Home » Thế giới, Tiêu biểu sideshow » Cư dân mạng tố cáo quan chức Trung Quốc tham nhũng
Liên quan đế,n Trung Quốc, báo Le Figaro hôm nay có bài đề tựa : « Những người đấu tranh cho công lý trên mạng Internet ở Trung Quốc », phản ánh việc tiếng nói của cư dân mạng ngày càng có tác dụng trong phong trào đấu tranh chống tiêu cực ở đất nước này. Thành phần này gồm đủ tầng lớp, từ người nổi tiếng đến sinh viên, công nhân, doanh nhân.

Cư dân mạng dùng thông tin để bênh vực người thấp cổ bé miệng (© Reuters)

Một trong những lĩnh vực bị cư dân mạng tấn công mạnh nhất là tình trạng tham nhũng và lãng phí của quan chức địa phương, một đại dịch nguy hiểm mà ngay cả chính quyền Bắc Kinh cũng thừa nhận. Điển hình như việc một nữ nhân viên trẻ trong một spa ở tỉnh Hồ Bắc đã dùng dao đâm chết một quan chức cấp cao địa phương khi bị người này ép « phục vụ đặc biệt ». Sau đó, hàng triệu dân mạng đã lên tiếng bênh vực cô ta và cuối cùng, cô được trắng án. Cư dân mạng vui mừng thốt lên : « Đó là một thắng lợi của quần chúng », còn một luật sư thì nhận định : « Nếu không nhờ áp lực của quần chúng, thì đã không có được bản án như vậy ».

Những người đấu tranh trên mạng này gồm đủ tầng lớp. Họ có mục tiêu chung là đấu tranh chống các tiêu cực trong xã hội, từ tố cáo tham nhũng đến bảo vệ môi trường, rồi đến việc bảo vệ người thấp cổ bé miệng trước tiêu cực của chính quyền địa phương.

Chuyên gia về Internet Trung Quốc ông Renaud Spens nhận định : « Những người này dù không có thẻ nhà báo, nhưng họ có hàng trăm nghìn độc giả. Dù không tham gia trực tiếp các phiên xử của tòa án, nhưng thực tế họ đang tham gia vào công cuộc xây dựng một nhà nước pháp quyền ở Trung Quốc. Đa số sử dụng tên giả, nhưng cũng có một vài người can đảm không hề dấu nhân thân.

Sức ép của dư luận mạng đã ra một luồng gió mới cho quá trình tìm công lý ở Trung Quốc. Có khi chính quyền địa phương phản ứng bằng cách nhờ dân mạng điều tra. Như ở tỉnh Vân Nam, vào tháng 3 năm 2009, cảnh sát thông báo một nam phạm nhân 18 tuổi đã chết khi chơi trò trốn tìm với bạn tù. Lập tức dân mạng lên tiếng. Trưởng ban tuyên giáo Vân Nam sau đó đã kêu gọi dân mạng điều tra vụ việc.

Có những địa phương tìm cách kiểm soát tình hình. Như ở tỉnh Giang Tô, có nơi qui định mức phạt đến 5 000 nhân tệ cho những ai đăng thông tin cá nhân lên mạng khi chưa được phép. Người vu khống sẽ bị cấm sử dụng Internet 6 tháng.

Ngày 1 tháng 7 vừa qua, một đạo luật mới đã bắt đầu chính thức có hiệu lực. Điều 36 bộ luật này quy định về những xâm phạm đời tư trên Internet. Thế nhưng, chính phủ Trung quốc tỏ ra khá dè dặt trong việc cấm « tấn công trên mạng », bởi họ biết đó là một phương tiện theo dõi gián tiếp chính quyền địa phương. Và luật mới này cũng chỉ cho phép tấn công « trong khuôn khổ pháp luật ». Gần đây, chính quyền tỉnh Chiết Giang đề xuất quy định cấm hoàn toàn việc « tấn công trên mạng », nhưng hội đồng nhân tỉnh đã không thông qua.

Le Figaro kết luận : Chính phủ Bắc Kinh vẫn phân vân. Họ nhận thức được rằng Internet hiện tại là một không gian tự do cần thiết để ổn định xã hội. Thế nhưng, họ cũng lo lắng sẽ không kiểm soát được tình hình trước lực lượng quá đông đảo này.

Bình Nhưỡng đầu tư vào công nghệ thông tin

Từ đầu năm nay, chủ đề chính trong chiến dịch tuyên truyền của nhà nước Bắc Triều Tiên là « công nghệ hiện đại ». Bình Nhưỡng xem việc đầu tư cho công nghệ thông tin như là phương thuốc thần kỳ để chấn hưng kinh tế. Nhật báo Le Monde phân tích hiện tượng này với bài viết : « Bắc Triều Tiên đang hướng tới sự phát triển kỳ diệu ».

Tờ báo cho biết, năm nay, Bắc Triều Tiên bị thiếu lương thực bằng với mức năm 2009 : thiếu 1 triệu tấn. Theo các chuyên gia nước ngoài làm việc ở nước này, thì vấn đề chất lượng lương thực còn tệ hại hơn : Thiếu dinh dưỡng là nguyên nhân chính khiến tỷ lệ tử vong ở trẻ em và sản phụ ở mức cao, và cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các căn bệnh truyền nhiễm lan tràn.

Tuy vậy, theo Tân Hoa Xã, trong quý một năm nay, sản xuất công nghiệp Bắc Triều Tiên tăng 16% so với cùng kỳ năm 2009. Nguyên nhân chính là nhờ vào khai thác quặng kim loại hiếm và việc hiện đại hóa công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng. Chính phủ còn muốn tái phát triển ngành công nghiệp nhẹ để ngăn bớt sự xâm nhập của hàng Trung Quốc.

Le Monde đặt câu hỏi : Liệu công nghệ mũi nhọn có thể giúp cải thiện hay không tình hình kinh tế, một điều kiện để quá trình chuyển giao quyền lực từ Kim Jong-ll cho con trai là Kim Jong-un được diễn ra êm thắm ? Việc tập trung đầu tư trong lĩnh vực tin học đã cho thấy quyết tâm của chính phủ. Viện Tin học thuộc Đại học Công Nghệ Kim Chek ở Bình Nhưỡng hiện có 15 000 học viên, trong đó có 2 000 đăng ký chuyên ngành công nghệ thông tin. Đây là một cơ sở đào tào hiện đại, được nối mạng với các trường đại học và viện nghiên cứu khác trên cả nước. Theo ông giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Triều Tiên của Hoa Kỳ, người tham gia giảng dạy ở Đại học Kim Chek, thì đây là một cơ sở đào tạo « tiên tiến trong lĩnh vực công nghệ thông tin ».

Bắc TriềuTiên cũng sở hữu một hệ thống phần mềm riêng, mang tên « Ngôi sao đỏ », có thể so sánh với phần mềm Microsoft Windows. Ngoài ra, nước này còn có một thư viện điện tử với 1 500 tài liệu, trong đó có cả những tác phẩm kinh điển của phương tây.

Tháng 9 rồi, Trường Đại học Khoa học Công Nghệ Bình Nhưỡng đã ra đời. Khu học xá có diện tích lên đến 100 hecta, cách thủ đô chừng 20 cây số, với trang thiết bị hiện đại. Đây là cơ sở đào tạo tư nhân đầu tiên ở Bắc Triều Tiền, do người Băc Triều Tiên sống ở Hàn Quốc và Mỹ đầu tư.

Nhận định về việc này, một chuyên gia thuộc Đại học Kookmin ở Seoul cho rằng : « Giới cầm quyền Bắc Triều Tiên đặt quá nhiều hy vọng vào công nghệ hiện đại. Nhưng, nên nhớ rằng, vào những năm 1970, Liên Xô cũng từng như vậy, và kết quả là họ đã bị thất vọng ».

Le Monde kết luận : Công nghệ mới là con dao hai lưỡi. Nó có thể giúp Bắc Triều Tiên vực dậy nền kinh tế, nhưng đồng thời cũng tạo thuận lợi cho việc phát tán thông tin ra thế giới bên ngoài, trong khi đó đất nước này vốn bị cắt thông tin với bên ngoài từ hơn 50 năm nay.

Mông Cổ, tiểu vương quốc thảo nguyên nhờ tài nguyên dồi dào

Từ năm 2000, Mông Cổ đã liên tục thăm dò và phát hiện các khu quặng mỏ với đủ chủng loại : than, đồng, sắt, uranium, nickel, vàng, bạc và đặc biệt là đất hiếm, một nguyên liệu tối quan trọng của ngành công nghiệp điện tử.

Tờ báo cho biết, lĩnh vực khai thác mỏ có thể sẽ thay thể ngành nông nghiệp để trở thành đầu tàu kinh tế của đất nước. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã tìm đến làm ăn tại Mông Cổ. Trong số đó phải kể đến Trung Quốc và Nga. Trung Quốc chiếm 73% xuất khẩu của Mông Cổ. Nga là nhà cung cấp dầu hỏa, điện và ngủ cốc số một cho nước này.

Nguồn tài nguyên dồi dào này không chỉ mang đến cho Mông Cổ niềm vui, mà bên cạnh cũng gợi lên nhiều vấn đề cần giải quyết. Trước tiên là việc tránh nguy cơ quá lệ thuộc vào nguồn tài nguyên thiên nhiên. Rồi việc sử dụng thế nào có hiệu quả nguồn lợi khổng lồ này. Quan chức trong ngành mỏ rất giàu có và sống đời « vương giả », xài những túi xách hiệu Vuitton giá đến 3200 euro . Trong khi đó, 40% người dân sống dưới mức 2 đô la một ngày. Chính phủ cũng đã tiến hành những biện pháp nhằm đảm bảo sự phân bố tài sản xã hội một cách công bằng. Thế nhưng, các chuyên gia kinh tế cho rằng, vấn đề quan trọng hơn là phải « đa dạng hóa nền kinh tế ».

Người hiện đại có tổ tiên gốc Á Châu ?

Ở miền Nam Trung Quốc, một ê kíp các nhà khảo cổ Trung Quốc và Mỹ đã tìm thấy một bộ xương hàm dưới và hai chiếc răng người hóa thạch. Theo đánh giá ban đầu, niên đại các hóa thạch này có thể lên đến 100 000 năm.

Từ trước đến nay, chưa từng có di chỉ nào được tìm thấy ở Đông Á có niên đại lâu đến vậy. Các di chỉ tìm được trước phát hiện này ở Đông Á cũng chỉ có niên đại 40 000 năm. Theo thuyết « Out of Africa », thì « tất cả người hiện đại đều có cội nguồn trực tiếp từ Châu Phi ». Trong khi với phát hiện này, người ta có thể tin rằng người hiện đại phát xuất từ Châu Á.

Theo một nhà nghiên cứu Đức nhận định : Nếu đúng là 100 000 năm, thì quả là một phát hiện chấn động. Nhưng, nên nhớ rằng, đã nhiều lần các nhà khảo cổ Trung Quốc tìm thấy những di chỉ người hiện đại có niên đại rất lâu, nhưng rốt cuộc sau đó lại phát hiện ra rằng niên đại công bố là không chính xác .

Theo tin rfi

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc