Home » Chia sẻ » Ánh sáng tắt dần trong ngôi nhà nhỏ
Ba con người ngớ ngẩn trong một căn nhà tàn và không biết mình năm nay bao nhiêu tuổi. Cô chị, cười khúc khích rồi chỉ tay vào đứa em trai, đang ngồi bất động, đôi mắt vô hồn nhìn ra khoảng xa xăm nào đó nói “sinh ra đã thấy thằng này rồi”.

Sóng gió cuộc đời …

Cô chị, tên là Hồ Thị Tư (54 tuổi) không chồng, không con. May mắn hơn so với 2 đứa em trai, thì mỗi ngày chị Tư có khoảng 20-30 phút tỉnh táo. Nhưng hễ động tay vào làm một việc gì đó thì Tư lại lăn đùng ra, lên cơn co giật…

Dưới chị còn có hai người em cũng chẳng kém phần khổ cực. Hai con người ấy, dường như sinh ra để khổ, để gánh chịu kiếp nạn từ đời nào để lại. Chả thế mà, từ khi lọt lòng mẹ cho đến cái tuổi trai tráng trưởng thành tất cả đều sáng lạng…

Cậu con út Hồ Mậu Hạnh trước khi bị đẩy vào vòng khổ ải, anh cũng là một chàng trai khỏe mạnh, nhanh nhẹn, hiền lành và yêu thương vợ hết mực.

Nhưng mái ấm bình yên của anh chỉ kéo dài được đâu vài ba năm, thì trong một lần đi chạy hàng thuê, anh Hạnh bị tai nạn, chiếc xe chở nặng hàng đổ ào lên người anh. Anh được đưa vào bệnh viện cấp cứu trong tình trạng, sự sống chỉ còn leo lét không biết sẽ vụt tắt lúc nào.

Ở nhà, vợ anh mới chỉ kịp nghe đến thế, con người đã từng được chồng mình hết sức yêu chiều lập tức toan tính sự thiệt hơn cho bản thân. Ngay khi chồng đang vật lộn với cái chết để dành giật sự sống, cũng là lúc vợ anh khăn gói lặng lẽ trở về nhà mẹ đẻ.

Chị Tư và hai em trai trong căn nhà mà người dân nơi đây cho rằng ánh sáng đang tắt dần

Không biết có phải cuộc đời “ưu ái”, hay cuộc đời muốn anh sống để chịu thêm nhiều đầy ải nữa mà anh Hạnh thoát được khỏi lưỡi hái tử thần… Nhưng rồi từ đó đến nay anh phải sống một cuộc đời ngơ ngẩn, suốt ngày chỉ biết ngồi bần lặng trên giường hướng đôi mắt vô hồn nhìn ra cửa sổ.

Nhưng cái vòng khổ ải dường như vẫn chưa muốn buông tha ngôi nhà này, tiếp theo tai nạn của Anh Hạnh, lại đến lượt người con thứ 2: Hồ Mậu Bình. Trong một lần trèo lên cây phi lao ven biển để chặt cành, chẳng may con dao phập vào ngón tay. Đau đớn, bứt giác nhìn thấy máu, anh buông tay khỏi cây và cứ thế rơi từ độ cao mấy chục mét xuống đất, bất tỉnh. Đó cũng là ngày số mệnh bắt anh phải sống kiếp ngẩn ngơ như em trai của mình.

“Chị Dậu”… vẫn luôn đeo bám

Chứng kiến hai người em liên tiếp gặp tai nạn, giờ lại chịu cảnh thần kinh bất ổn, chị cả Hồ Thị Tư bệnh mỗi ngày một thêm nặng.

Hàng xóm nhà chị Tư cho biết, đã nhiều lần anh em, họ hàng gom góp để đưa chị đi chữa trị nhiều nơi, những mong hai anh em Hạnh – Bình có được một người thân khỏe mạnh chăm lo cơm cháo qua ngày. Nhưng rồi hết Hà Nội, về Vinh…tất cả các bác sĩ đều lắc đầu. Bất lực, mọi người chỉ biết nhìn ngôi nhà ấy đầy cảm thương.

Chị Nguyễn Thị Lượng, hàng xóm kể: “Thỉnh thoảng, mưa gió, bão bùng hay thời tiết thay đổi là 3 chị em đều đồng thanh la hét, đập giường, xé chiếu, gào thét cả ngày… nhìn thương lắm. Không biết đến chừng nào họ có được cuộc sống yên bình?.”.

Ánh sáng đang tắt dần trong ngồi nhà nhỏ này…

Biết là khổ, nhưng ở miền quê ven biển này, nhà nào lo đủ cái ăn cho mình đã khó, nên chẳng ai giúp đỡ ba chị em nhà chị Tư nhiều. Nhiều người thấy xót thương cho bát canh, quả cà, nắm cơm… để ba chị em sống đoạn ngày. Những ngày không được hàng xóm, người thân thích “viện trợ”, cả ba chị em chỉ biết nhìn nhau, chịu đói đến ngày tiếp theo.

Dường như cái khổ, cái đói đã ăn mòn vào tâm tưởng của họ, hoặc có thể họ không còn đủ sự tỉnh táo để cảm nhận điều đó, nên tuyệt nhiên chưa ai nhận được từ ba chị em một lời van vì nào để có cái ăn. Họ cứ sống với bệnh tật và nghèo đói như thế và cảnh “Chị Dậu” vẫn cứ đeo bám lấy họ.

Không ai còn đủ sức khỏe và tỉnh táo để làm việc, nên việc có bữa cơm ăn cho qua ngày đoạn tháng đã khó, nói gì đến chuyện sắm sanh. Nhìn đi nhìn lại trong nhà thấy duy nhất một cái ti vi đáng giá, nhưng hình như đã hỏng rồi vì mạng nhện giăng đầy.

Chị Tư ngật nghễu: “Quà… các chú biên phòng cho đấy. Mở đi, mở đi….”. Mấy người hàng xóm đứng cạnh góp chuyện: “Đó là quà của các anh biên phòng hôm tết đến tặng, nhưng khổ thân, nhà có ai còn đủ tỉnh táo để xem đâu, nên chỉ để ngắm…mà hình như hỏng rồi thì phải…”.

Ông Phan Bá Dung, trưởng ban chính sách xã Quỳnh Minh cho biết thêm: “Gia đình ba chị em Hồ Thị Tư hiện nay thuộc diện hộ có hoàn cảnh khó khăn nhất xã. Địa phương đã nhiều lần đề xuất hỗ trợ, nhưng hiện vẫn chưa có được một cơ chế chính sách nào phù hợp. Vì vậy, cuộc sống của ba người vẫn chỉ trông chờ vào tình thương của hàng xóm, láng giềng…”.

Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:

1. Chị Hồ Thị Tư: xóm 2, xã Quỳnh Minh, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An.

2. Quỹ Nhân ái – Báo Khuyến học và Dân trí – Báo điện tử Dân trí (Hà Nội)

Số 2/48 Giảng Võ, Đống Đa, Hà Nội (Cạnh cây xăng Kim Mã)

Tel: 04. 3. 7366.491/ Fax: 04. 3. 7366.490

Email: [email protected]

* Tài khoản VNĐ:

Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí

Số TK: 10 201 0000 220 639

Tại: Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam – Chi nhánh Hoàn Kiếm

* Tài khoản USD:

Tên TK : Báo Khuyến học & Dân trí

Số TK : 10 202 0000 004346

SWIFT Code: ICBVVNVX106

Tại: Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương thành phố Hà Nội

3. Văn phòng đại diện của báo:

VP Hà Tĩnh: 46 Nguyễn Công Trứ, Phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh. Tel: 039.3.857.122

VP Đà Nẵng: 25 Nguyễn Tri Phương, Quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng. Tel: 0511.3653.725

VP HCM: 40/17/16 Nguyễn Văn Đậu, phường 6 quận Bình Thạnh. Tel: 08. 35107. 331

VP Cần Thơ: 53/13 Lý Tự Trọng, Q Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Tel: 071.3.733.269

Nguyễn Duy – Viết Thịnh

Theo Dantri


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc