Home » Cổ truyền, Văn hóa » Dị nhân khuyên bảo thầy thuốc: Trung y không phải tiểu đạo

Sự xuất hiện của Trung y, biểu hiện bên ngoài như là chữa bệnh khỏe người, nhưng trên thực chất cũng có nội hàm sâu xa giống như tín ngưỡng tôn giáo, chỉ là hình thức khác nhau mà thôi…

y-dao
Y đạo là văn hóa do thần tiên, thánh nhân truyền xuống cho nhân thế, vậy nên người thầy thuốc nhất định cần phải có y đạo. (Ảnh: Pinterest)

Trương Cảnh Nhạc (1563 – 1640) là một danh y trứ danh thời nhà Minh. Từ nhỏ ông đã rất thông minh, từng đọc qua hết các loại kinh thư cũng như Bách Gia Chư Tử. Cha ông là Trương Thọ Phong, là môn khách của Định Tây hầu, rất thông hiểu y lí.

Năm 14 tuổi, ông thường theo cha đi giao thiệp với các bậc kỳ tài dị sĩ, đồng thời cũng bái danh y Kim Anh làm thầy. Ông không chỉ học về y thuật, giờ rảnh rỗi lại nghiên cứu thư sử, thông hiểu sâu các môn thiên văn, số học, địa lý, binh pháp.

Có một lần, Trương Cảnh Nhạc gặp được một dị nhân và đã lĩnh hội được sự cao thâm trong y đạo. Dưới đây là đoạn đối thoại giữa hai người.

Dị nhân hỏi: “Ngươi cũng học tập y đạo sao? Y đạo rất khó, ngươi nhất định phải thận trọng!”.

Trương Cảnh Nhạc đáp: “Y đạo tuy là tiểu đạo, nhưng lại liên quan đến tính mệnh con người, ta sao dám không thận trọng! Ta sẽ ghi nhớ trong lòng”.

Dị nhân nổi giận mắng: “Ngươi là người không hiểu y đạo! Ngươi đã nói y đạo liên quan đến tính mệnh, sao còn dám nói y đạo là tiểu đạo? Tính mệnh con người, gốc rễ tại Thái cực, phân tán ra vạn vật. Có tính mệnh con người mới xuất sinh ra tam giáo (Phật giáo, Đạo giáo, Nho giáo); có tính mệnh con người, Ngũ hành mới được tạo thành.

Cho nên nói, tạo hóa khai thiên tịch địa đều là sự chuẩn bị để tôi luyện tính mệnh con người; học thuyết đạo đức là thước đo cho tính mệnh con người; y học là thủ pháp phụ trợ cho tính mệnh con người”.

“Y đạo với tư cách là đạo của tính mệnh, hàm nghĩa sâu xa, ý nghĩa rộng lớn. Trí tuệ của thường nhân là không thể liễu giải được, cũng không đủ để lĩnh ngộ sự vi diệu của đạo tính mệnh. Người học y đạo nếu không không kiên định chính đạo, suy xét một cách minh xác, thì chỉ cần bước sai một bước là sẽ lạc lối ngàn dặm.

Người có thể minh bạch đạo lý cơ bản của Y lý (lý thuyết y học), người đó sẽ hiểu đạo lý trị quốc bình thiên hạ; người có thể minh bạch đạo lý được mất của Y lý, người đó sẽ hiểu được nguyên nhân quốc gia hưng thịnh và diệt vong; người có thể minh bạch đạo lý hoãn gấp (thong thả và cấp bách) của Y lý, người đó sẽ hiểu được phép tắc công chiến phòng thủ; người có thể minh bạch đạo lý lấy bỏ của Y lý, người đó sẽ biết lựa chọn nên ra làm quan hay ẩn cư.

Người học y nếu như thấm nhuần Y lý thì giống như đã chuẩn bị kỹ lưỡng, như vậy khi bệnh tình biến hóa có thể bấm tay mà biết được; người học y nếu như nắm chắc sự vận chuyển âm dương rõ như trong lòng bàn tay, như vậy bệnh tình có thể dùng thiên mục nhìn thấy một cách rõ ràng”.

“Nho gia tu dưỡng thể xác và tinh thần để đạt tới cảnh giới thành tâm thành ý, đây là cách nho sinh rèn luyện thân thể; Phật giáo tuân thủ nghiêm ngặt giới luật để rửa sạch nghiệp lực, đây là cách hòa thượng trừ bệnh của mình. Thanh lọc thân thể và nâng cao tâm tính, trị liệu cho người khác và tu luyện chính mình, đạo lý này đều là giống nhau vậy!

Người học Trung y minh bạch được đạo lý trị bệnh, thì cũng hiểu đạo lý tu tâm; tâm tính của người học được nâng cao lên, vậy thì y thuật của họ nhất định cũng sẽ được nâng cao. Cho nên nói, người học y nhất định phải phản bổn quy chân, trở thành chân nhân, sau đó mới có thể có được hiểu biết tận tường minh xác, mới trở thành chân y”.

“Y đạo sao có thể dễ dàng như người bình thường vẫn thường nói? Dựa vào kinh nghiệm của thường nhân thì không thể nào khám phá ra được những nội hàm sâu xa ở bên trong. ‘Chân y đại đạo’ so với ‘tục y tiểu đạo’, thì giống như là Thái Sơn và gò đất, sông biển và rãnh nước, sao có thể nói là giống nhau được?

Lại nói, những ‘ngụy trung y’ không nhìn được âm dương, không phân biệt được hư thật, to gan lớn mật, bướng bỉnh ngoan cố, dùng thuốc sai lầm, đối với chữa bệnh chẳng những vô ích mà còn gây ra tổn hại, bọn họ đến tiểu đạo thế gian còn chưa hiểu được, vậy sao có thể đàm luận y đạo với họ!”.

“Y đạo vốn cao thâm, rộng lớn, là văn hóa do thần tiên, thánh nhân truyền xuống cho nhân thế. Ngươi học Trung y tuyệt đối không được chỉ tập trung vào dùng thảo dược bốc thuốc mà xem thường y đạo, nhất định phải lập chí tiến vào cảnh giới tinh thần, minh bạch hết thảy kết cục và khởi nguồn, lĩnh hội hết thảy nguyên nhân và kết quả! Như vậy học tập y đạo mới được cho là có thu hoạch. Ngươi nhất định phải nỗ lực!”.

Trương Cảnh Nhạc nghe xong, hổ thẹn toàn thân phát run, hứa với dị nhân nhất định sẽ cố gắng. Mấy tháng sau, Trương Cảnh Nhạc đều đăm chiêu suy nghĩ về lời dạy của dị nhân, vì sợ quên mất nên đã cẩn thận ghi lại từng từ.

Trong ấn tượng của một người bình thường, Trung y chính là chữa bệnh khỏe người. Vậy tại sao dị nhân lại nói Trung y không phải tiểu đạo? Theo dị nhân, con người là trân quý nhất, là đến từ cảnh giới cao thâm. Bởi vì có con người, mới có Bàn Cổ khai thiên tịch địa, mới có thánh nhân tam giáo truyền tín ngưỡng tôn giáo, mới có Trung y.

Trung y biểu hiện bên ngoài là chữa bệnh khỏe người, nhưng trên thực chất nó giống với tín ngưỡng tinh thần, bởi nó vì con người mà xuất hiện, như vậy nó cũng có nội hàm sâu xa giống như tín ngưỡng tam giáo, chỉ là hình thức khác nhau mà thôi. Cổ đại rất nhiều hòa thượng, đạo sĩ đều có thần thông, các đại y học gia đều có công năng đặc dị, đã để lại rất nhiều thần tích cho con người.

Lê Hiếu biên dịch

Theo tinhhoa.net

Chuyên đề: , ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc