Home » Kinh doanh » ‘Vang Thăng Long’ nuối tiếc một thời vàng son!
Khởi điểm với một thương hiệu có tiếng với thị trường rượu vang trong nước, tuy nhiên càng ngày Vang Thăng Long càng hụt hơi trong việc giành giật thị phần với các thương hiệu nhập khẩu.

Thăng trầm của Vang Thăng Long

Khởi điểm với một thương hiệu có tiếng với thị trường rượng vang trong nước, tuy nhiên càng ngày Vang Thăng Long càng hụt hơi trong việc giành giật thị phần với các thương hiệu nhập khẩu.

Công ty cổ phần Vang Thăng Long (Mã CK: VTL), tiền thân là Xí nghiệp nước giải khát Thăng Long, ra đời năm 1989, trực thuộc công ty Rượu bia Hà Nội. Công ty cổ phần hóa vào năm 2011 với vốn điều lệ khi đó là 11,6 tỷ đồng.

Đến năm 2005, vốn điều lệ của công ty tăng lên 18 tỷ đồng, đồng thời cổ phiếu của Vang Thăng Long đã được niêm yết và giao dịch trên HNX. Khi đó, sở hữu Nhà nước tại Vang Thăng Long là 40%.

Sở hữu một thương hiệu lâu năm, có tiếng trên thị trường nội địa, song hoạt động của Vang Thăng Long trong một thập kỷ qua ghi nhận nhiều nốt trầm, sau giai đoạn thăng hoa trước đó. Sự lấn lướt của các thương hiệu nhập khẩu, đặc biệt trong phân khúc trung và cao cấp, cùng với sự xuất hiện của nhiều thương hiệu nhái, kém chất lượng… đã tác động lớn đến hoạt động của Vang Thăng Long.

thang-tram-cua-vang-thang-long

Thương hiệu Vang Thăng Long một thời đang bị lấn lướt bởi những sản phẩm nhập ngoại.

Năm 2004, Vang Thăng Long có lượng tiêu thụ hơn 5,3 triệu lít, trong đó gần 5,2 triệu lít là sản phẩm vang tổng (97,6%). Các sản phẩm có giá trị cao hơn như vang 2 năm và vang 5 năm chỉ chiếm hơn 53.000 lít, tương đương 1%. Lợi nhuận sau thuế 5,5 tỷ đồng, cùng tỷ lệ chia cổ tức lên tới 22%.

Liên tục trong 3 năm tiếp theo, Vang Thăng Long duy trì doanh thu trên dưới 70 tỷ đồng và lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trên 7 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế khoảng 5-6 tỷ đồng so với vốn điều lệ 18 tỷ đồng, một tỷ lệ đáng mơ ước đối với nhiều doanh nghiệp khác. Các sản phẩm cũng được mở rộng từ vang ngọt truyền thống sang các loại vang chát khác.

Bên cạnh kết quả khả quan thì những khó khăn cũng xuất hiện ngày càng rõ rệt. Trong báo cáo thường niên gửi tới các cổ đông vào năm 2007, ban lãnh đạo Vang Thăng Long cho biết, vòng đời các sản phẩm chủ lực đã đến kỳ suy giảm, sản phẩm mới thì vẫn đang trong tiến trình xâm nhập thị trường. Trong khi đó, nạn hàng nhái, hàng giả hoành hành, khó kiểm soát.

Những khó khăn này liên tục được ban lãnh đạo Vang Thăng Long nhắc lại trong báo cáo gửi các cổ đông những năm sau đó, cùng với hoạt động kinh doanh cũng bắt đầu trồi sụt dần qua các năm.

Trong bối cảnh thị trường rượu vẫn liên tục tăng trưởng, tuy nhiên doanh thu của qua các năm không có nhiều sự đột biến, còn lợi nhuận thì chỉ còn duy trì ở mức từ 2 tỷ đến 4 tỷ đồng mỗi năm. Riêng năm 2012, công ty ghi nhận khoản lỗ gần 2,4 tỷ đồng.

Một quy luật thường thấy trong thời gian từ năm 2013 đến nay là 6 tháng đầu năm, Vang Thăng Long đều ghi nhận kết quả lỗ, sau đó vươn lên vào giai đoạn cuối năm. Riêng trong 6 tháng đầu năm tài chính 2016, doanh nghiệp ghi nhận kết quả lỗ hơn 4 tỷ đồng, tăng gần 29% so với cùng kỳ.

Trong khi đó, lợi nhuận qua các năm dù không nhiều nhưng phần lớn đều được chi trả cổ tức với tỷ lệ từ 4,5% đến 8% như những năm gần đây và một phần nhỏ còn lại trích quỹ phúc lợi.

Với tình hình kinh doanh như vậy, kế hoạch tài cơ cấu cũng đã được ban lãnh đạo Vang Thăng Long đề ra với mục tiêu tăng kết quả kinh doanh và tinh gọn bộ máy nhân sự nhằm giảm chi phí quản lý. Số nhân sự của công ty từ mức 175 người của năm 2013 đã giảm còn 118 người năm 2015. Tuy vậy, kết quả thực tế về hoạt động kinh doanh đem lại không cải thiện được quá lớn.

Không quá sa sút nhưng cũng không còn tăng trưởng, thương hiệu rượu vang nổi tiếng một thời đang gặp khó trong việc chiếm lĩnh bản đồ thị phần, nhường sân chơi lại cho các đối thủ ngoại.

Minh Sơn – Theo Vnexpress

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc