Tại Trung Quốc ngày nay, nhà hiền triết Khổng Phu Tử đã trở lại. Để tưởng niệm sinh nhật lần thứ 2.565 của Ngài vào tháng 9, chủ tịch Tập Cận Bình, đã bày tỏ sự tôn kính đối với bậc hiền nhân tại một hội nghị quốc tế được tổ chức nhân dịp này. Ông Tập đã phát biểu “Nho giáo là chìa khóa để tìm hiểu các đặc điểm của dân tộc Trung Hoa cũng như cội nguồn lịch sử thế giới tâm linh của người Trung Quốc ngày nay”.
Nhưng dù ông có thật sự tha thiết đối với bậc tiền nhân, không chắc rằng Nho giáo – một học thuyết răn dạy đạo đức nghiêm khắc – sẽ có ảnh hưởng quan trọng đối với đặc tính của xã hội Trung Quốc hiện đại.
Câu chuyện phục hưng
Sự hồi sinh của Nho học bắt đầu từ giữa những năm 80 của thế kỷ trước, vẫn đã và đang được các nhà Hán học và các nhà báo mô tả một cách thành thạo.
Dẫn chứng khoa học tốt nhất liên quan đến vấn đề này là: “Linh hồn đã mất: ‘Nho Giáo’ trong diễn ngôn học thuật Trung Quốc đương đại” của John Makeham. Tài liệu minh họa đầy đủ về cách thức các học giả trong và ngoài Trung Quốc dày công làm việc, từ những năm 80 đến nay, để phục hồi tư tưởng Nho giáo ở Trung Quốc sau khi bị tàn phá nặng nề bởi Mao Trạch Đông, lãnh đạo cộng sản đầu tiên của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Điều dễ nhận thấy từ tác phẩm này là động lực thúc đẩy việc tái tạo truyền thống Nho giáo không đơn giản chỉ là một thủ đoạn của chính quyền Trung Quốc nhằm củng cố tính hợp pháp của chế độ – mặc dù nó cũng có mục đích ấy. Điểm đáng nói là, các lực lượng xã hội khác nhau đều nhìn thấy ở Nho giáo tiềm năng về văn hóa ổn định và xuyên suốt lịch sử, trong một thế giới hiện đại đầy biến động.
Trong cuốn sách mới, “Kỷ nguyên tham vọng”, nhà văn Evan Osnos của tờ New Yorker đã cho thấy sự đa dạng về tư tưởng Nho học hiện đại.
Ông mô tả đền Khổng Tử ở Bắc Kinh, có niên đại từ thế kỷ 14 nhưng đã rơi vào tình trạng hư nát trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa (1966-1976). Mặc dù đền đã được phục hồi, nhưng người quản lý đền giống doanh nhân hơn là một bậc học giả.
Là một viên chức nhỏ của Đảng, ông ta phải đảm bảo các hoạt động tại đền tuân theo đường lối chính trị. Nhưng để tạo nên những “lễ nghi” mới, ông ta cũng có chứng chỉ nghệ thuật. Ông ta biến Nho học theo những gì ông ta biết: một số trích dẫn chẳng ăn nhập gì ở chỗ này, một điệu nhảy mới ở chỗ kia, một chút âm nhạc giả cổ điển để giúp lên tinh thần. Một vốn hiểu biết về quá khứ thật nông cạn được định hình nhằm thỏa mãn những nhu cầu xã hội và thương mại của hiện tại.
Nhưng Nho giáo là gì? Và sự hồi sinh thực sự của đạo đức Nho giáo có diện mạo như thế nào?
Những nguyên tắc xử thế của Nho giáo
Đây là câu hỏi lớn mà các học giả nghiêm túc phải mất cả đời để nghiên cứu. Nho giáo tự nó không phải là một điều gì đơn nhất: qua nhiều thế kỷ, nó đã phân nhánh và thấm đượm vào các biểu hiện khác nhau. Tuy nhiên, có lẽ yếu tố quan trọng nhất là sự nhấn mạnh vào hành vi đạo đức, tập trung vào việc nuôi dưỡng các mối quan hệ yêu thương gần gũi nhất, đặc biệt đối với gia đình, bạn bè và xóm làng.
Nhiều chuyên gia mô tả nguyên tắc đạo đức của Nho giáo với chữ “nhân” (仁). Chữ “nhân” này thể hiện rằng con người luôn được gắn chặt với các hoàn cảnh xã hội: chữ bên trái là “nhân”(亻), chữ bên phải là “nhị”(二) (hai). Chúng ta không hoàn toàn chỉ nghĩ cho bản thân, mà thay vào đó, chúng ta tìm thấy điều tốt nhất cho bản thân mình khi quan tâm tới những người gần gũi với chúng ta nhất.
Ở thiên 6.30 trong Luận Ngữ, Đức Khổng Tử nói: Người có nhân muốn thành người nhân đức thì cũng muốn người khác như mình, người có nhân đã làm được việc gì cũng muốn người khác đạt như thế. Lấy bản thân mình làm thí dụ để hiểu người khác, đức nhân là vậy.
Yêu cầu phải đối xử tốt với người khác đóng vai trò trung tâm trong những lời dạy của Đức Khổng Tử. Chúng ta không nên bị phân tâm bởi lợi ích vật chất, địa vị xã hội, hay quyền lực chính trị, trong nỗ lực duy trì và tái sinh lòng nhân ái của mọi người trên thế giới. Và chính nhu cầu cấp bách của cuộc sống hiện đại đã làm bế tắc những giá trị của Nho giáo hiện nay ở Trung Quốc.
Nơi Nho giáo mâu thuẫn với tư tưởng đương đại
Trớ trêu thay, trong lĩnh vực chính trị, Đảng Cộng sản đương quyền lại ngợi ca sự hồi sinh của Khổng giáo. Những lời vận động kêu gọi tinh thần xã hội chủ nghĩa Mao-Marx đã trở nên sáo rỗng trong một xã hội náo động bởi nền kinh tế tân tự do, cận kinh tế tư bản.
Có thể nói “sự trỗi dậy của Trung Quốc” đã đưa nước này trở về vị trí vốn có trong lịch sử, tuy nhiên tìm mọi cách để tạo nên những kết nối giữa hiện tại với quá khứ của Trung Quốc, bao gồm cả Nho giáo, có phần quá khiên cưỡng.
Một thập kỷ trước, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã bắt đầu ca tụng Trung Quốc như một “xã hội hài hòa”, cộng hưởng với lý tưởng của Nho giáo. Gần đây, ông Tập cũng trích đẫn kinh điển để củng cố hình ảnh bản thân như một điển hình lãnh đạo văn minh.
Nhưng những lời trích dẫn từ Đức Khổng Tử ấy, thậm chí nếu đó còn hơn cả luận điệu về chính trị, cũng không thể chống lại sự thay đổi mạnh mẽ về xã hội và văn hóa đang diễn ra khắp Trung Quốc. Làn sóng hiện đại hóa cuốn nhanh chóng trong tất cả các mặt như thương mại hóa, đô thị hóa, xã hội lưu động, chủ nghĩa cá nhân, về cơ bản đã chuyển đổi các vành đai xã hội Trung Quốc.
Quan niệm của thế hệ trẻ ở độ tuổi 20 khác biệt rất nhiều so với những người già. Những người trẻ tuổi chấp nhận những tự do xã hội và văn hóa để thể hiện bản thân. Họ quá bận rộn để đạt điểm số xuất sắc ở trường đại học hay ganh đua để có được việc làm tốt nhất như một phần của lòng hiếu thảo. Các mối liên kết trong gia đình và ngoài xã hội đang bị xói mòn. Nhà điều dưỡng đã trở thành một ngành công nghiệp phát triển.
Còn có nhiều điều để nói, đối với tất cả các nhóm tuổi, về tình trạng “khủng hoảng đạo đức” trong một xã hội đang đánh mất các giá trị tiêu chuẩn khi mà kinh tế, xã hội và văn hóa (mặc dù không phải là hệ thống chính trị) đổ vỡ và tái thiết.
Một số người Trung Quốc có thể rất mong muốn có được một khuôn khổ đạo đức “Nho giáo” ổn định, nhưng không có cơ sở thực tế để ban hành và thể chế nó. Khuyến khích con người truy cầu vật chất đã làm xói mòn các mối quan hệ trong xã hội, liên tục thay đổi làm mất tính ổn định trong sự truyền thừa các giá trị đạo đức.
Trong lịch sử, Nho giáo hòa quyện trong một xã hội nông nghiệp, với những mối quan hệ phức tạp của gia đình, xóm làng và thành thị trong sự chi phối của truyền thống tín ngưỡng văn hóa cổ xưa. Thiên Tử (con của Trời) cai quản vương triều với sự trợ giúp từ những tinh anh Nho học. Tuy nhiên, điều này đã bị tàn phá trong cuộc nội chiến và ngoại xâm cùng với sự cuồng tín của chủ nghĩa Mao trong cuộc Cách mạng Văn hóa ở thế kỷ 20.
Trung Quốc ngày nay đang hối hả trong công cuộc hiện đại hóa với tốc độ chóng mặt. Tất cả những gì vững chắc của Nho giáo trong quá khứ đã trôi vào dĩ vãng. Trong sự hỗn loạn hiện nay, Đức Khổng Tử đã trở lại, nhưng đó chỉ là sự khát khao không thể đạt được một bản sắc văn hóa ổn định hơn.
Sam Crane là chủ tịch và giáo sư thành viên của tổ chức W. Van Alan Clark ’41 third century trong ngành khoa học xã hội, trường Williams College.
Bài viết được xuất bản lần đầu trên The Conversation. Read the original article.
Nguồn: vietdaikynguyen.com
Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!