Home » Kinh doanh, Tiêu Điểm » Con đường nào giúp hai bên cùng thắng trong chiến tranh thương mại Mỹ – Trung

Trong khi chiến tranh thương mại Mỹ Trung khiến các lãnh đạo Trung Quốc đấu đá nhau, truy cứu trách nhiệm cho Tập Cận Bình làm suy yếu nền kinh tế, thì các nhà kinh tế Trung Quốc lại chỉ ra cách giúp cả Mỹ và Trung Quốc dều có lợi.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đến dạ tiệc tại Đại Lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, 9/11/2017.(Thomas Peter-Pool/Getty Images)

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đến dạ tiệc tại Đại Lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, 9/11/2017.(Thomas Peter-Pool/Getty Images)

Có chuyên gia đầu tư của Trung Quốc chỉ ra cách để hai bên cùng thắng trong chiến tranh thương mại Mỹ Trung, đó là để cho cuộc chiến thương mại thúc đẩy cải cách mô hình kinh tế của Trung Quốc sâu hơn. Truyền thông Mỹ cũng có nhận định, điều khoản của Mỹ đòi hỏi Trung Quốc phải có thay đổi cơ bản về mô hình hoạt động.

Quan điểm các nhà kinh tế của Trung Quốc tương đồng với Mỹ

Ông Đơn Vĩ Kiến (Dan Weijian), giám đốc điều hành của công ty đầu tư Newbridge (Newbridge Capital) đã viết trên tờ Wall Street Journal (WSJ) rằng, đối với cuộc chiến thương mại do Trump khởi xướng, giới tinh hoa Trung Quốc có nhiều chia rẽ về cách đối phó. Phe cải cách thị trường thì cho rằng cải cách sẽ giúp thay đổi triệt để mối quan hệ giữa Trung Quốc và các đối tác thương mại. Còn phái bảo thủ chống lại tự do hóa kinh tế là vì mục đích duy trì ý thức hệ cộng sản để bảo vệ quyền lợi của họ.

Ông Đơn Vĩ Kiến cho biết, trong bốn thập kỷ qua, tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của Trung Quốc không phải là kết quả của mệnh lệnh trung ương hoặc kế hoạch chính phủ mà đó là kết quả của cải cách thị trường. Bốn mươi năm trước, hầu như tất cả các sản phẩm công nghiệp và nông nghiệp đến từ các doanh nghiệp nhà nước hoặc tập thể. Nhưng ngày nay, các công ty chính phủ chỉ chiếm 30% nền kinh tế Trung Quốc. Tuy nhiên, sức mạnh của chính phủ và các doanh nghiệp nhà nước vẫn còn quá lớn, tạo thành rào cản chủ nghĩa bảo hộ không minh bạch khiến các đối tác thương mại kinh tởm.

“Doanh nghiệp nhà nước chiếm ưu thế ở các khu vực chiến lược quan trọng”, trên trang web của mình, chính phủ Cộng sản Trung Quốc thừa nhận, “các công ty này nhờ vào địa vị mà được hưởng lợi từ các chính sách ưu đãi, trong khi khu vực tư nhân phải vật lộn khó khăn để chạy theo”.

Trong bài viết, ông Đơn Vĩ Kiến chỉ ra để hội nhập tốt hơn cùng các đối tác thương mại và duy trì tăng trưởng kinh tế, Trung Quốc cần phải tăng cường hơn nữa cải cách mô hình để hướng tới thị trường tự do mạnh hơn. Năm năm trước, Tập Cận Bình thông báo rằng nguyên tắc cốt lõi cải cách kinh tế của Trung Quốc là để cho thị trường đóng một vai trò quyết định trong việc phân bổ nguồn lực. Để thực hiện cam kết này, Bắc Kinh phải từ bỏ chủ nghĩa tư bản nhà nước hiện tại, để cho Trung Quốc trở thành nền kinh tế tự do triệt để hơn.

Về mặt này, chương trình nghị sự của phe cải cách Trung Quốc không khác nhiều so với Mỹ. Washington nên theo đuổi một cuộc đối thoại chiến lược với Bắc Kinh để Bắc Kinh dần đẩy mạnh cải cách cơ cấu theo hướng thân thiện với thị trường hơn. Điều này liên quan đến đẩy mạnh mở cửa cho hàng hóa, dịch vụ và đầu tư từ nước ngoài vào Trung Quốc, thực hiện tốt hơn về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước để thị trường đóng một vai trò quyết định trong việc phân bổ nguồn lực chứ không phải là chính phủ. Nguyên tắc thuế quan bằng không được Trump và Liên minh châu Âu (EU) thảo luận phải là khuôn khổ cho các nguyên tắc thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.

Nếu Trump và Tập Cận Bình có thể đạt được thỏa thuận như vậy, Mỹ và Trung Quốc sẽ đạt được kết quả hai bên cùng thắng trong cuộc chiến thương mại.

Mỹ yêu cầu Trung Quốc thay đổi triệt để phương thức hoạt động

Hồi tháng Năm, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Muqin dẫn đầu một phái đoàn cấp cao đến Bắc Kinh và đưa ra 8 yêu cầu đối với Trung Quốc, trong đó có cắt giảm thặng dư thương mại là 200 tỷ USD (đô la Mỹ) trong hai năm; chấm dứt tất cả các khoản trợ cấp cho doanh nghiệp sản xuất tiên tiến trong kế hoạch “Made in China 2025”.

Tờ Business Insider của Mỹ chỉ ra, các điều khoản của Mỹ đã đòi hỏi một sự thay đổi lớn đối với nền kinh tế Trung Quốc, đã đòi hỏi một sự thay đổi cơ bản trong cách thức hoạt động của nhà cầm quyền Trung Quốc.

Về vấn đề này, chuyên gia Tạ Tác Thi (Xie Zuoshi), Viện trưởng Viện Kinh tế và Thương mại Quốc tế tại Đại học Tài chính và Kinh tế Chiết Giang trả lời phóng viên Epoch Times rằng, yêu cầu của Mỹ thực sự là tốt cho Trung Quốc. Trong cuộc đàm phán thương mại Mỹ – Trung này, Trung Quốc càng có nhiều nhượng bộ thì càng có nhiều tiến bộ.

“Mỹ đã yêu cầu Trung Quốc mở cửa thị trường, giảm tỷ trọng của kinh tế nhà nước. Trung Quốc ngày nay đã cải cách thị trường theo hướng mở cửa, vậy thì hãy nhượng bộ để trở nên cởi mở hơn, mức thuế thấp hơn, đây không phải là sự tiến bộ thì là gì? Thuế quan tốt nhất là thuế quan bằng không. Vì thế có thể nói trong đàm phán thương mại này, Trung Quốc càng nhượng bộ thì càng tiến bộ hơn. Mức thuế càng thấp thì càng tốt cho quốc gia và quốc dân.”, ông cho biết.

Vị chuyên gia này thẳng thắn thừa nhận, việc Trung Quốc trì hoãn không nhượng bộ là do quyền lợi của Đảng cầm quyền.

“Bảo hộ mậu dịch là tốt cho một số ít người của nhóm lợi ích. Nếu Trung Quốc nhượng bộ trong đàm phán thương mại, đồng nghĩa nhóm lợi ích từ bỏ lợi ích phe nhóm để đổi lấy cải thiện phúc lợi cho toàn xã hội nói chung, đây không phải là cách tiến bộ thì là gì? Ví dụ ngành dầu khí của Trung Quốc trong quá khứ vốn do một số công ty độc quyền, tình trạng độc quyền này không phải nhờ vào hiệu quả hoạt động cao, không phải dựa vào cần cù lao động mà có được, đó là dựa vào chính sách hành chính. Tôi muốn bán dầu nhưng không cho phép tôi bán. Chỉ để cho anh ta làm mà không để tôi làm. Bản chất ở đây là không hợp lý. Nếu nhờ cuộc chiến thương mại này mà Trung Quốc từ bỏ thực trạng hành chính lũng đoạn, khi đó tất cả mọi người đều có quyền bán dầu, giá dầu hạ, người dân được hưởng lợi, nền kinh tế trở nên thịnh vượng hơn, như thế có phải tiến bộ hơn? Tất nhiên là vậy. Nhưng đối với những nhóm lợi ích kinh doanh dầu, tất nhiên là họ sẽ bị tổn hại.”, ông Tạ Tác Thi nhận định.

Tờ WSJ đưa tin, Mỹ hy vọng lập trường cứng rắn của Mỹ sẽ buộc Đảng cộng sản Trung Quốc phải cam kết thay đổi cơ cấu sâu hơn và hành động nhanh chóng hơn.

Huệ Anh

Theo trithucvn.net


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc