Home » Tiêu biểu sideshow, Tiêu Điểm, Xã hội » Ngô Bảo Châu – Hành trình từ IMO đến Fields

Việc GS Ngô Bảo Châu đoạt giải “Nobel Toán học”, chứng tỏ anh đã không lặn ngụp trong “suối, khe” mà can đảm bơi giữa dòng chủ lưu cuộn xoáy của con sông lớn toán học…

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân thăm gia đình GS Ngô Bảo Châu hồi đầu tháng 8- 2010.

“Cú đúp” HCV Olympic quốc tế

Tháng 4-1972, R. Nixon ồ ạt ném bom miền Bắc Việt Nam. Nhà nước ta phát lệnh động viên cục bộ. Tiến sĩ cơ học Ngô Huy Cẩn nhập ngũ, làm “lính 5 đồng”, tức là anh binh nhì, chuẩn bị lên đường vào tuyến lửa Quảng Trị.

Lương tiến sĩ thời ấy dù ít ỏi cũng được 73 đồng, chứ sau khi đi nghĩa vụ, thì chỉ còn nhận khoản tiền tiêu vặt mỗi tháng 5 đồng, chẳng dành dụm được đồng nào gửi về giúp vợ “vượt cạn”.

Dược sĩ Trần Lưu Vân Hiền sinh bé Ngô Bảo Châu vào cái năm 1972 khốc liệt ấy, trong tiếng bom giải thảm nổ rền và ánh chớp tên lửa xé màn đêm. Thiếu đường, thiếu sữa, thiếu mọi thứ…

Ngay từ cấp hai, Ngô Bảo Châu đã được tuyển vào lớp chuyên Toán Trường Trưng Vương (Hà Nội), được học với người thầy dạy giỏi Tôn Thân – cháu ngoại nhà học giả Phạm Quỳnh, chủ bút báo Nam Phong một thời nổi tiếng.

Lên cấp ba, năng khiếu Toán của Châu được tiếp tục chăm sóc tại khối phổ thông chuyên Toán – Tin Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường Đại học Khoa học Tự nhiên thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội). Châu học với Tiến sĩ Toán Phan Đức Chính và những người thầy giỏi như Phạm Văn Hùng…. Lại còn được mấy anh “chuyên Toán” lớp trước như Lê Tuấn Hoa, Vũ Đình Hoà dìu dắt,…

Mùa hè 1988, Châu đoạt Huy chương Vàng tại Olympic Toán Quốc tế (IMO) ở Canberra, Thủ đô Australia, với số điểm tuyệt đối 42/42. Năm ấy Châu 16 tuổi, học lớp 11.

Mùa hè 1989, Châu tham gia IMO tại Braunschweig, quê hương nhà toán học Đức thiên tài C. Gauss. Và Châu lại giành Huy chương Vàng. Đây là trường hợp đầu tiên một học sinh nước ta giành hai Huy chương Vàng IMO.

Đỉnh cao giữa “đô thành ánh sáng”

Cùng với Gérard Laumon, Ngô Bảo Châu bước lên đỉnh cao Toán học. Hai tác giả không sa đà vào những khía cạnh “râu ria”, không lặn ngụp trong “suối, khe, ngòi, lạch”, mà can đảm bơi giữa dòng chủ lưu cuộn xoáy của con sông lớn Toán học, giải quyết một trở ngại lớn trên bước đường phát triển của ngành khoa học mũi nhọn này.

Sau khi tốt nghiệp bậc phổ thông, Châu được chọn vào học một khoá cấp tốc tiếng Hungary. Qua 9 tháng miệt mài, thi ba môn, Châu đạt 29 điểm. Những tưởng đã có thể sửa soạn va-li sang Budapest. Nào ngờ bên đó xảy ra biến cố. Cuộc “cách mạng nhung” dẫn đến sự sụp đổ của các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu. Thế là giấc mơ du học sang thành phố xinh đẹp bên bờ sông Danube không thành!

Rất ngẫu nhiên, đúng lúc ấy, Viện sĩ Paul Germain sang thăm Việt Nam và khi trở về Paris, ông liền đề nghị Chính phủ Pháp cấp học bổng cho Châu vào Đại học Sorbonne. Theo học giữa Paris đắt đỏ với số tiền học bổng ít ỏi, Châu sống rất dè sẻn.

Mỗi năm anh chỉ gọi điện về nhà một lần, vào trưa mồng 1 Tết. Vào lúc ấy, ông bà, cha mẹ, cô bác đang quây quần bên mâm cỗ. Cước điện thoại quá đắt, mỗi cuộc gọi mất đứt 200 francs. Dạo ấy làm gì đã có Internet, email, điện thoại di động như bây giờ…

Một sinh viên Việt Nam bình thường được vào Sorbonne là mãn nguyện lắm rồi. Nhưng Châu thì không! Anh khao khát vươn tới đỉnh cao. Hai năm sau, anh quyết định tham gia cuộc đấu rất dễ bị “nốc ao”: thi vào École Normale Supérieure – đại học danh tiếng nhất nước Pháp, mà ta thường dịch một cách không thật chính xác là Trường Đại học Sư phạm Paris, nơi một số người Việt Nam ưu tú thuộc thế hệ ông cha như Hoàng Xuân Hãn, Lê Văn Thiêm, Trần Đức Thảo, Trần Thanh Vân… đã từng theo học. Không thi vào năm thứ nhất đại học, mà thi thẳng vào hệ đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ. Kết quả không ngờ: Châu đỗ thủ khoa.

Anh bảo vệ luận án tiến sĩ năm 1997, rồi luận án tiến sĩ khoa học (habilitation) năm 2003. Đầu năm 2004, 32 tuổi, anh được hai trường đại học lớn ở Paris (Paris 6 và Paris 11) mời làm giáo sư. Anh nhận lời làm việc tại Đại học Paris 11, để được gần hai người đồng nghiệp có nhiều “duyên nợ”: G. Laumon và L. Lafforgue.

Những ngày giữa tháng 10-2004, Ngô Bảo Châu dự Hội nghị quốc tế về các dạng tự đẳng cấu và công thức vết tổ chức tại Viện Fields, Canada. Cùng với nhiều nhà bác học nổi tiếng thế giới, GS Ngô Bảo Châu, quốc tịch Việt Nam, được mời đọc báo cáo tại phiên họp toàn thể.

Anh trình bày công trình mà anh vừa cùng G. Laumon hoàn thành và công bố trên mạng Internet. Đó là luận văn dày 100 trang về Bổ đề cơ bản cho các nhóm unita, giải quyết một trở ngại lớn trên bước đường phát triển lý thuyết tự đẳng cấu, dần dần thực hiện chương trình Langlands.

Vinh quang với Fields

Như nhiều người đã biết, Giải thưởng Nobel về khoa học tự nhiên chỉ dành cho các phát minh xuất sắc trong vật lý, hoá học, sinh học. Không có Giải thưởng Nobel cho Toán học! Tại sao? Vì, theo đúng luật, phải thực hiện di chúc của A. Nobel. Thế mà trong di chúc không thấy ghi điều đó!

Để bổ khuyết tình trạng không công bằng ấy, giới toán học quốc tế bèn lấy tên nhà toán học người Canada J. C. Fields đặt cho một loại giải thưởng mới, dành riêng cho Toán học, gọi là Huy chương Fields, được coi có giá trị ngang Giải thưởng Nobel, thậm chí còn có phần khó hơn: 4 năm mới tặng một lần, và người nhận giải phải dưới 40 tuổi.

Quy định ngặt nghèo về độ tuổi cũng có chỗ không hay! Bởi vậy, gần đây, một số giải thưởng lớn về Toán học đã được lập ra, không hạn chế tuổi, như Giải thưởng Abel, Giải thưởng Clay.

Những người được tặng Giải thưởng Clay là những nhà toán học xuất sắc trên thế giới hiện nay: A. Wiles đã giải quyết được bài toán Fermat; A. Connes, Ọ. Witten và L. Lafforgue, về sau, được tặng Huy chương Fields.

Cùng với Gérard Laumon, Ngô Bảo Châu bước lên đỉnh cao Toán học. Hai tác giả không sa đà vào những khía cạnh “râu ria”, không lặn ngụp trong “suối, khe, ngòi, lạch”, mà can đảm bơi giữa dòng chủ lưu cuộn xoáy của con sông lớn toán học, giải quyết một trở ngại lớn trên bước đường phát triển của ngành khoa học mũi nhọn này.

Chính A. Wiles, người hoá giải được “thách đố từng làm bối rối những bộ óc vĩ đại nhất của nhân loại suốt 358 năm”, đã tiến cử Ngô Bảo Châu và Gérard Laumon nhận Giải thưởng Clay năm 2004.

Sau đó, Ngô Bảo Châu còn nhận được Giải thưởng Oberwolfach năm 2007 và Giải thưởng của Viện Hàn lâm Khoa học Pháp năm 2008, do đã một mình chứng minh được trọn vẹn Bổ đề cơ bản trong chương trình Langlands. Đó chính là căn cứ rất vững chắc để anh được Hiệp hội Toán học Quốc tế trao tặng Huy chương Fields trong phiên khai mạc Đại hội các nhà Toán học họp tại Hyderabad hôm qua 19-8.

Chuyên đề: ,

Comments are closed.