Home » Xã hội » Trùm “hai ngón” chỉ cách nhận mặt đạo chích

Đám đông là cơ hội để đạo chích hoành hành.

Tình cờ gặp “quái nhân” hành nghề đạo chích ở Hà Nội cách đây hàng chục năm, N. có vẻ buồn khi tôi hỏi anh về lý do tại sao đám “hai ngón” dạo này ồ ạt xuất hiện?

N. bảo: Cũng tại ham ăn lười làm mà ra. Dạo trước cuộc sống nhiều khó khăn hơn. Tụi thanh niên quậy phá, bỏ học tụ tập nhau lại, lang thang trên những chuyến xe, tàu điện, tìm cơ hội để chôm đồ người ta. Kẻ phải trả giá trong nhà giam, người lang thang đi xứ khác làm ăn. Giờ tất cả đã thành ông thành bà, đoạn đời xưa như một vết nhơ trong tâm trí mỗi người, không ai muốn nhắc lại nữa.

Những ngón nghề xưa

Lắc đầu, N. bảo: Dạo này nghe đài báo lại nói nhiều về nạn trộm cắp trên xe bus tôi tò mò thử xem chúng hành sự ra sao. Lên xe ở Gò Đống Đa, đúng giờ sinh viên đi học, công nhân đi làm, người đông ngay từ bến đợi. Khoảng 3-4 nam thanh niên mặt mũi sáng sủa đang chạy đằng sau mấy cháu sinh viên từ phía Đặng Tiến Đông ra.

Bến xe bus là địa điểm hoạt động chủ yếu của đám đạo chích.

Đến cửa xe bus, tất cả chen nhau lên. Mấy nữ sinh nhanh chân, chen khoẻ hơn, lên kịp. Các cậu thanh niên tụt lại mặc dù cửa vẫn chưa khép hẳn. Bỗng một nữ sinh kêu mất điện thoại, đứa bên cạnh nói mất ví. Lúc đó mọi người trên xe mới vỡ lẽ chính đám thanh niên chen lấn ban nãy là thủ phạm.

Nhớ lại thời xa xưa, N. cho biết: Lúc đó, xe điện, xe bus lúc nào cũng đông kín người, chủ yếu là loại xe Hải âu hay Karosa. Trên xe rất ít ghế ngồi, người đứng chật như nêm cối. Và đó chính là cơ hội để đám đạo chích tung hoành.

Thời bao cấp, chỉ 2 thanh sắt chạy ngang trên đầu, khách có mỗi một cách phải nắm thật chặt để khỏi bị ngã. Tay người nọ chèn lên tay người kia, lẫn lộn thật giả. Mà cũng lạ. Nghèo thế nhưng người nào cũng phải chưng đồng hồ đeo tay. Sang thì Rađô, Senkô, còn loại Pônjốt, ô- mê- ga, Citizen…, nhiều vô kể. Cả một rừng cánh tay đồng hồ chen chúc. Chỉ cần hai động tác là bay.

Loại dây da, dây nhung thì dùng cổ tay gạt nhẹ chốt khỏi dây móc, nhẹ nhàng tháo đồng hồ rời khỏi tay khách mà họ không hề biết. Khách đàn ông, sang hơn, thường đeo loại dây inox. Khó thì xoáy kiểu áp đảo. Dùng đám đông áp sát đối tượng, phân hoá sự chú ý rồi bất ngờ chộp thật mạnh và giật. Xong, tuồn theo kiểu dây chuyền, khách biết mất của nhưng sợ nên không dám phản ứng gì.

Cũng vì phải bám tay vào thanh sắt nên hành khách không thể quản lý được đồ đạc mang theo. Thời ấy không có thẻ, tiền mặt không rủng rỉnh nhưng ai cũng có tiền trong người. Túi đeo, túi xách thì rạch bằng lưỡi dao lam. Tiền để túi quần, sâu tít bên trong cũng không thoát.

ặp ca khó, đám đông chen lấn, tạo tình huống xô đẩy, thậm chí xô xát để hành sự. N. bảo những người đứng gần con mồi nhất không bao giờ “hành sự”. Bọn ấy phải ăn mặc sạch sẽ, mặt mũi khôi ngô, đứng cạnh, dùng tay che mặt khách để họ mất cảnh giác cho đồng bọn làm việc.

“Nếu như bây giờ chúng nó nhằm vào điện thọai di động và tiền thì mục tiêu của “hai ngón” thời bao cấp là đồng hồ, tiền và tất cả những gì có thể nẫng được”, N. bật mí. Mà lúc ấy cuộc sống khó khăn, thứ gì cũng có thể bán được. Đồng hồ thì mang ra Cửa Nam, Quốc Tử Giám. Những thứ khác đều dễ dàng tiêu thụ, thượng vàng h ạ cám. Có tiền, cả bọn đi ăn uống, cờ bạc. Nỗi nơm nớp thường trực là sợ các đợt truy quét của công an. Nhiều người đã phải trả giá cho cái thời khốn khó nhưng ngông cuồng của mình.

Nhận diện “hai ngón” thời nay

Công an Hà Nội vừa phát hiện, bắt giữ một số đối tượng ăn cắp tại các bến xe và trên xe bus. Hình thức của chúng vẫn là lợi dụng lúc khách lên xuống xe, tạo sự chen lấn, sử dụng “hai ngón” để chôm tài sản.

Không phải giờ nào chúng cũng xuất hiện mà thường chọn giờ cao điểm, người đi xe đông. Theo N., nhận diện bọn “hai ngón” này không dễ tuy nhiên người đi xe cần cảnh giác với những đối tượng luôn tìm cách đứng sát với mình. Nếu không hành động trực tiếp thì chúng cũng tạo cơ hội cho đồng bọn ra tay.

Một số tên còn đóng vai xe ôm, chèo kéo giành giật khách tại các bến với giá thật bèo rồi nhân lúc khách sơ hở, móc túi họ. Nhưng kịch bản chung của bọn này vẫn là đóng vai người đồng hành, đứng, ngồi với khách, thậm chí còn giở bài làm quen, buôn chuyện, thu hút sự chú ý của người đi đường. Chỉ cần khách sơ ý, mất cảnh giác trong một thời điểm nhất định nào đó là tài sản dù giấu kỹ đến mấy cũng “bay”.

Cần biện pháp mạnh

Trao đổi với PV Đời sống & Pháp luật, Phó Trưởng Công an phường Nguyễn Trung Trực (Ba Đình – Hà Nội), Đại uý Nguyễn Ngọc Quyết cho biết: Thời gian qua, công an phường đã bắt được một số đối tượng chuyên trộm cắp tại trạm trung chuyển xe bus  Long Biên. Đa số là dân ngoại tỉnh lang thang.

Cái khó nhất của lực lượng công an là khi bắt được đối tượng, công việc tiếp theo là phải xác minh thật kỹ nhân thân chúng. Có kết quả rồi lại sàng lọc, phân loại chi tiết, chính xác: Nếu đối tượng đã có tiền án, tiền sự, tài sản chúng trộm cắp có giá trị lớn thì sẽ xử lý hình sự. Những đối tượng mới phạm tội lần đầu, giá trị tài sản thấp sẽ chuyển vào các trung tâm giáo dưỡng; Đối tượng nghiện ma tuý, trộm cắp nhỏ được đưa vào Trung tâm cai nghiện….

Cũng theo đại uý Quyết, qua thực tế cho thấy đa số các thành phần móc túi, trộm cắp trên xe bus hoặc các trạm trung chuyển xe bus ở Hà Nội đều là đối tượng vi phạm nhiều lần. Do vậy chúng rất có kinh nghiệm đối phó với lực lượng công an.

Có những trường hợp phát hiện tang vật trong người chúng nhưng không bắt được quả tang, chúng cãi là do nhặt được? Trường hợp khác, bắt quả tang hành vi móc túi nhưng tài sản giá trị nhỏ, đối tượng không rõ nhân thân, nên không thể xử lý được, chỉ phạt hành chính, lập hồ sơ theo dõi rồi tha về.

Nghị quyết 33/2009 của Quốc hội quy định không xử lý hình sự đối với tội trộm cắp khi giá trị tài sản có giá trị dưới 2 triệu đồng. Điều này vô tình tạo kẽ hở cho đối tượng trộm cắp trên xe bus vì thứ mà chúng lấy được của người đi đường thường chỉ là chiếc điện thoại cũ và chút tiền, chưa tới mức phải chịu sự trừng phạt của pháp luật.

Lực lượng công an tích cực truy bắt nhưng khi xử lý lại vướng chế tài nên loại tội phạm này vẫn nhởn nhơ. Trong khi đó hành vi của đám thanh niên này đã và đang là nỗi lo của những người hàng ngày phải sử dụng xe bus là phương tiện chính.

Nguồn XaLuan.com


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc