy chơi bóng không cao bằng các đồng nghiệp đến từ Tây Ban Nha hoặc Italy. Tuy vậy, Scholes là một ngoại lệ đặc biệt. Những cú vẩy má ngoài, những đường chuyền dài chính xác đến từng centimet là thương hiệu của anh, mà để thực hiện hai kiểu chuyền đó, bạn phải là người “thấy được khoảng trống trước khi nó mở ra.”

Andrea Pirlo là cầu thủ mơ ước của người Anh. Pirlo luôn đánh giá bóng đá qua tư duy. Khi lựa chọn đội hình trong mơ Champions League, anh đã điền tên Scholes và bình luận: “Con người ấy thực sự là tiền vệ hay nhất của nước Anh trong lứa thế hệ của mình. Không chỉ chơi bóng, anh ấy còn nghĩ về trận đấu. Bạn có thể thấy từng đường chuyền, từng quyết định của anh ấy đều được thực hiện bằng sự hiểu biết và trí thông minh của bản thân”. Thế giới bóng đá thập kỷ qua có ba tiền vệ vùng sâu hay nhất: gồm Pirlo, Scholes và Xavi. Cái đáng nể của họ không phải ở những khoảnh khắc xuất thần, đó chỉ là viên ngọc đính trên vương miện. Cái tuyệt hảo của họ chính là đội bóng đã chiến thắng và tồn tại bằng trí não và đôi chân của họ. Pirlo, Xavi và Scholes khuynh đảo thế qua cách ấy.

Với Pirlo, mọi hệ thống xoay quanh anh, từ “sơ đồ hình cây thông” 4-3-2-1 của Carlo Ancelotti đến 3-5-2 của Antonio Conte, Pirlo là cửa ngõ chiến thuật. Với Xavi, tiqui-taca lên đến đỉnh cao của danh vọng. Và với Paul Scholes, 4-4-2 chưa bao giờ lỗi mốt, Man Utd đã tồn tại suốt nhiều năm không cần các số 10 lãng mạn đóng vai trò hộ công. Hoặc nếu bạn giải thích theo cách ngược lại: tài năng của anh đã tiêu diệt các hộ công hạ cánh đến Old Trafford, kể cả “Phù thủy nhỏ” Juan Veron lẫy lừng. Nhưng trong cái chốn phồn hoa xô bồ của bóng đá Anh, sự thầm lặng ấy khiến người ta lãng quên đi “Hoàng tử tóc vàng”, để trao cho anh những lời ngợi khen và phần thưởng mà anh đáng ra phải có. Cả sự nghiệp, Scholes chưa bao giờ có một danh hiệu cá nhân lớn lao nào. Có lẽ anh chỉ chiến thắng trong tim những người hâm mộ “Quỷ đỏ”.

 paul-scholes-not-nhac-tram-xao-xuyen-1

Pirlo là tiền vệ người Anh hiếm hoi có thể sánh được với những thiên tài như Pirlo.

Ngày 4/8/2004, một tháng sau trận thua tức tưởi Bồ Đào Nha ở tứ kết Euro 2004, Scholes tuyên bố chia tay tuyển Anh. Thời khắc đó, những người hâm mộ bóng đá Anh, và cả HLV tuyển Anh, Sven-Goran Eriksson không hề biết họ đã mất điều gì. Với suy nghĩ rằng đội tuyển đã có Frank Lampard và Steven Gerrard không những tài năng mà còn có sức trẻ, cộng thêm Owen Hargreaves vừa xuất hiện, người Anh nhẹ nhàng chia tay Scholes. Nhưng đó cũng là lúc bóng đá Anh mở ra một thời kỳ mới: thời kỳ “dẫm chân nhau” của Lampard – Gerrard, thời kỳ của biệt danh “Sư tử giấy”, hoặc thô thiển hơn là thời kỳ “Lợn siêu nạc” gắn với đội tuyển. Họ được giới truyền thông “bơm vá” quá nhiều, trong khi những người thầm lặng có giá trị thiên tài như Scholes thì chẳng còn quay trở lại.

Vào cái ngày mà Alex Ferguson chia tay bóng đá, đấy cũng là lúc Scholes vẫy tay tạm biệt. Hôm đó, sân Old Trafford đã mất cùng lúc tới hai thiên tài, một trên băng ghế huấn luyện và một ở trên sân cỏ. Kể từ lúc đó, các chiến thắng của Man Utd cũng đi theo bước chân của họ, đến hôm nay vẫn chưa tìm được chốn trở về.

 paul-scholes-not-nhac-tram-xao-xuyen-2

Scholes và Ferguson gắn với những ký ức đẹp dường như không bao giờ trở lại với các fan Man Utd.

Scholes cống hiến 20 năm cho Man Utd, với 718 trận và 155 bàn, nhưng anh không có người đại diện, anh chỉ cần mẫn trên sân tập, thầm lặng trên sân cỏ, quán xuyến cả tuyến giữa, ra đi và trở về. Đó là lý do vì sao anh được xem là tượng đài vĩ đại bậc nhất trong lòng Man Utd.

Hôm nay, 16/11/2016, sinh nhật thứ 42 của Scholes. Thế giới bóng đá vội vã trôi như những bước chạy “Kick and rush” của sân cỏ nước Anh. Có bao nhiêu người dừng lại để biết yêu và nhớ cái trầm lặng đã đi xa này?

Dũng Phan – Theo Vnexpress

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc