Sau lễ nhận bằng tiến sĩ danh dự của ĐH Quốc gia Hà Nội sáng 8/3, thay bằng bài phát biểu, giáo sư Ngô Bảo Châu đề nghị được giao lưu cùng hàng trăm học sinh, sinh viên của trường. Trong hơn 30 phút trò chuyện, giáo sư đã nhiệt tình trả lời những băn khoăn, thắc mắc của các bạn trẻ.
– Để có được thành công như hôm nay, giáo sư đã phải nỗ lực rất nhiều. Giáo sư có thể chia sẻ kinh nghiệm của bản thân ?
– Mỗi ngày tôi phải tự nhủ rằng mình cần học thêm một điều gì đó. Đương nhiên không phải lúc nào cũng “đi bộ” mà cũng có lúc phải “chạy”.
Một lần đi leo núi cùng bạn học người Pháp, tôi luôn luôn đi chậm hơn anh ta dù đã cố gắng hết sức. Về phòng tôi hỏi bạn có bí quyết nào để đi bộ nhanh không. Bạn tôi cười nói có một bí quyết, đó là “trước hết chân trái phải đi trước chân phải, sau đó chân phải đi trước chân trái”.
|
GS Ngô Bảo Châu chú ý lắng nghe câu hỏi của học sinh. Ảnh: Hoàng Thùy. |
– Lời khuyên của giáo sư dành cho học sinh, sinh viên để đạt được kết quả cao nhất trong học tập và công việc sau này?
– Đó chính là sự tự tin. Hồi tôi học ở Pháp, tôi thường xuyên cảm thấy kiến thức của mình không bằng các bạn. Ngay cả sau này tôi vẫn còn cảm giác đó. Tuy nhiên, tôi không bao giờ mất tự tin. Tôi luôn tự nhủ rằng những thứ mình chưa biết chẳng qua là mình chưa được học, nếu được học rồi chắc chắn mình sẽ biết. Vì vậy sự tự tin vô cùng quan trọng.
– Theo giáo sư nếu phát hiện năng khiếu đặc biệt của học sinh thì làm cách nào để tài năng đó phát triển?
– Người thầy phát hiện ra năng khiếu đặc biệt của học sinh thì điều đầu tiên là không để em ấy biết vì sẽ nguy hiểm cho sự phát triển tâm sinh lý của em đó. Có nhiều người biết khả năng của mình sớm đã sinh ra ảo tưởng, không làm được việc gì.
Còn đào tạo nhân tài là vấn đề dài hạn. Tôi nghĩ cái căn bản nhất là làm sao để người trò giỏi có thể gặp được người thầy giỏi.
– Hiện nay nhiều học sinh chọn ngành có công việc tương lai sáng lạn hơn là chọn đi theo con đường nghiên cứu khoa học cơ bản. Giáo sư đánh giá thế nào về xu hướng này?
– Những người hướng theo khoa học cơ bản phải thực sự có đam mê và đối với họ tình yêu với khoa học cơ bản đặt trên các phạm trù khác. Số tiền kiếm được từ nghiên cứu khoa học cơ bản không nhiều. Tôi nghĩ không nên ép buộc hay định hướng quá mức để một người đi vào khoa học cơ bản trái với ý thích, sở nguyện của họ.
Toán chuyên có cái hay riêng, thú vị riêng của nó, nó có cái đèm đẹp khó nhận biết. Tuy nhiên, không nên quá tập trung vào toán sơ cấp dù nó là yếu tố rất cần thiết, là tố chất, nỗ lực của nhà toán học. Người học phải dần dần làm thêm những mảng về toán cao cấp. Tôi cho rằng sự khác nhau lớn nhất của Toán sơ cấp và Toán cao cấp là khả năng cảm thụ cái đẹp của Toán học.
|
GS Ngô Bảo Châu nhận bằng Tiến sỹ danh dự của ĐH Quốc gia Hà Nội. Ảnh: Hoàng Thùy. |
– Những kỷ niệm đáng nhớ thời học sinh của giáo sư ở trường chuyên khoa học tự nhiên?
– Kỷ niệm sâu sắc mà đến giờ tôi vẫn còn nhớ là ngày đầu tiên đến trường nhập học. Ngày ấy trường đặt ở Mễ Trì. Lớp chuyên toán gồm các bạn đến từ khắp mọi nơi trên cả nước. Tôi ấn tượng mạnh với những người bạn học của mình bởi ai cũng gầy guộc, quần áo lôi thôi, dép đi loẹt quẹt, nói thì ngọng. Thế nhưng chỉ sau vài trận bóng đá chúng tôi đã trở nên thân thiết.
Thời gian 3 năm ở khối chuyên Toán, chúng tôi hiểu hết cuộc sống, hoàn cảnh của nhau, gắn bó với nhau rất khăng khít. Đó có lẽ là thời gian mà tôi không bao giờ quên được.
– Dự định trong tương lai của giáo sư?
– Tôi dự định làm càng nhiều càng tốt, việc nào chưa làm được tôi sẽ cố gắng để làm. Sắp tới nhà nước sẽ hỗ trợ thành lập Viện cao cấp về Toán. Tôi tin rằng việc ra đời của Viện sẽ có vai trò và khả năng lôi cuốn các nhà khoa học đang nghiên cứu ở nước ngoài về làm và hợp tác. Tôi sẽ cố hết sức để Toán học ngày càng phát triển hơn, đồng thời mở rộng cửa cho các ngành khoa học lý thuyết như sinh học, khoa học máy tính… phát triển.
Hoàng Thùy
Theo vnexpress
Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!