Home » Cổ truyền, Văn hóa » Từ nhà giam một bước lên thẳng ngôi Vua cùng kỷ lục trớ trêu trong sử Việt

Thời Hậu Lê mọi quyền hành nằm hết vào trong tay chúa Trịnh, thậm chí ngay cả ngôi vua cũng là do nhà Chúa quyết định.

Phủ chúa Trịnh.. (Ành từ wikipedia.org)

Phủ chúa Trịnh.. (Ành từ wikipedia.org)

Năm 1727 chúa Trịnh Cương ép vua Lê Dụ Tông bỏ con trưởng là Duy Tường, lập con thứ là Duy Phường lên ngôi Thái Tử, sau đó lên ngôi Vua.

Sau khi chúa Trịnh Giang lên ngôi lại thay đổi ngược lại, truất Duy Phường để đưa duy Tường lên ngôi Vua, tức vua Lê Thuần Tông.

Thế nhưng đến năm 1735 vua Thuần Tông mất sớm, Trịnh Giang thấy con trưởng của Vua là Diêu Duy 19 tuổi đã lớn và trưởng thành e có thể gây khó khăn cho mình, vì thế nên chọn em của vua Thuần Tông là Duy Thận 17 tuổi lên ngôi Vua, gọi là Lê Ý Tông.

Lúc này ở trong cung, chúa Trịnh Giang không nghe lời các đại thần, trọng dụng thái giám, lại cho tăng các khoản thuế để quốc khố có tiền cho mình ăn chơi. Lại bắt dân phục dịch xây nhiều cung quán như Hồ Thiên, Hành cung Quế Trạo, Từ Dương, phủ đệ ở các làng ngoại Tử Dương, Mi Thử.

Các chính sách chèn ép khiến người dân oán thán, nhiều cuộc khởi nghĩa nổ ra khắp nơi với khẩu hiệu “Phù Lê diệt Trịnh”, trong đó có cuộc khởi nghĩa của Lê Duy Mật , ông là con vua Lê Dụ Tông và là chú ruột của Diêu Duy, ngoài ra cuộc khởi nghĩa này cũng quy tụ nhiều hoàng thân nhà Lê cùng tham gia.

Cuộc khởi nghĩa của Lê Duy Mật khiến quân chúa Trịnh thiệt hại lớn,  Diêu Duy vì là cháu ruột của Lê Duy Mật liền bị chúa Trịnh Giang cho bắt giam lại, số phận thật bi thảm, tưởng như phải sống trong nhà giam đến chết, nhưng không thể ngờ rằng một số phận khác hẳn đang chờ mình phía trước.

Trước tình hình Đàng Ngoài suy thoái bởi Trịnh Giang, Trịnh thái phi Vũ thị cho tập hợp các quan văn võ nhằm đưa Trịnh Doanh (em Trịnh Giang) lên ngôi Chúa. Trịnh Doanh lên ngôi năm 1740 cố gắng cải thiện mối quan hệ với nhà Lê để ổn định lòng người.

Để tránh điều tiếng, chúa Trịnh Doanh cho chuyển Lê Diêu Duy đến  giam ở vương phủ của cậu mình là Vũ Tất Thận

Trùng hợp là ngay tối hôm trước khi giải Lê Diêu Duy đến, Vũ Tất Thận “mơ thấy thiên tử tới nhà, cờ quạt phấp phới, nhã nhạc vang lừng, rõ ra cảnh tượng của đời thái bình”.

Sáng hôm sau quân lính giải hoàng tử Diêu Duy đến nhà, Vũ Tất Thận ngạc nhiên cho là ứng vào điềm giấc mộng của mình, nên sau đó kể lại sự việc với Chúa. Trịnh Doanh cũng cho là điều báo nên cho đón hoàng tử Lê Diêu Duy từ trong tù ra cho lên ngôi Vua. Vua cũ là Lê Ý Tông bị ép nhường lại ngôi, nhưng được tôn làm Thái Thượng Hoàng.

Lê Diêu Duy lên ngôi Vua, hiệu là Hiển Tông. Chúa Trịnh Doanh quan tâm cải thiện tốt mối quan hệ với nhà Lê để làm yên lòng dân, vì thế mà Vua Hiển Tông không phải lo lắng hay bị đe dọa phế truất như các đời Vua trước đó. Vua cũng được nhà Chúa coi trọng ở mức độ nhất định dù chỉ là hình thức.

Dù là một tù nhân, một bước từ nhà giam lên thẳng ngôi vua, nhưng Lê Hiển Tông ở ngôi vua đến 47 năm, thọ 70 tuổi, đây là vị Vua ở ngôi lâu nhất và sống thọ nhất trong tất cả các Vua thời hậu lê.

Vua Lê Hiển Tông cũng còn xác lập kỷ lục và trớ trêu khác nữa, đó là có 2 công chúa nhưng lấy 3 vua làm chồng, trong đó có hai ông vua lại là bố con ruột của nhau, tức 3 người con rể của ông cũng đều là Vua thời đó.

Công chúa Ngọc Hân lấy vua Quang Trung làm chồng, công chúa Ngọc Bình lại lấy con của vua Quang Trung tức vua Cảnh Thịnh, đây là cuộc hôn nhân trớ trêu nhất trong sử Việt, hai bố con ruột lấy hai chị em ruột làm vợ và trong gia đình không biết phải xưng hô như thế nào cho phải đạo.

Sau này khi Cảnh Thịnh thua trận, Ngọc Bình lại lấy vua Gia Long. Đây đều là những câu chuyện kỳ lạ và có một không hai trong sử Việt.

 

Ánh Sáng

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc