Home » Thời nay, Văn hóa » Người Việt ngày nay có lễ phép hay không?
Ngày nay, những người trẻ tuổi, kể cả thanh thiếu niên hay nhi đồng nói chuyện với người lớn, rất nhiều người đã không còn thưa gửi gì cả.

Hình ảnh nghệ sĩ hài Xuân Bắc và chương trình Đồ-Rê-Mí

Nhân chuyện xem chương trình “Đồ-Rê-Mí” được phát sóng trên VTV3 khá thường xuyên. Đây là chương trình với câu khẩu hiệu “Ươm mầm tài năng âm nhạc”. Với người dẫn chương trình là anh Xuân Bắc – nghệ sĩ hài nổi tiếng và được rất nhiều trẻ em trên khắp mọi miền đất nước yêu thích.

“Đồ-Rê-Mí” được rất nhiều người lớn và trẻ em theo dõi. Được biết chương trình này có ý tưởng mang tính giáo dục rất cao và được nhiều người hưởng ứng. Tuy nhiên, nếu để ý lắng nghe những mẩu đối thoại giữa anh Xuân Bắc với các em nhỏ thì có lẽ có nhiều điều chúng ta cần phải suy nghĩ.

Trong lúc anh Xuân Bắc hỏi những câu hỏi khá thú vị và rất gợi mở cho các em trong khi trò chuyện qua điện thoại, thì rất thường xuyên chúng ta được nghe câu đáp lại từ các em rất cụt ngủn.

Chẳng hạn như: “Cháu học lớp mấy rồi?” – “Lớp 4”. Hay là “Cháu mấy tuổi rồi?” – “8 tuổi.” (Ví dụ)… Rất nhiều lần chúng ta không nghe thấy “thưa chú” hay “ạ” ở cuối mỗi câu trả lời.

Có người tỏ ra không đồng tình: “Không hiểu lý do tại sao trên truyền hình mà lại có cách giao tiếp như vậy?”.

Ngoài xã hội thì sao? Còn nhớ, Phó Giáo sư – Tiến sĩ Phạm Thanh Tâm – Viện văn hóa, Đại học Văn hóa Hà Nội (cô là người đang thực hiện nhiều chương trình dạy kỹ năng sống cho lớp trẻ Việt Nam) có lần trò chuyện với Tamnhin.net cũng cho rằng, ngày nay rất ít khi được nghe trẻ con xưng hô thưa gửi với người lớn tuổi.

Chính những lý do đó, mà những chương trình như “Đồ-Rê-Mí” rất cần thiết để chúng ta giáo dục, hướng cho trẻ em ngày nay những kỹ năng sống, cách ứng xử giao tiếp tốt đẹp hơn. Hơn nữa những mẩu đối thoại này lại được phát đi trên sóng truyền hình, tác động của nó chắc hẳn là rất lớn. Vậy những kiểu trò chuyện như vậy liệu có thể đem lại điều gì cho những người trẻ tuổi?

Thiết nghĩ, mỗi khi phát chương trình “Đồ-Rê-Mí”, những người làm chương trình cũng nên có hướng dẫn cụ thể cho các cháu bé để có cách nói chuyện lễ phép hơn và thưa gửi đầy đủ hơn. Chương trình là ươm mầm tài năng âm nhạc. Liệu có thể chỉ vì chú trọng ươm mầm tài năng mà bỏ qua giáo dục ứng xử, nói năng?

Cha ông cũng đã nói: “Tiên học lễ, hậu học văn”. Chúng ta có đang làm đúng điều đó hay chưa?

Theo tamnhin.net


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc