Home » Cổ truyền, Văn hóa » Hai người bạn thời thơ ấu cùng đối mặt trên chiến trường: P2- Đối mặt trên chiến trường

Nhận lệnh Triều đình đánh cuộc khởi nghĩa của Quận He, Phạm Đình Trọng tỏ ra tự tin cho cuộc đối đầu với người thời thơ ấu.

>> Hai người bạn thời thơ ấu cùng đối mặt trên chiến trường: P1- Lời tiên đoán của người thầy đã ứng nghiệm

Mong bạn mình về với Triều đình

Khi hai bên dàn quân Phạm Đình Trọng ra vế đối rồi cho người đưa đến cho bạn mình là Nguyễn Hữu Cầu, câu đối như sau: “Thổ triệt bán hoành, thuận giả thượng, nghịch giả hạ”

Nghĩa là: chữ “thổ” (土) nếu bỏ đi một nửa nét ngang, để xuôi là chữ “thượng” (上), để ngược là chữ “hạ” (下). Câu này có ý đe doạ Cầu nếu thuận theo triều đình thì có chức, chống lại thì bị diệt.

Với câu đối này rõ ràng Trọng không hề muốn đánh bạn mình, nên chỉ còn cách mong bạn mình về với Triều đình thì sẽ được phong quan.

Cầu liền đối lại rằng: “Ngọc tàng nhất điểm, xuất vi chúa, nhập vi vương”. Nghĩa là chữ ngọc (玉) có một dấu chấm, để lên đầu là chữ “chúa” (主), bỏ đi là chữ “vương” (王). Ý nói chí lớn của mình chẳng làm chúa cũng làm vua chứ không chịu hàng.

Là người hiểu rõ Nguyễn Hữu Cầu, nên dù nhiều người lo ngại khi đối phó với Quận He nhưng Phạm Đình Trọng lại rất bình tĩnh dàn trận, một trận đánh ác liệt diễn ra tại Xương Giang (nay thuộc Bắc Giang), quân của Nguyễn Hữu Cầu bị thất bại nặng nề, chưa bao giờ quân của Cầu lại bị thiệt hại lớn đến thế, khiến Cầu phải cho lui quân về vùng đồng bằng duyên hải Đông Bắc.

Trên đường rút lui, Phạm Đình Trọng chia quân truy kích, một tướng thân cận là cánh tay phải của Cầu tên là Thông (không rõ họ) cùng hơn 10 thuộc hạ bị Phạm Đình Trọng bắt được và xử chém.

Trận đánh này khiến Cầu bị tổn thất quá lớn, sách “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” mô tả rằng: “Thông là người nhanh nhẹn, có cơ mưu, được Hữu Cầu coi như là người ruột thịt”.

Nguyễn Hữu Cầu cho quân của mình rút đến Hạc Động (giáp ranh giữa Hải Phòng và Quảng Ninh ngày nay) để lập căn cứ mới, nơi đây có địa hình khá hiểm trở nhờ được bao bọc che chở bởi các con sông.

Nhờ địa thế này mà Nguyễn Hữu Cầu tránh được các đợt tấn công của Phạm Đình Trọng và Hoàng Ngũ Phúc, đồng thời có những đợt tấn công bất ngờ gây thiệt hại cho quân của Trọng.

Bản đồ cuộc khởi nghĩa Nguyễn Hữu Cầu. (Ảnh từ thuvienlichsu.com)

Bản đồ cuộc khởi nghĩa Nguyễn Hữu Cầu. (Ảnh từ thuvienlichsu.com)

Vì bị Phạm Đình Trọng gây cho mình nhiều thiệt hại, Nguyễn Hữu Cầu đã tối tăm mặt mũi mà quyết định cho đào mả mẹ của Trọng lên, lấy hài cốt vứt xuống sông, Trọng khóc lóc thề quyết chí đánh bại Cầu.

Cũng chính từ thời điểm này, Trọng đưa quân đánh Cầu không còn chỉ là vì tuân lệnh Triều đình nữa, cũng không mong gì Cầu quy thuận Triều đình như trước nữa, mà là cuộc chiến để trả thù nhà.

Cuộc chiến không khoan nhượng

Nguyễn Hữu Cầu cho quân tiến đánh vùng Sơn Nam, chúa Trịnh Doanh phải điều Phạm Đình Trọng đến giải nguy cho Sơn Nam.

Thấy chúa Trịnh đã điều quân trong thành đi, Nguyễn Hữu Cầu cho quân tấn công thành Thăng Long bất ngờ giữa đêm khuya, nhưng cuộc chuyển quân có phần chậm hơn dự tính, đến sáng thì mới tập kết quân được ở bến Bồ Đề, vì thế mà chúa Trịnh Doanh phát hiện và điều Phạm Đình Trộng đến giải cứu, đồng thời chúa Trịnh cũng phải thân chinh ra làm tướng đánh chặn quân của Cầu, nhờ có Phạm Đình Trọng kéo quân đến kịp nên thành Thăng Long được giải nguy.

Nguyễn Hữu Cầu cho quân hoạt động ở huyện Thần Khê và Thanh Quan (nay thuộc tỉnh Thái Bình), đồng thời liên kết với quân Hoàng Công Chất. Quân của Nguyễn Hữu Cầu đi tới đâu quân Trịnh cũng đều sợ hãi. Sách “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” có ghi chép rằng: “Nguyễn Hữu Cầu là người mạnh khỏe, nhanh nhẹn và rất hăng hái, cơ mưu trăm nẻo khó ai lường. Nhiều phen bị vây đến mấy vòng, chỉ một mình một ngựa vượt được ra ngoài, thế mà chỉ vài hôm sau đã có quân đông đến hàng vạn. Khi ra trận,  cưỡi ngựa, cầm siêu đao, tiến như bay, quân sĩ ai ai cũng phải sợ mà chạy dạt, đến cả các tướng cũng phải tránh uy phong của hắn. Khi ấy chỉ có Đình Trọng là thề quyết chí giết Nguyễn Hữu Cầu cho bằng được. Triều đình do vậy đã đặt hết niềm tin ở Đình Trọng” 

Phạm Đình Trọng lúc này được Triều đình phong làm hiệp thống lãnh, được trao binh quyền có thể điều động binh mã ở bất kỳ nơi đâu, nhờ đó mà Trọng huy động được một lực lượng lớn mạnh nhằm tấn công Nguyễn Hữu Cầu, quân của Cầu bị thua liên tiếp mấy trận liền phải rút quân về Nam Xang và Bình Lục (nay thuộc huyện Lý Nhân và Bình Lục tỉnh Hà Nam), lập căn cứ mới ở đây.

Tháng 2 năm 1751 Hoàng Ngũ Phúc cùng Phạm Đình Trọng đưa quân dọc theo dòng Hoàng Giang (tên của khúc sông Hồng chảy qua huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định) tiến đánh vào căn cứ mới của Nguyễn Hữu Cầu. Quân của Cầu thua to, tàn quân chạy đến Nghệ An.

Bấy giờ vùng Nghệ An đang là địa bàn hoạt động của nghĩa quân Nguyễn Diên, cũng là người quen nguyễn Hữu Cầu. Vì thế mà Nguyễn Diên giúp Nguyễn Hữu Cầu có lương thực và cho đóng ở vùng Hương Lãm chờ thời.

Không để cho Nguyễn Hữu Cầu có thời gian xây dựng lực lượng, Phạm Đình Trọng cho quân đánh gấp vào Hương Lãm. Quân sĩ theo Cầu đã nhiều năm chinh chiến liên miên lại phải đi xa đến tận Nghệ An, nên đã rất mệt mỏi, cố gắng trụ lại nhưng không nổi, thế đã cùng Nguyễn Hữu Cầu cùng tàn quân bí mật ra vùng ven biển dùng thuyền đi về phía bắc.

Thế nhưng gặp phải bão tố, thuyền bị vỡ và đắm gần hết. Quân của Nguyễn Hữu Cầu đành vào lạI đất liền, tìm đến dãy Hoàng Mai (ở xã Hoàng Mai, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An), nhưng chưa kịp hạ trại thì bị quân của Phạm Đình Trọng tìm đến đánh úp. Nguyễn Hữu Cầu bị bắt, bị đóng cũi giải về thành Thăng Long.

Cầu quyết định phá ngục chạy trồn, nhưng việc bất thành, bị nắt trở lại.

Tháng 3 năm 1751 chúa Trịnh uyết định ngày hành hành Nguyễn Hữu Cầu.

Ngay trước hôm hành hình, Trọng lại gần hỏi xem Cầu có cần gì không, nhưng Cầu thản nhiên ngồi hát xướng rất ngang tàng.

Trọng nói: “Anh bây giờ như con chim trong lồng, còn gì mà hát? Nghe nói anh có tài thơ, trong trường hợp nào cũng làm được, vậy anh thử làm bài thơ “Chim trong lồng” xem sao?”

Cầu liền ngâm bài thơ:

Nhất lung thiên địa tàng thân tiểu

Vạn lý phong vân cử mục tần

Hỏi sao sao luỵ cơ trần

Bận tài bay nhảy, xót thân tang bồng

Nào khi vỗ cánh rỉa lông

Hót câu thiên túng trong vòng lao lung

Chim oanh nọ vẫy vùng giậu bắc

Đàn loan kia túc tắc cành nam

Mặc bay đông ngữ tây đàm

Chờ khi phong tiện dứt dàm vân lung

Bay thẳng cánh muôn trùng tiêu Hán

Phá vòng vây làm bạn kim ô

Giang sơn khách diệc tri hồ?

Trọng nghe Cầu đọc thì đứng lặng hồi lâu, đoạn bỏ đi mà không nói gì. Bài thơ Chim trong lồng”  của Nguyễn Hữu Cầu rất nổi tiếng đến tận ngày hôm nay

Hận Cầu đào mả mẹ mình vứt mất xuống sông, Trọng về quê Cầu quật mộ bố của ông và giết cả 3 họ, vợ của Cầu phải tự tử.

Dẹp yên được Nguyễn Hữu Cầu, Trọng được phong làm Binh bộ Thượng thư, tức chức quan cao nhất chỉ huy quân đội.

Đền thờ Phạm Đình Trọng tại làng Khinh Dao, xã An Thông, An Dương, Hải phòng.

Đền thờ Phạm Đình Trọng tại làng Khinh Dao, xã An Thông, An Dương, Hải phòng.

Thế nhưng chỉ 3 năm sau vào năm 1754 thì Trọng mất, lúc ấy Trọng chỉ tròn 40 tuổi.

Hai người bạn với nhau từ thuở nhỏ nhưng lại luôn đối chọi nhau từ cả chữ nghĩa đến gươm đao. Trước đây những người tin vào tâm linh thường ví hai người dường như có nợ nhau từ kiếp trước.

Cầu mất thì Trọng cũng mất theo, giống như Trọng sống chỉ là để thanh toán món nợ với Cầu vậy, không còn người đối dịch thì Trọng cũng chết theo như truyện dân gian “Trạng chết thì chúa cũ băng hà”.

Ngày nay có nhiều đền thờ Nguyễn Hữu Cầu cùng em gái và một số bộ tướng của ông. Đặc biệt tại quê của Phạm Đình Trọng ở thôn Kinh Giao (An Hưng, An Nại, Hải Phòng) người dân đã lập đền thờ cho cả đôi bạn này, bên cạnh có đền thờ Phạm Đình Trọng, có cả đền thờ Nguyễn Hữu Cầu.

Trần Hưng

Theo trithucvn.net

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc