Home » Cổ truyền, Tiêu biểu sideshow, Văn hóa » Điều gì khiến quân Tây Sơn không thắng được quân nhà Nguyễn

Hiện nay nhiều người cho rằng quân Tây Sơn để thua nhà Nguyễn là do vua Quang Trung mất đột ngột. Vậy nguyên nhân nào đã đễn đến cái chết của vua Quang Trung.

Phú Xuân thế kỷ 19

Phú Xuân thế kỷ 19. (Ảnh từ wikipedia.org)

Nguyên nhân cái chết của vua Quang Trung

Có rất nhiều giả thuyết xung quang cái chết của vua Quang Trung, có giả thuyết cho rằng bị huyết áp, làm việc quá sức nên bị đứt mạch máu, bị trúng tà; hay thậm chí đi xa hơn là bị vợ là công chúa Ngọc Hân đầu độc vì ghen khi biết vua Càn Long có ý định gả công chúa cho vua Quang Trung, hay nhà Thanh đầu độc vì sợ tài v.v…

Vậy trong sử sách lý giải nguyên nhân cái chết của nhà Vua thế nào?

Nhìn chung các sách sử đều cho rằng vua Quang Trung mất do bệnh. Sách Tây Sơn thực lục ghi rằng “Huệ mắc bệnh nặng, chữa không khỏi…”.

Một giáo sĩ là Longer ghi chép lại rằng: Vua Quang Trung chết vì bệnh, nhưng không rõ là bệnh gì.

Sách “Ngụy tây liệt truyện” thì cho rằng vua Quang Trung bị một cơn tăng huyết áp đột ngột.

Nguyên nhân dẫn đến việc vua Quang Trung bị bệnh được các sử gia nhà Nguyễn giải thích rằng đó là sự trừng phạt của Thần Thánh khi quân của vua Quang Trung chiếm Phú Xuân đã xâm phạm đốt phá các lăng tẩm chúa Nguyễn, quân Tây Sơn khi hành quân thường hay cướp phá của dân chúng.

Sách “Đại Nam Chính Biên Liệt Truyện” ghi rằng: “Huệ trong lúc lấy kinh đô Phú Xuân có mạo phạm đến lăng tẩm của Liệt Thánh. Một ngày kia đương ngồi, thình lình bắt đầu xây xẩm rồi ngã ra hôn mê. Mơ màng thấy một lão trượng đầu bạc, áo trắng, cầm gậy sắt từ không trung đi đến, mắng rằng: Ông cha mày đều sinh ở đất vua, mày sao dám mạo phạm đến lăng tẩm. Nói vừa dứt lời liền lấy gậy sắt đánh nơi trán Huệ. Huệ ngã xuống bất tỉnh hồi lâu mới tỉnh lại. Từ ấy bệnh càng ngày càng nặng, mới triệu viên trấn thủ Nghệ An là Trần Quang Diệu về thương nghị việc dời đô ra Nghệ An”.

Sách Ngụy Tây liệt truyện cũng ghi chép tương tự: “Một hôm, về chiều, Quang Trung đang ngồi bỗng xây xẩm, tối tăm, thấy một ông già đầu bạc từ trên trời xuống, mặc áo trắng, cầm gậy sắt, mắng rằng: “Ông cha người sống ở đất của Chúa, đời đời làm dân Chúa Nguyễn, sao phạm đến lăng tẩm…”. Rồi lấy gậy đánh vào trán Quang Trung, mê man ngã xuống, bất tỉnh nhân sự lâu lắm… Từ đó, bệnh chuyển nặng…”

Các sách sử cũng ghi nhận về việc vua Quang Trung cho phá lăng tẩm 8 đời chúa Nguyễn, đem thi thể vứt xuống sông. Mà nguồn gốc 3 anh em nhà Tây Sơn vốn là họ Hồ ở Nghệ An, khi các chúa Nguyễn mở mang bờ cõi về hướng nam, người dân an cư lập nghiệp, cuộc sống sung túc, họ Hồ  từ Nghệ An vào Đàng Trong lập nghiệp đổi thành họ Nguyễn, cuộc sống nhờ đó khá giả.

Nhờ đó đến đời ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ thì gia đình giàu có, được học văn võ rất chu đáo. Nhân lúc chúa Nguyễn Phúc Khoát thì bị quyền thần Trương Phúc Loan thao túng, cuộc sống người dân đói khổ, 3 anh em tận dụng cơ hội này mà làm nên cuộc khởi nghĩa Tây Sơn.

Việc gốc gác ba anh em nhà Tây Sơn nhờ ở đất chúa Nguyễn mà khá giả, nhưng phá lăng tẩm của chúa Nguyễn được xem là đại kỵ, một số sử liệu cho rằng điều đấy dẫn đến cái chết của vua Quang Trung.

Vua Quang Trung phá lăng tẩm 8 đời chúa Nguyễn, ném thi thể xuống sông

Về nguyên nhân dẫn đến vua Quang Trung phá lăng tẩm và ném thi hài các chúa Nguyễn xuống sông. Sách Đại Nam thực lục có ghi chép rằng:

Trước kia Tây Sơn Nguyễn Văn Huệ tham bạo vô lễ, nghe nói chỗ đất phía sau lăng Kim Ngọc (tức lăng Trường Mậu của chúa Ninh – Nguyễn Phúc Thái) rất tốt, định đem hài cốt vợ táng ở đó. Hôm đào huyệt, bỗng có hai con cọp ở bụi rậm nhảy ra, gầm thét vồ cắn, quân giặc sợ chạy. Huệ ghét, không muốn chôn nữa. Sau Huệ đánh trận hay thua, người ta đều nói các lăng liệt thánh khí tốt nghi ngút, nghiệp đế tất dày.

Huệ bực tức, sai đồ đảng đào các lăng, mở lấy hài cốt quăng xuống vực. Lăng Hoàng Khảo ở Cư Hóa (lăng Cơ Thánh của Nguyễn Phúc Luân, thân sinh vua Gia Long) Huệ cũng sai Đô đốc Nguyễn Văn Ngũ đào vứt hài cốt xuống vực ở trước lăng.”

Sau cái chết của vua Quang Trung thì nội bộ Tây Sơn trở nên lục đục nghi kỵ lẫn nhau, dần dần đánh mất hẳn lòng dân.

Nhưng thực ra khi vua Quang Trung còn sống dù được nhiều người nhìn nhận là anh hùng có tài cầm quân nhưng quân Tây Sơn không lấy được lòng dân, khi vua mất rồi thì Tây Sơn suy yếu càng không được dân ủng hộ, đây cũng là nguyên nhân lớn khiến quân Tây Sơn không thắng được quân nhà Nguyễn, Những sử liệu được ghi chép lại cũng như từ những người phương tây tận mắt chứng kiến cũng cho thấy điều này.

Hội An: Thương cảng hàng đầu châu Á, nổi tiếng khắp thế giới bị tàn phá

Từ thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên, Hội An được xây dựng và phát triển trở thành thương cảng tiêu biểu của châu Á và nổi tiếng khắp thế giới. Rất nhiều thương nhân từ Nhật Bản, Trung Quốc, châu Âu đến đây giao thương, biến Hội An thành đô thị, hải cảng quốc tế tiêu biểu ở châu Á.

Hội An là đô thị rất trù phú, được nhiều nơi trên thế giới biết đến, có rất nhiều khu phố dành cho thương gia nước ngoài.

Một người Italia là Christoforo Borri cư trú ở Hội An vào năm 1618 đã mô tả rằng: “Hải cảng đẹp nhất, nơi tất cả người ngoại quốc đều tới và cũng là nơi có hội chợ danh tiếng chính là hải cảng thuộc tỉnh Quảng Nam”.

“Người Hoa và Nhật Bản là những thương nhân chủ yếu của chợ phiên, năm nào cũng mở và kéo dài trong bốn tháng. Người Nhật thường đem lại 4, 5 vạn nén bạc, người Trung Hoa thì đi một thứ thuyền buồm đem lại nhiều tơ lụa tốt và sản vật đặc biệt của họ”.

“Do chợ này mà Quốc vương thu được số tiền thuế lớn, toàn quốc nhờ vậy cũng được nhiều lợi ích”.

Hội An

Hội An trong bức họa Giao Chỉ quốc mậu dịch độ hải đồ. (Ảnh từ wikipedia.org)

(Xem bài: Chúa Nguyễn mở rộng lãnh thổ: (Phần 2) cuộc di dân lịch sử của người Việt về phương nam)

Thế nhưng quân chúa Trịnh và quân Tây Sơn sau khi chiếm Quảng Nam đã tàn phá tất cả. Không chỉ sử liệu thời nhà Nguyễn mà nhiều thương gia phương tây cũng chứng kiến ghi nhận cảnh này

Một bức thư năm 1775 của Halbout đã ghi nhận: “…Quân nổi loạn đã cướp bóc, cướp phá chẳng nương tay, đến nổi các tỉnh Cham cứ 20 người thì có 19 người chết vì bị đầy đọa khổ sở. Các giáo khu ở Hàn và Cầu Né đều không còn… Năm ngoái, ở Bầu Nghé từ tháng 4 đến tháng 9 âm lịch số giáo dân bị giết đến sáu trăm người… Ở một nơi khác cũng thời gian ấy, ít nhất có đến 1500 giáo dân bị giết. Suốt hai năm ròng gần như quanh tôi lúc nào cũng có người chết và hấp hối…” (“Trung tâm Nghiên cứu Quốc học”, phần Thư của các giáo sĩ thừa sai”, Nguyễn Minh Hoàng dịch, nhà xuất bản Văn học Hà Nội năm 2013, trang 232 – 233).

Một người Anh Charles Chapman phải thốt lên rằng: “Khi tới Hội An, thành phố lớn này chẳng còn lại là bao những khu phố được quy hoạch quy củ với những ngôi nhà xây bằng gạch, đường lát đá mà chỉ thấy một cảnh hoang tàn làm cho ta cảm thấy xót xa. Trời ơi, những công trình ấy bây giờ chỉ còn đọng lại trong ký ức mà thôi” (Fukukawa Yuichi, trang 29)

Sau này thành phố đã được xây dựng lại nhưng thể được như trước nữa, những khu phố sầm uất đã không còn, nhiều thương gia chứng kiến cảnh tàn phá cướp bóc cũng sợ hãi mà không còn dám quay lại.

Nhà nghiên cứu Tạ chí Đại Trường dẫn lời Linh mục Labartette miêu tả: Ở Cửa Hàn (Đà Nẵng) không còn một con heo, gà, vịt, đường cát trước kia sản xuất rất nhiều nay biến mất, tiền mất giá một quan còn giá trị độ một đồng, tình trạng đói khổ ăn xin xuất hiện phổ biến trong xứ.

Lê Qúy Đôn cũng ghi nhận trong thảm cảnh ở Quảng Nam như sau: “…quá đỗi đói khổ cùng khốn, họ chỉ ngóng trong quân nhà vua đến giải cứu cho họ…”  (trích trong “Phủ biên tạp lục” tập 1 của Lê Qúy Đôn).

Hội An

Những ngôi nhà cổ Hội An. (Ảnh từ wikipedia.org)

Cù lao phố: Trung tâm thương mại sầm uất nhất Nam bộ bị tàn phá

Trước đây trung tâm thương mại ở Nam bộ là Cù Lao Phố rộng 694,6495 ha – nằm trên sông Đồng Nai thuộc xã Hiệp Hòa, Biên Hòa ngày nay. Ban đầu môt số tướng lĩnh nhà Minh do không quy phục nhà Thanh nên đến xin chúa Nguyễn được làm con dân Đại Việt. Chúa Nguyễn cho họ khai phá vùng đất này. Thời đấy thương nghiệp phát triển dẫn đến các nghề thủ công nghư dệt chiếu, tơ lụa, gốm, đúc đồng, nấu đường, làm bột, đồ gỗ gia dụng, chạm khắc gỗ, đóng thuyền, làm pháo v.v.. rất phát triển.

Nơi đây thuận tiện giao thông thủy bộ, buôn bán tấp nập, nên trở nên phồn thịnh và nhanh chóng trở thành trung tâm thương mại và giao dịch quốc tế của cả vùng Nam bộ. Cù Lao Phố còn có các tên khác như Đông Phố, Giản Phố , Cù Châu , Nông Nại Đại Phố.

Sách Đại Nam nhất thống chí mô tả rằng: “Nông Nại đại phố, lúc đầu do Trần Thượng Xuyên khai phá, tức Trần Thắng Tài chiêu tập được người buôn nước Tàu, xây dựng đường phố, lầu quá đôi từng rực rỡ trên bờ sông, liền lạc năm dặm và phân hoạch ra ba nhai lộ: nhai lớn giữa phố lót đá trắng, nhai ngang lót đá ong, nhai nhỏ lót đá xanh, đường rộng bằng phẳng, người buôn tụ tập đông đúc, tàu biển, ghe sông đến đậu chen lấn nhau, còn những nhà buôn to ở đây thì nhiều hơn hết, lập thành một đại đô hội” 

Trịnh Hoài Đức mô tả trong “Gia Định thành thông chí” của mình như sau: “Các thuyền ngoại quốc tới nơi này bỏ neo, mướn nhà ở, rồi kê khai các số hàng trong chuyến ấy cho các hiệu buôn trên đất liền biết. Các hiệu buôn này định giá hàng, tốt lẫn xấu, rồi bao mua tất cả, không để một món hàng nào ứ động. Đến ngày trở buồm về, gọi là “hồi đường”, chủ thuyền cần mua món hàng gì, cũng phải làm sẵn hóa đơn đặt hàng trước nhờ mua dùm. Như thế, khách chủ đều được tiện lợi và sổ sách phân minh. Khách chỉ việc đàn hát vui chơi, đã có nước ngọt đầy đủ, lại khỏi lo ván thuyền bị hà ăn, khi về lại chở đầy thứ hàng khác rất là thuận lợi”.

“Vùng Cù Lao Phố, nòng cốt của Biên Hòa. Đây là vị trí xứng danh ải địa đầu, với đường bộ lên Cao Miên và đường thủy ăn xuống Sài Gòn. Nhóm dân Trung Hoa theo chân Trần Thượng Xuyên gây cơ sở lớn ở cù lao Phố, chọn vị trí thuận lợi, sát mé sông. 5 năm sau khi định cư, chùa Quan đế dựng lên”.

Khi quân Tây Sơn đánh vào Nam bộ, lịch sử ghi nhận rằng Cù Lao Phố bị tàn phá, người Hoa kiều bị tàn sát. Quân Tây Sơn cướp bóc của cải chở về Quy Nhơn, những gì còn lại đều bị đốt sạch.

Các cơ sở thủ công, dân chúng bị tàn sát vô tội vô thây lấp hết các Cù Lao, nước đỏ ngầu vì máu. Những người Hoa may mắn sống sót chạy về Bến Nghé, sau này thành lập lại trung tâm thương mại ở vùng Chợ Lớn.

Trịnh Hoài Đức mô tả sự việc này trong “Gia Định thành thông chí” rằng: “Nơi đây biến thành gò hoang, sau khi trung hưng người ta tuy có trở về nhưng dân số không được một phần trăm lúc trước”. Sau khi chợ búa cùng phố xá bị tàn phá nặng nề, các thương gia người Hoa rủ nhau xuống vùng chợ Lớn, sinh sống và lập những cơ sở thương mãi khác cho đến nay”

“Kể từ đó, Cù lao Phố đánh mất vai trò là trung tâm thương mại của Đàng Trong mà thay vào đó là Chợ Lớn và Mỹ Tho”.

Tàn phá và thảm sát trung tâm thương mại Mỹ Tho, Chợ Lớn

Từ thế kỷ 17 Mỹ Tho trở thành trung tâm thương mại lớn thứ hai ở Nam bộ, sự phát triển nông nghiệp và ngư nghiệp giúp Mỹ Tho trở thành nơi trao đổi hàng hóa sầm uất.

Tuy nhiên khi quân Tây Sơn đến đây cũng tàn phá tất cả. Nhà nghiên cứu Sơn Nam đã mô tả trong “lịch sử khẩn hoang miền Nam” rằng: “Chợ phố lớn Mỹ Tho, nhà ngói cột chàm, đình cao chùa rộng, ghe thuyền ở các ngả sông biển đến đậu đông đúc làm một đại đô hội rất phồn hoa huyên náo. Từ khi Tây Sơn chiếm cứ, đổi làm chiến trường, đốt phá gần hết, từ năm 1788 trở lại đây, người ta lần trở về, tuy nói trù mật nhưng đối với lúc xưa chưa được phân nửa”.

Từ năm 1778 Chợ lớn nổi lên là thương cảng lớn ở Sài Gòn. Từ khi Cù Lao Phá bị phá hủy thì các hoạt động thương mại phải di dời tập trung về nơi đây.

Năm 1782 Nguyễn Nhạc đến “18 thôn vườn trầu” thì bị phục kích thua trận, nhận ra quân phục kích là đạo binh Hòa Nghĩa gồm nhiều người Hoa ủng hộ Nguyễn Phúc Ánh, “Nhạc bèn giận lây, phàm người Tàu không kể mới cũ đều giết cả hơn 10.000 người. Từ Bến Nghé đến sông Sài Gòn, tử thi quăng bỏ xuống sông làm nước không chảy được nữa. Cách 2, 3 tháng người ta không dám ăn cá tôm dưới sông. Còn như sô, lụa, chè, thuốc, hương, giấy, nhất thiết các đồ Tàu mà nhà ai đã dùng cũng đều đem quăng xuống sông, chẳng ai dám lấy. Qua năm sau, thứ trà xấu một cân giá bán lên đến 8 quan, 1 cây kim bán 1 quan tiền, còn các loại vật khác cũng đều cao giá, nhân dân cực kỳ khổ sở”. (Nhà nghiên cứu Sơn Nam căn cứ theo “Gia Định thông chí” viết trong cuốn “lịch sử khẩn hoang miền Nam”).

Linh mục Andre Tôn trong bức thư viết ngày 1/7/1784 mô tả số người chết trong cuộc thảm sát này là 10.000 đến 11.000 người, trong đó phần lớn là người Hoa (Trung tâm Nghiên cứu Quốc học, trang 392).

Chợ Lớn xưa

Chợ Lớn xưa. (Ảnh từ internet)

Chế độ cưỡng bức tuyển quân và lao dịch hà khắc

George Dutton từng là Phó Giáo sư khoa ngôn ngữ và văn hóa Á châu đồng thời là Giám đốc chương trình Liên Khoa Đông Nam Á học của trường đại học California tại Los An geles có viết sách nghiên cứu về thời Tây Sơn, và được trình bày tại “Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần 2”, tổ chức ở TP. HCM vào tháng 7/2004.

Theo những gì trình bày tại cuộc hội thảo này thì quân Tây Sơn nổi tiếng ưa cướp bóc và đốt phá, lại áp dụng chế độ cưỡng bức vào quân đội hay lao dịch hà khắc. Vì thế mà quân Tây Sơn đi đế đâu thì dân chúng đều tìm cách trốn khỏi vùng họ kiểm soát.

Ban đầu nhiều người vào hàng ngũ quân Tây Sơn, nhưng về sau ngày càng ít, chỉ còn là lính quân dịch.

Những nơi quân Tây Sơn chiếm đóng, người dân phải chịu cảnh lao dịch hà khắc, bị bắt buộc phải đi xây dựng các công trình quân sự và dinh thự. Ví như năm 1775 Nguyễn Nhạc bắt dân phục dịch xây dựng thành Chà Bàn (sau này Nguyễn Phúc Ánh đổi tên là thành Bình Định) để làm kinh đô cho mình, tiếm xưng là “thành Hoàng Đế”; Nguyễn Huệ cũng bắt dân phục dịch gây phản ứng xấu trong dân chúng.

Sau khi chiếm được Phú Xuân (kinh thành ở Huế), Nguyễn Huệ bắt dân phải ra sức làm ngày làm đêm nhằm củng cố thành lũy để cố thủ. Vài năm sau Nguyễn Huệ có ý dời đô nên bắt người dân xây một công trình tầm vóc rất lớn trong thời gian ngắn là “Phượng Hoàng Trung Đô” ở Nghệ An, theo các sử liệu nước ngoài thì người dân phản đối và mạnh ai nấy trốn.

Chế độ lao dịch của Tây Sơn còn hà khắc hơn cả chúa Trịnh khi mà quân lính bắt cả nhà sư, phụ nữ, trẻ em đi phu, chỉ có các bà mẹ cho con bú mới được miễn.

Ngày nay vua Quang Trung được xem là người có tài cầm quân, là anh hùng của dân tộc, đặc biệt chiến thắng trước quân Thanh vào năm 1789 vẫn được xem là tự hào của dân tộc, dù thế lịch sử cũng cần được ghi nhận một cách trung thực, ngay trong trận chiến đánh quân Thanh vua Quang Trung cũng đưa ra chế độ tuyển quân và lao dịch vô cùng hà khắc.

Một thông tin khác từ các giáo sĩ phương tây thuật lại, khi vua Quang Trung tiến ra bắc đánh quân Thanh, tìm cách tuyển thêm quân. Các tướng Tây Sơn đều mang chức đô đốc, cưỡi ngựa đứng trên gò cao nhìn vào làng đếm nóc nhà, rồi tính ra số người mà mỗi làng phải nộp, nộp làng nào không nộp đủ thì bị tàn sát cả làng, dân chúng hãi hùng nên làng nào không đủ con trai phải bắt con gái giả trai để nộp cho đủ nhằm cứu cả làng. Sau khi đánh thắng quân Thanh số lính mới tuyển này bị bỏ mặc, họ phải xin ăn để tìm đường trở lại quê quán.

Chân dung người lính Tây Sơn năm 1793-Tranh của William Alexander ở Hội An. (Ảnh từ wikipedia.org)

Chân dung người lính Tây Sơn năm 1793-Tranh của William Alexander ở Hội An. (Ảnh từ wikipedia.org)

Khi khi đánh thắng trận Đống Đa, lo lắng quân Thanh phản công, Nguyễn Huệ lệnh cho dân chúng phải đắp một chiến lũy xung quanh để cố thủ, trong 3 ngày phải làm xong.

Các giáo sĩ phương tây chứng kiến cũng lo lắng cho dân chúng, vì 3 ngày thì không thể thực hiện được. Thế nhưng họ cũng không thể tưởng tượng được rằng dân chúng Thăng Long đã làm được điều đó, vì họ làm đến kiệt sức bởi lo sợ rằng nếu không hoàn thành sẽ bị tàn sát.

Lòng dân ngả về ai
chiến thuyền quân Nguyễn

Mô phỏng chiến thuyền quân Nguyễn. (Ảnh từ nghiencuulichsu.com)

Quân Tây Sơn không lấy được lòng dân vì thế lòng dân cứ nghiêng dần về quân Nguyễn.

Năm 1792 Nguyễn Vương Nguyễn Phúc Ánh thân chinh đi đánh thành Quy Nhơn nhưng không thành.

Từ đó hàng năm cứ đến mùa gió nồm (gió thổi từ hướng nam), Nguyễn Phúc Ánh lại cho quân theo đường biển tiến ra đánh miền trung; khi có gió bấc (gió thổi từ phía bắc) thì lại rút quân về Gia Định.

Chính về thế người dân vùng Quảng Nam, Thuận hóa (tức Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế ngày nay) cứ trông ngóng quân Nguyễn Vương từ Gia Định ra miền Trung Đánh Tây Sơn. Nên thời bấy giờ có câu ca dao truyền tụng đến bây giờ

Lạy trời cho cả gió nồm

Để cho chúa Nguyễn kéo buồm thẳng ra.

Câu ca dao này cũng cho thấy rõ lòng dân ngả về ai

Ánh Sáng


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc