Home » Tiêu biểu sideshow, Văn hóa » Thời kỳ chiến loạn liên miên, Tiển phu nhân vẫn giữ yên vùng đất Lĩnh Nam

Vào thế kỷ thứ 5 Trung Quốc bước vào thời kỳ Nam – Bắc Triều, phân thành nhiều nước nhỏ xâu xé nhau, lại liên tiếp thay đổi Triều đại. Thời kỳ này ở Lĩnh Nam (vùng đất phía nam núi Ngũ Lĩnh, đất nước của người Việt xưa) có Tiển Phu Nhân nổi bật là người phụ nữ mưu lược và sáng suốt.

Dùng Nho gia thu phục các thủ lĩnh

Ở quận Cao Lương (thuộc Quảng Đông ngày nay) xưa kia vốn là trung tâm của nước Nam Việt, người Việt làm chủ và sinh sống nơi đây tạo nên nền văn hóa mang đậm bản sắc Việt. Nơi đây có Kinh đô Phiên Ngung cua nhà nước Nam Việt cổ xưa.

Họ Tiển thuộc người Việt vốn đời đời được làm thủ lĩnh người Lý ở Nam Việt. Thời Nam – Bắc Triều người Lý có đến 10 vạn hộ ở Quảng Đông. Năm 512 thời Lương Vũ Đế, Tiển gia sinh hạ được bé gái đặt tên là Tiển A Anh.

Từ bé A Anh rất thông minh, thích văn hóa Nho gia, tính tình lương thiện. Càng lớn A Anh càng thông tỏ Nho gia, đến năm 13 – 14 tuổi thì tiếng tăm của cô bé đã lan khắp vùng.

Tiển A Anh thông tỏ Nho gia, thì lại học hiểu thêm phép bày binh bố trận, thường hay khuyên nhủ người trong tộc làm điều thiện từ đó mà xây dựng được tín nghĩa trong cộng đồng người Lý.

Những tộc người Việt hay đánh lẫn nhau, anh trai của A Anh là Tiển Đĩnh làm Thứ sử châu Nam Lương tính tình ngông cường khinh người dưới, thường mang quân cướp bóc các Quận bên cạnh, dân vùng Lĩnh Nam khổ sở bởi những cuộc cướp phá này.

Tiển A Anh dùng Nho gia khuyên nhủ anh mình, lấy đức làm trọng. Tiển Đĩnh khâm phục trí tuệ của em gái mình, từ đó quan tâm đến mọi người hơn. A Anh cũng dùng Nho gia hòa giải các tộc khác, nhờ đó mà dẹp bỏ mọi oán hận, người người cùng đoàn kết với nhau. Đức hạnh của hai anh em khiến ngày càng nhiều người quy phục Tiển gia.

Thứ sử La Châu là Phùng Du đem lễ vật đến hỏi cưới cho con trai là Phùng Bảo đang giữ chức Thái thú Cao Lương. Sau khi kết hôn các nguồn sử đều gọi Tiển A Anh là Tiển phu nhân.

Tiển phu nhân

Tiển phu nhân. (Ảnh: Pv163, Wikipedia, CC BY-SA 4.0)

Tiển phu nhân sau khi kết hôn thì lấy Đạo lý “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” của Nho gia làm nguyên tắc sống. Trước tiên phải tu thân rồi mới có thể tề gia, trị quốc.

Người Hán và người Việt ở Cao Lương trước nay thường có những bất hòa, Tiển phu nhân dùng Nho gia trị quốc dẹp yên được mâu thuẫn, mối quan hệ giữa người Hán và người Việt cũng dần tốt đẹp hơn.

Thời nhà Lương dùng mưu đánh tan quân nổi loạn

Năm 548 Hải Nam Vương Hầu Cảnh khởi binh, chiếm được Kinh đô Kiến Khang, Lương Vũ Đế bị vây chặt ở Đài Thành, sang năm sau thì mất. Thứ sử Cao Châu (thuộc Quảng Đông) là Lý Thiên Sĩ không mang quân giải cứu Lương Vũ Đế, mà nhân cơ hội này nổi dậy xưng hùng, muốn lôi kéo theo Phùng Bảo theo mình.

Năm 550 Lý Thiên Sĩ cho người mời Phùng Bảo đến gặp mình bàn việc, Tiển phu nhân nói với chồng rằng nếu đồng đi thì e không có ngày về. Phùng Bảo ngạc nhiên hỏi lại thì Tiển phu nhân phân tích rằng: “Thứ sử phụng lệnh cứu viện Đài Thành, nhưng trì hoãn không xuất binh, hơn nữa vội vàng chiêu binh. Khi đánh đến Cát An, Giang Tây, thì nói rằng mắc bệnh, không tiến lên nữa. Đây là dấu hiệu mưu phản. Mời chàng đi, là muốn giữ chàng làm con tin, ép thiếp dẫn quân cùng hắn mưu phản.” Phùng Bảo hiểu ra liền hủy không đi nữa.

Sau đó Lý Thiên Sĩ công khai mưu phản, sai Đỗ Bình Lỗ đưa quân đến chặn quân cứu viện của Trầ Bá Tiên. Tiển phu nhân thấy Lý Thiên Sĩ ở Cao Châu thế cô liền lên kế hoạch đánh úp.

Tiển phu nhân bàn với chồng cho người đến báo trước với Lý Thiên Sĩ sẽ để phu nhân mang lễ vật đến, sau đấy Tiển phu nhân sẽ đưa hơn hơn nghìn tráng sĩ hóa trang mang lễ vật đến rồi bất ngờ tiến đánh. Phùng Bảo nghe bàn liền đồng ý với vợ.

Tiển phu nhân đưa hơn 1.000 tráng sĩ hóa trang gồng gánh mang lễ vật đến, Lý Thiên Sĩ đã nhân được tin từ trước, nay thấy có người gồng gánh đến thì tin tưởng cho người ra đón. Khi binh sĩ đã vào thành, Tiển phu nhân hô quân đánh. Lý Thiên Sĩ thua to phải bỏ chạy đến Ninh Đô.

Thời nhà Trần đánh bại loạn quân, vỗ yên các thủ lĩnh

Trần Bá Tiên sau khi đánh dẹp được quân phản loạn thì lên ngôi, lập ra nhà Trần vào năm 557, hiệu là Trần Vũ Đế. Đến năm 558 thì Phùng Bảo bị bệnh rồi mất, Lĩnh Nam hỗn loạn, các thủ lĩnh Nam Việt đưa quân hùng cứ một phương.

Tiển phu nhân được rất nhiều người ủng hộ, nhưng bà không dấy binh mà khuyên giải các thủ lĩnh. Các thủ lĩnh bị tấm lòng trung nghĩa của bà cảm hóa mà ngừng việc hùng cứ một phương.

Tiển phu nhân cho con trai là Phùng Phó 9 tuổi cùng các thủ lĩnh khác đến Kinh thành yết kiến Trần Vũ Đế thể hiện quy thuận. Trần Vũ Đế liền phong Phùng Phó làm Thái thú quận Dương Xuân (nay là phía tây bắc Dương Giang, tỉnh Quảng Đông) để bày tỏ sự kính trọng và tán thưởng đối với Tiển phu nhân.

Năm 569 Thứ sử Quảng Châu là Âu Dương Hột nổi dậy chống lại nhà Trần. Năm 570 Hột nói Phùng Phó đến Cao An rồi dụ dỗ cùng theo mình làm phản, đồng thời giữ Phùng Phó lại để uy hiếp buộc Tiển phu nhân phải theo mình.

Tiển phu nhân hay tin, dù con trai bị khống chế nguy hiểm đến tính mạng nhưng bà vẫn tập hợp các đội quân người Việt thảo phạt quân phản loạn. Trần Tuyên Đế cũng đưa quân đến đánh Âu Dương Hột.

Quân của Âu Dương Hột bị đánh cho tan rã, Âu Dương Hột bị bắt, con trai của Tiển phu nhân là Phùng Phó được giải cứu. Nhờ công lao của mẹ mà Phùng Phó được phong làm Tín Đô hầu. Còn Tiển phu nhân được phong làm Trung lang tướng, Thạch Long thái phu nhân, ban cho một cỗ xe 4 ngựa, một bộ nhạc cổ xuy, các thứ cờ lọng.

Thời nhà Tùy đánh bại quân phản loạn, giữ yên vùng Lĩnh Nam

Thời Nam – Bắc Triều chiến loạn liên miên, năm 581 Dương Kiên diệt nhà Trần, lập ra nhà Tùy, năm 583 thì Phùng Phó bị bệnh mà mất. Các Quận ở Lĩnh Nam đều tôn Tiển phu nhân làm thủ lĩnh Lĩnh Nam, tôn làm “Thánh mẫu”.

Tuy nhiên Tiển phu nhân muốn trăm họ an lạc, nên quyết định quy thuận nhà Tùy. Tùy Văn Đế phong bà làm Tống Khang quận Phu nhân

Năm 590 một thủ lĩnh ở Phiên Ngung (Kinh đô của nước Nam Việt xưa) nổi dậy chống Triều đình, được đông người tham gia. Quân nổi dậy tấn công giết được quan binh nhà Tùy. Tiển phu nhân cử cháu mình là Phùng Áng đánh tan quân phản loạn.

Năm ấy Tiển phu nhân dù 70 tuỗi vẫn đích thân cưỡi ngựa đến nơi khuyên nhủ các thủ lĩnh theo quân phản loạn để họ yên ổn trở về không làm loạn nữa, lại bổ nhiệm các thủ lĩnh các nơi ở Lĩnh Nam, nhờ đó mà vùng Lĩnh Nam được yên.

Sau chuyện này Tùy Văn đế phong Phùng Áng làm Thứ sử Cao Châu, phong cho Tiếu phu nhân là Tiếu Quốc phu nhân cùng rất nhiều phần thưởng khác.

Đến sau này quan lại nhà Tùy bạo ngược với bách tính Lĩnh Nam, lòng người phẫn nộ nổi dậy chống lại. Tiển phu nhân cho người đến Triều đình báo lại. Tùy Văn Đế cho điều tra ra tội phạm rồi xử tử quan tham, đồng thời nhờ Tiển phu nhân thu phục dân chúng đang nổi dậy.

Tiển phu nhân đi các nơi vỗ yên được dân chúng. Văn Đế khen ngợi, ban cho Tiển phu nhân huyện Lâm Chấn làm ấp Thang Mộc 1500 hộ.

Năm 604 Tiển phu nhân mất thọ 92 tuổi, Triều đình dùng đại lễ để đưa tiễn bà. Thời kỳ Nam – Bắc Triều là thời kỳ chiến loạn bậc nhất trong lịch sử Trung Quốc, liên tiếp thay đổi Triều đại, dân chúng cũng bị cuốn vào cuộc chiến khiến bách tính lầm than.

Thế nhưng ở Lĩnh Nam – vùng đất mà rất nhiều người Việt và người Hán sinh sống lại tương đối yên ả hơn các nơi khác, đó là nhờ sự sáng suốt của Tiển phu nhân, sống qua 3 Triều đại ba đều dùng Nho gia thu phục thủ lĩnh các phương không nổi dậy, giữ yên bình cho đời sống dân chúng.

Danh tiếng Tiển phu nhân lưu lại nghìn thu. Khi Tô Đông Pha đi ngang qua Cao Châu từng làm thơ ca ngợi Tiển phu nhân:

“Phùng Tiển cổ liệt phụ, ông ảo quốc vu tư.
Sách huân lương vũ hậu, khai phủ Tùy Văn thời.
Tam thế canh hiểm dịch, nhất tâm vô lân truy.”

Tạm dịch:

Phùng Tiễn xưa trung liệt, lòng báo quốc nay còn.
Huân công thời Lương Vũ, Tùy Văn nối tiếp son.
Ba đời lòng chẳng đổi, tấm trung trinh đâu mòn

Trần Hưng

Theo trithucvn.co

Chuyên đề: ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc