Vùng Bắc Ninh hay còn gọi là đất Kinh Bắc là nơi giang sơn tụ khí, đây là vùng đất khoa bảng cũng như nhân tài của nước Việt. Chẳng thế mà vùng đất này vẫn được ví là “một giỏ ông Ðồ, một bồ ông Cống, một đống Tiến sĩ, một bị Trạng nguyên, một thuyền Bảng nhãn”.
Kinh Bắc chính là vùng đất đứng đầu cả nước về số người đỗ đại khoa, chiếm gần ¼ tổng số tiến sĩ cả nước. Đóng góp nhân tài vùng đất này chính là từ những dòng họ nhiều đời phát khoa bảng.
Trong đó có dòng họ Ngô ở Vọng Nguyệt (Tam Giang, Yên Phong), là một trong tứ lệnh tộc xứ Kinh Bắc, được vua ban chữ vàng “Quang huy tụ”, nghĩa là ánh sáng huy hoàng được phát ra từ nhà thờ họ Ngô và tỏa đi muôn phương.
Họ Ngô được mệnh danh là “ngũ đại liên chúng” tức có 5 đời liên tiếp đỗ đại khoa. Thế Nhưng nếu tính cả chi thứ thì dòng họ này có đến 10 đời đỗ đại khoa, với 5 đời phát tiến sĩ ở chi trưởng và 5 đời phát tiến sĩ ở chi thứ, đều được ghi chép trong “Hợp phả Ngô lệnh tộc” của dòng họ này.
Theo gia phả dòng họ Ngô, thì khi vụ án Lệ Chi Viên xảy ra vào năm 1442 khiến Nguyễn Trãi bị tru di tram tộc, Bà Ngô Thị Ngọc Dao là vợ vua Lê Thái Tông mất đi sự che chở và giúp đỡ của Nguyễn Trãi, bị phát khứ đi xa. Cụ Ngô Nguyên vốn có bà con với Ngô Thị Ngọc Dao phải lánh nạn về làng Vọng Nguyệt, được quan cả tên Chu Đình Cần che dấu, giúp đỡ, sau lại gả con gái là Chu Thị Bột cho làm vợ, sinh được 2 người con trai là Ngô Ngọc và Ngô Định.
Câu chuyện phong thủy
Lời truyền trong dân gian cũng như từ gia phả đều nhắc đến câu chuyện phong thủy của dòng họ này. Chuyện kể rằng có một người Tàu từ phương xa đến ở tạm trong làng, rồi đi khắp làng rao lên rằng: “Sừng trâu, bầu giác, vườn quýt, ao Lác. Ai có tiền, có bạc thì lão bán cho”.
Thấy người này rao những lời khó hiểu nên trong làng chẳng co ai để ý, duy chỉ có cụ tổ họ Ngô là mời ông này vào nhà ăn cơm, rồi hỏi và ý nghĩa của lời rao này, người khách cười và đáp rằng: “Tôi thấy ông có phúc phận, được hưởng lộc trời nên cứ quanh quẩn nơi đây. Nay ông đã có lòng hỏi đến thì tôi cũng không giấu. Ở đây có một khu đất tốt, nếu dùng nó làm nhà thờ họ thì sau này con cháu nhất định khởi đạt, vinh hiển nhiều đời. Mảnh đất này nếu không gặp được người hữu phước thì cũng chỉ như mảnh đất thường mà thôi”.
Nói rồi ông khách nọ giải thích cho cụ tổ họ Ngô biết nội dung lời rao của mình rồi bày cách đặt nhà thờ họ tại “vườn quýt, ao Lác”, tức nằm tại vườn quýt hoang cạnh ao Lác hay còn gọi là ao Gáo vì có một cây gáo to mọc ở góc ao, người dân chặt đi lấy gỗ là ngay sau đó gốc cây này lại mọc tiếp một cây gáo khác, mỗi đời đều có một cây gáo to như vậy, người dân lưu truyền rằng “mèo già hóa cáo, gáo già hóa lim” cho rằng đây là điềm lạ. Dưới ao Lác có giếng tròn và sâu, bùn của ao rơi xuống đây không bao giờ lấy đầy ao được.
Sau khi nhà thờ họ được xây xong, phía đông bắc có một ngõ cụt chấm vào nhà tạo thành hình dạng như cái bút nghiên.
Bên trái có một rãnh nước chảy dài đổ xuống ao tạo thành thế “ tả thanh long”; bên phải có một ngõ dài chạy xuống sông tạo thành thế “hữu bạch hổ”.
Phía bên phải còn có mấy ngõ nữa, nữa từ dưới trông lên thì như bàn tay có 5 ngón, địa thế nơi đây có đầy đủ “long chầu, hổ phục”, lại có giếng trời giữa ao như gương từ mẫu cho đời sau soi vào.
10 đời đỗ đại khoa
Sau khi nhà thờ họ xây xong, thì dòng tộc họ Ngô bắt đầu phát đường khoa bảng. Chi trưởng có “ngũ đại liên chúng” tức 5 đời liên tiếp đỗ đại khoa được ghi rõ trên bia nhà thờ họ như sau:
Người đỗ khai khoa là cụ Ngô Ngọc (con trai cụ tổ Ngô Nguyên). Khoa thi Đinh Mùi niên hiệu Hồng Đức 18 (1487) đời vua Lê Thánh Tông, cụ Ngô Ngọc đỗ Đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp), làm quan tới chức Lễ khoa đô cấp sự trung.
Con của Ngô Ngọc là Ngô Nhân Hải đỗ Đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) khoa thi Mậu Thìn (1508) đời vua Lê Uy Mục, làm quan tới chức Án sát ngự sử.
Cháu nội của Ngô Nhân Hải là Ngô Nhân Trừng thi đỗ Đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) khoa thi Canh Thìn (1580) đời vua Mạc Mậu Hợp, làm quan tới chức Tự khanh.
Con của Ngô Nhân Trừng là Ngô Nhân Triệt đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa thi Đinh Mùi (1607) đời vua Lê Kính Tông, làm quan tới chức Tự khanh.
Con của Ngô Nhân Trừng là Ngô Nhân Tuấn đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa thi Canh Thìn (1640) đời vua Lê Thần Tông, làm quan tới chức thượng thư bộ Hộ.
Khi nói về họ Ngô, Phan Huy Chú phải thốt lên rằng: “Họ Ngô lệnh tộc làng Vọng Nguyệt kể từ cụ Ngô Ngọc đỗ chính bảng thời Hồng Đức, cả thảy có 5 đời đỗ Tiến sỹ thực là hiếm có xưa nay!”.
Chi thứ từ cụ Ngô Định di cư vào Diễn Châu, Nghệ An cũng có 5 đời đỗ tiến sỹ. Như vậy tính cả hai chi thì họ Ngô có đến 10 đời đỗ đại khoa.
Hiện nay Nhà thờ họ Ngô ở Diễn Châu, Nghệ An đã được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, Nhà thờ họ Ngô ở Vọng Nguyệt được di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, đến năm 2015 thì được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.
(Còn nữa)
Trần Hưng
Theo trithucvn.net
Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!