Home » Cổ truyền, Văn hóa » Trận quyết chiến đầu tiên giữa Mông Cổ và Đại Việt

Dù Đại Việt có đến 3 lần đánh bại quân Mông Cổ, nhưng trận quyết chiến thư hùng đầu tiên vẫn mang một ý nghĩa đặc biệt. Dù “vạn sự khởi đầu nan”  nhưng giúp cho quân Đại Việt giải mã sức mạnh của đội kinh gieo rắc kinh hoàng khắp thế giới này, là tiền đề cho những chiến thắng sau này của Đại Việt.

Vó ngựa quân Mông Cổ gieo rắc kinh hoàng khắp thế giới. (Ảnh từ internet)

Vó ngựa quân Mông Cổ gieo rắc kinh hoàng khắp thế giới. (Ảnh từ internet)

Năm 1254 quân Mông Cổ chiếm được Đại Lý, sứ giả Mông Cổ sang Đại Việt muốn mượn đường đánh Tống. Tuy nhiên nhà Trần đã không đồng ý bởi trước đây quân Mông Cổ từng liên minh với Tống nhằm đánh Kim, chiếm được Kim rồi lại đánh Tống.  Vì biết Mông Cổ chiếm được Tống sẽ đánh Đại Việt nên nhà Trần nhất quyết không nghị hòa với Mông Cổ.

Để có đường từ phía nam đánh Tống, năm 1258 quân Mông Cổ tiến đánh Đại Việt, Ngột Lượng Hợp Thai dẫn 3 vạn quân cùng 1,5 vạn hàng binh Đại Lý tiến đánh Đại Việt.

Trước thế giặc mạnh, quân Đại Việt tập hợp tại Bình Lệ Nguyên (nay là Bình Xuyên, Vĩnh Phúc), nơi đây trở thành cuộc chiến đầu tiên đối đầu giữa quân Mông Cổ và Đại Việt, quân chủ lực hai bên đều tập trung quyết chiến tại nơi đây.

Chiến thuật hai bên

Quân nhà Trần bày trận trên bờ sông, phía trước có đội tượng binh, phía sau là kỵ binh và bộ binh.

Quân Mông Cổ tiến đến Bình Lệ Nguyên và quyết đánh nhanh thắng nhanh, vì biết rằng toàn quân Đại Việt đầu tập trung ở nơi đây, nên Ngột Lượng Hợp Thai muốn chỉ thông qua một trận chiến là giành thắng lợi thôn tính luôn được Đại Việt. Ngột Lương Hợp Thai chia quân làm 3 đội với kế hoạch như sau:

Đội thứ nhất 5.000 quân nhanh nhẹn do Triệt Triệt Đô chỉ huy vượt sông vòng ra phía sau quân Đại Việt để cướp thuyền nhằm làm cho quân Đại Việt không còn đường lùi.   Ngột Lương Hợp Thai lệnh cho Triệt Triệt Đô: “Quân ngươi khi đã qua sông, đừng đánh chúng vội, chúng tất đến chống lại ta. Phò mã theo sau cắt hậu quân của chúng. Ngươi rình cướp lấy thuyền. Quân Man nếu tan vỡ chạy ra sông, không có thuyền tất bị ta bắt” (theo Nguyên sử)

Đội thứ 2 có 3 vạn quân do Ngột Lương Hợp Thai chỉ huy sẽ đánh thẳng vào trận  của quân Đại Việt, quân Đại Lý sẽ đi tiên phong, kỵ binh Mông Cổ phía sau sẽ tung đòn quyết định.

Đội thứ ba do phò mã Mông Cổ là Hoài Đô cùng tướng A Truật con trai của Ngột Lương Hợp Thai chỉ huy khoảng 5.000 quân giỏi bắn cung đánh thẳng vào mạn sườn quân Đại Việt.

Bình Lệ Nguyên

Bản đồ cuộc chiến tại Bình Lệ Nguyên. (Ảnh từ motthegioi.vn)

Cuộc chiến đầu tiên giữa Mông Cổ và Đại Việt

Quân Triệt Triệt Đô bọc ra phía sau hậu quân  để cướp thuyền  không cho quân Việt rút lui, nhưng bị hậu quân Đại Việt phát hiện, hai bên giao tranh dữ dội, quân Đại Việt dù không cự được nhưng quân tiếp ứng tới ngày càng nhiều khiến cánh quân Triệt Triệt Đô không thể thực hiện nhiệm vụ cướp thuyền.

Ngột Lương Hợp Thai lúc này ở bên kia sông thấy trong trận địa Đại Việt có biến trận, lại thấy bụi mù tung lên ở một góc nên biết đang có giao tranh nên liền cho quân vượt sông tiếp ứng.

Quân Ngột Lương Hợp Thai vừa qua sông thì vua Trần cho đội tượng binh xông lên, phía sau có kỵ binh và bộ binh trợ chiến.

Quân Đại Lý ở hàng đầu bị tổn thất nặng, kỵ binh Mông Cổ dù nổi tiếng thiện chiến nhưng lại không thể chống nổi voi, quân Đai Việt ngồi trên lưng voi bắn tên rồi dùng kích tiêu diệt kỵ binh Mông Cổ. Có phần thất thế, kỵ binh Mông Cổ chọn quân kỵ và quân bộ Đại Việt để tấn công, đồng thời cho quân vây quân  tượng binh dùng tên để bắn, quân Mông Cổ dần dần lấy lại thế trận.

Ảnh minh họa từ motthegioi.vn

Ảnh minh họa từ motthegioi.vn

Lúc này quân thiện xạ của Mông Cổ cũng tới nơi, dùng tên bắn vào điểm yếu của voi là mắt và vòi, đồng thời nhắm bắn quản tượng và binh sĩ trên lưng voi. Đội tượng binh cũng bắn tên trả lại, nhưng chỉ có vài trăm thới voi với chưa đến 1.000 lính bắn tên nên không thể đấu lại 5.000 quân thiện xạ của Mông Cổ, nhiều voi bị trúng tên đau đớn chạy loạn xạ giẫm cả vào quân Đại Việt.

Quân Mông Cổ chớp thời cơ theo đường voi chạy mà đánh thọc vào. Địa hình Bình Lệ Nguyên khá bằng phẳng lại rộng lớn, đây là địa hình lý tưởng cho kỵ binh Mông Cổ vốn bách chiến bách thắng từ Á sang Âu phát huy tác dụng.Quân Mông Cổ dùng chiến thuật chia cách và diệt từng cụm một, quân hai bên đan xen vào nhau,  đội tiên phong quân Mông Cổ đã tiến đến gần vua Trần Thái Tông.

Dù  quân Mông Cổ rất thiện chiến, nhưng tinh thần quân Đại Việt rất lăn xả, từng quân tướng đều quyết chiến đến cùng. Cuộc đụng độ đầu tiên quân chủ lực của Mông Cổ và Đại Việt  rất ác liệt, giao tranh ở thế bất phân thắng bại. Quân Mông Cổ phát huy được ưu điểm kỵ binh, nhưng quân Đại Việt khí thế cũng đang hăng đều quyết chiến đến cùng, quân Mông Cổ vài lần tiến đến bắt vua Trần Thái Tông nhiều đều bị đánh bật trở lại.

Vua Trần cũng xông trận với võ phái Đông A nổi tiếng lúc bấy giờ, quân Mông Cổ cũng được lệnh bắt vua Trần nhằm nhanh chóng kết thúc cuộc chiến, lớp lớp kỵ binh thiện chiến Mông Cổ vây quanh vua Trần, quanh Vua diễn ra cuộc chiến rất dữ dội. Vua nhìn quanh thấy các tướng đều tản ra bận ngăn địch, chỉ còn một tướng sắc mặt không động, một mình một ngựa đứng sát vua ngăn kỵ binh Mông Cổ. Đó chính là Ngự sử trung tán Lê Tần, người Ái Châu, một người văn võ toàn tài, hậu duệ của vua Lê Đại Hành.

Nhờ sự dũng mãnh của Lê Tần, quân hộ vệ mới bày lại trận bảo vệ xung quanh Vua. Tuy nhiên cuộc chiến càng kéo dài thì quân Đại Việt tử trận nhiều hơn, ưu thế nghiêng dần sang quân Mông Cổ, có người tâu với Vua xin rút lui, một số xin quyết tử chiến ngăn quân Mông Cổ.

Tướng Lê Tần lúc này mới tâu Vua xin tạm thời rút đi: “Nếu bây giờ bệ hạ làm như thế, thì chỉ như người dốc hết túi tiền để đánh nốt tiếng bạc mà thôi. Tôi tưởng hãy nên lánh đi, không nên khinh thường mà nghe người ta được” (theo Cương Mục).

Vua Trần cho là phải liền rút quân về phía chiến thuyền, rút lui để bảo toàn lực lượng, chờ cơ hội phản công.

Vua Trần quyết định lên thuyền rút lui để bảo toàn lực lượng. (Ảnh từ violet.vn)

Vua Trần quyết định lên thuyền rút lui để bảo toàn lực lượng. (Ảnh từ violet.vn)

Quân Mông Cổ đuổi sát theo quyết bắt Vua Trần, nhưng bị cánh quân địa phương cản lại, quân chủ lực an toàn  rút lui.

Không bắt được Vua Trần, Ngột Lương Hợp Thai trách viên tướng Triệt Triệt Đô đã không thực hiện được kế hoạch cướp thuyền khiến vua Trần chạy thoát, khiến Triệt Triệt Đô cả thẹn phải uống thuốc độc tự sát. Tuy nhiên với thế trận như vậy, thuyền bè đều cần được canh phòng cẩn mật, thậm chí cần phải có tiếp ứng lẫn nhau, đâu thể dễ cướp.

Trận này Đại Việt tổn thất nặng về voi chiến, nhưng quân chủ lực đã kịp rút lui nên vẫn bảo toàn được lực lượng; phía Mông Cổ thì quân chủ lực hầu như vẫn còn nguyên.

Trận chiến đầu tiên đối mặt với đội quân hùng mạnh muốn chinh phục cả thế giới, quân Đại Việt đã đúc kết được nhiều kinh nghiệm, đặc biệt  là sự thiện chiến của kỵ binh Mông Cổ, đó là tiền đề cho những cuộc phản công giành thắng lợi trong những cuộc chiến sau này.

Ánh Sáng

Chuyên đề: , ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc