Home » Xã hội » 1000 công nhân không làm việc vì ‘quy định mới khắt khe’

Giám đốc nhân sự không cho công nhân mang nhiều nước uống, thức ăn vào chỗ làm, phụ nữ mang thai không được mang sữa vào uống.. khiến hàng trăm công nhân bức xúc, đến nhà máy nhưng không làm việc.

Cho rằng giám đốc nhân sự mới áp đặt nhiều quy định khắt khe khi làm việc, công nhân công ty dệt ở Bà Rịa – Vũng Tàu đồng loạt phản đối.

Sáng 3/4, khoảng 1.000 công nhân làm việc tại Công ty Mei Sheng (Indonesia, thuộc Khu tiểu thủ công nghiệp Ngãi Giao, huyện Châu Đức, Bà Rịa – Vũng Tàu) không chịu vào nhà máy làm việc mà đề nghị gặp lãnh đạo công ty.

“Trong tháng qua, giám đốc nhân sự mới người Trung Quốc ra nhiều quy định khắt khe, ảnh hưởng nhu cầu thiết yếu của chúng tôi khi làm việc”, các công nhân cho biết lý do phản đối.

Công nhân đối thoại với lãnh đạo công ty. Ảnh: Xuân Thắng

Công nhân đối thoại với lãnh đạo công ty. Ảnh: Xuân Thắng.

Theo công nhân, giám đốc nhân sự không cho họ mang nhiều nước, thức ăn vào chỗ làm; phụ nữ có thai không được mang sữa vào để uống dặm; nhà để xe nằm cách nhà xưởng cả trăm mét song cấm công nhân mặc áo khoác chống nắng; suất ăn trưa chỉ 15.000 đồng cũng bị cắt xén nên họ không đủ chất. 

“Việc siết chặt thời gian nghỉ, tăng thời gian làm việc cũng khiến chúng tôi mệt mỏi, áp lực…”, một công nhân nói.

Giám đốc nhân sự này cũng áp đặt hình thức xử lý vi phạm lần đầu trừ 10% lương, lần hai trừ 20% lương và lần ba sẽ đuổi việc. “Để thực hiện những quy định mới này, hàng ngày, ông ấy đứng chặn rà soát từng người ở cổng, thu nước uống và thức ăn”, công nhân cho biết.

Làm việc với cơ quan chức năng huyện Châu Đức, ông Narasimha Rao – đại diện lãnh đạo Công ty Meisheng – cho biết sẽ đáp ứng tất cả yêu cầu của công nhân đưa ra từ nước uống, thức ăn, áo khoác, tăng chất lượng bữa ăn, xây dựng thêm nhà xe… Ngoài ra, Ban lãnh đạo sẽ điều chuyển giám đốc nhân sự để thay bằng một người khác.

Trước cách giải quyết của công ty, đến trưa cùng ngày, các công nhân tạm thời giải tán và hứa sẽ trở lại làm việc.

Công ty Mei Sheng có 100% vốn nước ngoài, hoạt động năm 2009. Chỉ được cấp phép sản xuất kéo sợi và dệt nhưng công ty sau đó đầu tư thêm hệ thống nhuộm. Sau nhiều lần xả thải gây ô nhiễm môi trường, cuối năm 2016, xưởng nhuộm của công ty bị buộc phải di dời đến nơi khác.

Xuân Thắng – Theo Vnexpress


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc