Home » Cổ truyền, Tiêu biểu sideshow, Văn hóa » Chùa Thiên mụ chứng kiến thời kỳ cực thịnh và suy tàn của Đàng Trong

Chùa Thiên Mụ là một trong hai ngôi chùa sớm nhất ở Đàng Trong (bên cạnh Sùng Hóa). Ngôi chùa sớm trở thành trung tâm Phật giáo Đàng Trong, gắn liền với thời kỳ phát triển rực rỡ cũng như sự suy sụp của vùng đất này.

Chùa Thiên Mụ. (Ảnh: Tạp chí Sông Hương Online)

Chùa Thiên Mụ. (Ảnh: Tạp chí Sông Hương Online)

Nguồn gốc chùa Thiên Mụ

Tháng 10/1558, chúa Nguyễn Hoàng cùng gia quyến và các binh tướng thân tín đi về phương nam, dừng chân ở cửa Việt Yên (nay là Cửa Việt). Tương truyền khi Nguyễn Hoàng đến Ái Tử (nay là thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong, Quảng Trị), người dân ở đây đã đem dâng 7 chum nước trong. Cậu của Chúa là Nguyễn Ư Dĩ mừng rỡ nói: “Đấy là phúc trời cho đó. Việc trời tất có hình tượng. Nay chúa thượng mới đến mà dân đem “nước” dâng lên, có lẽ là điềm “được nước” đó chăng?”. Nguyễn Hoàng bèn chọn Ái Tử làm thủ phủ

Năm 1601 Chúa có chuyến đi tuần du, Sách “Đại Nam nhất thống chí” có chép rằng: “Chúa thượng đến xã Hà Khê (nay là xã An Ninh), thấy đồng bằng nổi đất cao như hình con rồng ngoảnh đầu trông lại, phía trước trông ra sống cái, phía sau liền với hồ, phong cảnh đẹp tốt, nhân hỏi người địa phương, họ nói gò này rất thiêng. Tương truyền ngày trước có người trông thấy một bà già mặc áo đỏ quần xanh ngồi trên gò nói: ‘Phải có chân chúa đến dựng chùa ở đây, mà thu góp khí thiêng để giữ vững long mạch’. Nói xong thì biến mất, nên gọi là núi Thiên Mụ. Chúa thượng bèn dựng chùa gọi là chùa Thiên Mụ”.

Chùa được xây dựng trên đồi Hà Khê, được gọi là “Thiên Mụ tự” tức bà mụ nhà trời. Chùa sau khi xây xong trở thành biểu tượng tín ngưỡng của dân chúng Đàng Trong. Từ đó dù Đàng Ngoài vẫn phát triển Nho gia, thì Đàng Trong lại dùng Phật Pháp mà ổn định được Giang Sơn Xã Tắc.

Thời kỳ phồn thịnh nhất của Đàng Trong

Năm 1691 vị chúa thứ 6 của Đàng Trong là Nguyễn Phúc Chu lên ngôi, gọi là chúa Minh. Chúa là người mộ đạo, cho giảm thuế và bớt lao dịch cho dân chúng.

Chúa chủ trương hồng dương Phật Pháp, cho xây dựng thêm nhiều chùa miếu; mở hội lớn ở chùa Thiên Mụ, chùa Mỹ Am. Chúa cũng thường ăn chay, phát tiền gạo cho người nghèo.

Thời kỳ này Phật Pháp phát triển rộng khắp khiến đạo đức thăng hoa, xã tắc ổn định, người dân có cuộc sống sung túc, đây là nền tảng giúp cho các cuộc nam tiến, mở rộng lãnh thổ thành công.

Việc  mở rộng lãnh thổ và di dân vào nam rất thuận lợi, dân chúng đến vùng đất mới cần có cuộc sống tinh thần. Chúa cho phát triển mạnh Phật giáo, dùng Phật Pháp để ổn định Xã Tắc.

Năm 1694 chúa Minh cho người sang Quảng Đông mời Hòa thượng Thích Đại Sán (thiền sư Thạch Liêm) đến giảng giải Phật Pháp cho quan lại và dân chúng nghe. thiền sư Thạch Liêm đã truyền giới Bồ tát cho Chúa, gia đình thân quyến cùng 1.400 người ở Phú Xuân. Chúa Minh được ban pháp danh là Hưng Long.

Thiền sư Thạch Liêm cũng gửi cho Chúa các tài liệu về phép trị quốc bằng chính Pháp. Chúa Minh dùng Phật Pháp trị quốc khiến Đàng Trong ngày càng cường thịnh và hùng mạnh.

Năm 1710 Chúa cho đại trùng tu chùa Thiên Mụ, đồng thời cho đúc chuông mới gọi là “Đại hồng chung”, chuông nặng 2,021 kg, cao 2,5 m, đường kính 1,2 m. Vào ngày lễ Phật Đản tiếng vang của chuông bao phủ khắp kinh thành, tiếng chuông cũng đánh dấu giai đoạn phát triển đến cực thịnh ở Đàng Trong, một xã hội có niềm tin tín ngưỡng thì sẽ ổn định phát triển.

Đại Hồng Chung

Đại Hồng Chung. (Ảnh: Tạp chí Sông Hương Online)

Chuông “Đại hồng chung” trở thành bảo vật của dân chúng Đàng Trong và tự nhiên đi vào ca dao xứ Huế:

Gió đưa cành trúc la đà

Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Khương

Năm 1714 chúa Minh lại cho sửa sang lại chùa Thiên Mụ, tất cả các thợ khéo đều được huy động, đại trùng tu với nhiều kiến trúc quy mô như điện Thiên Vương, điện Đại Hùng, nhà Thuyết Pháp, lầu Tàng Kinh, nhà Thiền …Tiếc rằng nhiều công trình này đến nay không còn nữa.

Chúa Minh cũng cho người sang Trung Quốc mua hơn 1.000 bộ Kinh Phật về đặt tại lầu Tàng Kinh.

Sau khi đại trùng tu chùa trở nên nguy nga tráng lệ hơn trước, lễ khánh thành cũng trở thành ngày hội của dân chúng, khắp nơi đều tín ngưỡng theo Phật. Chùa Thiên Mụ trở thành trung tâm Phật Pháp của Đàng Trong, nơi chứng kiến thời kỳ cực thịnh nhất của 9 đời chúa Nguyễn.

Thời kỳ chúa Minh trị vì (1691 – 1725) dùng Phật Pháp giáo hóa dân chúng, dùng “tu nội” để “an ngoại”, không chỉ giúp dân chúng no ấm mà chúa Trịnh ở Đàng Ngoài cũng không tiến quân xâm chiếm như các thời trước đó và sau này.

Đàng Trong mất, chùa Thiên Mụ bị tàn phá không thể phục hồi như xưa

Sau này cuối đời chúa Võ bị Trương Phúc Loan dẫn đắt vào con đường ăn chơi sa đọa, Trương Phúc Loan trở thành quyền thần thao túng khiến Đàng Trong sụp đổ.

Năm 1774 quân Trịnh kéo vào Phú Xuân, dưới thời Tây Sơn thì chùa Thiên Mụ bị tàn phá.

Sau khi vua Gia Long đánh bại được nhà Tây Sơn, năm 1815 Vua cho xây dựng lại chùa Thiên Mụ, trước chùa dựng cửa tam quan, trên cửa có lầu, bên trái là lầu chuông, bên phải lầu trống, ngoài cửa chùa xây hai ngôi nhà lục giác bao che chiếc đại hồng chung và bia lớn thời chúa Nguyễn Phúc Chu. Chính giữa chùa là điện Đại Hùng, sau lưng là điện Di Lặc và điện Quan Âm.

Dù chùa đã được xây dựng lại nhưng không còn được nguy nga và tôn kính như thời chúa Nguyễn Phúc Chu. Chùa vẫn còn đến ngày nay, nhưng điện Thập Vương và điện Di Lặc không còn.

Năm 1844 nhân dịp mừng “bát thọ” của bà Thuận Thiên Cao Hoàng Hậu (vợ vua Gia Long và là bà nội vua Thiêu Trị), vua Thiệu Trị tu sửa chùa Thiên Mụ và xây thêm một ngôi tháp bát giác gọi là Từ Nhân (sau đổi là Phước Duyên), đình Hương Nguyện.

Thời vua Tự Đức cũng cho 2 lần tu sửa vào các năm 1871 và 1879. Thời vua Thành Thái, nhân lễ mừng thọ Cửu tuần đại khánh (90 tuổi) của Thái hoàng Thái hậu Từ Dụ, nhà Vua đã cho tu bổ tháp và dựng bia kỷ niệm. 1920, vua Khải Định đã cho dựng sau tháp Phước Duyên tấm bia khắc bài thơ ngự chế ca ngợi cảnh đẹp của chùa.

Từ năm 2003 đến 2006 Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp với Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng và nhà chùa đã trùng tu 18 công trình khác nhau với tổng kinh phí hơn 26 tỷ đồng.

Chùa Thiên Mụ mới được xây dựng từ thời vua Gia Long, dù được tu sửa nhiều lần nhưng cũng không thể được như thời chúa Nguyễn Phúc Chu, thời điểm mà Phật Pháp phát triển cường thịnh nhất, đánh dấu thời điểm phồn thịnh nhất của Đàng Trong.

Trần Hưng

Theo trithucvn.org


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc