Home » Chia sẻ, Xã hội » Giới trẻ Việt không thờ ơ với tham nhũng

“Lương tâm và trái tim chỉ có một trong khi tiền có thể có rất nhiều. Vì vậy đừng để đánh mất lương tâm và trái tim chỉ vì tham nhũng” là một trong những thông điệp mà dự án ‘Xã hội minh bạch và bền vững nằm trong tay thế hệ trẻ’ gửi tới giới trẻ Việt.

Một buổi thảo luận của các bạn trẻ về đề tài tham nhũng. (Nguồn ảnh: Bay Vút)

Không thờ ơ với tham nhũng

Dự án ‘Xã hội minh bạch và bền vững nằm trong tay thế hệ trẻ’ do Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng xây dựng và triển khai trên địa bàn Hà Nội từ tháng 7/2009 – 7/2010. Đây là dự án đoạt giải trong cuộc thi ‘Ngày Sáng tạo Việt Nam 2009’ do Ngân hàng Thế giới tổ chức và nhận tài trợ trực tiếp của Đại sứ quán Phần Lan tại Việt Nam.

Sau một năm thực hiện, dự án đã thu hút hơn 600 bạn trẻ, 31 trường học, 21 CLB tham gia các hoạt động của dự án. Sự tham gia nhiệt tình của các bạn trẻ cho thấy giới trẻ ngày nay không hề thờ ơ với tham nhũng.

“Mỗi lần báo chí phanh phui việc ăn hối lộ của một vị quan chức nào đó, mình thấy rất phẫn nộ nhưng cũng chỉ phẫn nộ thế thôi chứ không biết phải làm gì. Tham gia diễn đàn ‘Xã hội minh bạch và phát triển bền vững nằm trong tay thế hệ trẻ’ mình mới phát hiện ra còn rất nhiều bạn trẻ có cùng mối quan tâm như mình. Chúng mình đã chia sẻ với nhau rất nhiều câu chuyện để hiểu hơn về tham nhũng, cùng tìm ra giải pháp để hạn chế tối thiểu tham nhũng”, Lê Hồng Chuẩn (ĐH Mở Hà Nội) chia sẻ.

Chị Đỗ Vân Nguyệt (Giám đốc Trung tâm Live &Learn, đơn vị thực hiện dự án) cho biết kết quả khảo sát nhận thức của thanh niên về tham nhũng do dự án thực hiện cũng cho thấy nhiều thanh niên quan tâm và mong muốn giải quyết vấn đề tham nhũng và hơn 90% các bạn trẻ nhận thấy tình trạng tham nhũng ở Việt Nam hiện nay còn rất nhiều. Tuy nhiên, nhận thức của họ còn chưa đầy đủ.

Mấu chốt là nhận thức

Thục Linh (thành viên của CLB Sinh viên và Môi trường Sn’E) chia sẻ câu chuyện: “Mình thường xuyên đi xe buýt chặng ngắn. Nhiều lần gần đến điểm xuống phụ xe mới hỏi mình tiền vé. Mình đưa tiền nhưng đợi mãi mà không thấy chú ấy xé vé. Mình hỏi thì chú ấy bảo sắp xuống rồi còn lấy vé làm gì nữa. Từ đó, phụ xe không đưa vé, mình cũng không đòi”.

Linh không biết rằng hành động của mình đang tiếp tay cho ‘tham nhũng vặt’ mà bạn chính là người ‘hối lộ’ xét trên một phương diện nào đó. Ai cũng biết đi xe buýt phải mua vé, nếu bạn đưa tiền mà không lấy vé thì người phụ xe sẽ được lợi tấm vé. Đó chính là cách người phụ xe ‘tham nhũng’.

Còn anh bạn Lê Minh Hoàng (ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội) lại té ngửa khi bị kết tội là tham nhũng sau khi chia sẻ rằng đã có lần bạn khai tăng với bố mẹ tiền học thêm để có thêm tiền tiêu vặt. Và Hoàng càng ngạc nhiên hơn khi biết đi học muộn cũng là tham nhũng.

Ít ai nghĩ rằng những việc nhỏ như nhân viên phục vụ trên xe buýt không đưa vé cho khách hàng, khai khống tiền học thêm, đi học muộn, câu giờ giảng dạy… những hành vi tham nhũng. Rất nhiều bạn trẻ nghĩ tham nhũng chỉ xảy ra với những người có chức, có quyền nhưng khi hiểu mới vỡ lẽ mình đã từng tham gia hoặc tiếp tay cho hành vi không minh bạch này. “Mình chắc chắn là hầu hết chúng ta ở đây đều đã từng ‘tham nhũng vặt’, nhưng 500 – 1000 đồng thì không đáng kể” một bạn trẻ khẳng định.

Diễn đàn giúp các bạn trẻ nhận diện tham nhũng, giúp họ hiểu rằng tham nhũng có thể xảy ra ở mọi nơi, mọi lĩnh vực. Đó có thể là hành vi nhận tiền của cảnh sát giao thông, thầy giáo nhận tiền của sinh viên trong lúc chấm thi, hay chỉ là đi học muộn (tham nhũng thời gian), quay cóp trong thi cử (tham nhũng kiến thức)…

Tham nhũng bao gồm nhiều dạng và nhiều mức độ khác nhau như đưa và nhận hối lộ, gian lận và dối trá, chiếm đoạt, tham nhũng có hệ thống, tham nhũng có móc ngoặc, tống tiền, lạm dụng quyền hạn, biển thủ công quỹ… Dương Văn Thắng (ĐH Lao Động – Xã hội) cho biết: “Trước đây mình không nghĩ tham nhũng bao gồm hai chiều: chiều đưa và chiều nhận, cũng chưa biết hết được những hậu quả do tham nhũng gây ra. Giờ đã hiểu thì mình nhận ra là mình cũng từng tham nhũng. Trong tương lai có thể mình tham nhũng nhưng mình sẽ cố gắng hạn chế đến mức tối thiểu”.

Chị Đỗ Vân Nguyệt cho rằng: “Bất cứ vấn đề gì, đầu tiên ta phải hiểu và nhận thức đúng về nó thì mới có phương án hành động hiệu quả. Vì vậy, điều đầu tiên mà những buổi tập huấn dự án thực hiện là giúp các bạn trẻ hiểu và nhận diện tham nhũng, nguyên nhân dẫn đến tham nhũng và hậu quả. Sau khi hiểu rõ vấn đề các bạn trẻ sẽ thảo luận và đề xuất giải pháp hành động”.

Sự lựa chọn thuộc về giới trẻ

Không chỉ cung cấp thông tin và tài liệu giúp các bạn trẻ hiểu và nhận diện tham nhũng, diễn đàn còn khuyến khích các bạn trẻ phát huy sự sáng tạo, đề xuất giải pháp chống tham nhũng, xây dựng xã hội minh bạch và bền vững.

Phần lớn các bạn trẻ cho rằng nên tổ chức nhiều hơn các buổi thảo luận, diễn đàn cho thanh niên về chủ đề minh bạch để thu hút sự quan tâm cũng như cung cấp thông tin, tài liệu để các bạn nhận thức đúng vấn đề.

‘Xã hội minh bạch và bền vững nằm trong tay thế hệ trẻ’ là một trong số ít các dự án được tạo lập vì sự minh bạch ở Việt Nam. Dự án kết thúc nhưng phần đông các bạn trẻ tham gia đều cam kết thực hiện những hành động thiết thực như: tuyên truyền cho người thân, bạn bè về tham nhũng, tố cáo những hành vi tham nhũng, thực hiện lối sống minh bạch,cùng chung tay xây dựng xã hội minh bạch.

“Tham gia các buổi học để nâng cao hiểu biết về tham nhũng, tự tạo thói quen làm việc minh bạch hay đơn giản là đi học đúng giờ, tham gia giao thông đúng luật, kiên nhẫn chờ đợi khi làm thủ tục hành chính. Đó là những việc đơn giản mà ai cũng có thể làm để chống tham nhũng”, Hà Sơn Tùng (ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội) khẳng định.

Theo Bayvut.com.au


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc