Home » Tiêu biểu sideshow, Xã hội » Nở rộ dự án nhà giá rẻ
Trong bối cảnh loại căn hộ trung, cao cấp đang bị “thất sủng”, các doanh nghiệp đang chuyển hướng đầu tư vào phân khúc nhà ở giá rẻ.

Những căn hộ đầu tiên trong quỹ nhà xã hội của Hà Nội vừa ra mắt
Những căn hộ đầu tiên trong quỹ nhà xã hội của Hà Nội vừa ra mắt

Sự kiện Hà Nội trình làng quỹ nhà ở xã hội với 515 căn hộ đầu tiên ở Khu đô thị mới Việt Hưng và gần 2.000 hồ sơ đăng ký tranh mua 382 căn hộ giá rẻ ở đường Ngô Thì Nhậm, quận Hà Đông đã làm “nóng” cuộc chạy đua chiếm lĩnh thị trường nhà ở bình dân trong năm 2011.

Khởi công liên tiếp

Ngoài dự án nhà ở thu nhập thấp tại đường Ngô Thì Nhậm, liên danh công ty Cổ phần bê tông và xây dựng Vinaconex Xuân Mai và công ty Cổ phần xây dựng số 21 Vinaconex đã khởi công dự án xây dựng 5 tòa nhà cho người thu nhập thấp tại phường Kiến Hưng, quận Hà Đông. Với quy mô mỗi tòa nhà cao 19 tầng và 1 tầng hầm, dự án cung cấp tổng cộng 1.512 căn hộ, có diện tích bình quân 70m2/căn. Toàn bộ tổng vốn đầu tư hơn 948 tỷ đồng, do chủ đầu tư tự huy động.

Không chịu chậm chân, tổng công ty Viglacera (thuộc tập đoàn Phát triển nhà và đô thị) cũng vừa khởi công xây dựng 10 tòa nhà chung cư cao 12 tầng tại Khu đô thị Đặng Xá (Gia Lâm) dành cho người thu nhập thấp. Với tổng diện tích sàn xây dựng 85.000m2, dự án sẽ cung cấp 1.000 căn hộ sau 18 tháng thi công, đáp ứng chỗ ở cho 4.000 người. Đặc biệt, toàn bộ khâu thiết kế, thi công, cung cấp nguyên vật liệu đều do Viglacera thực hiện nên giá bán dự kiến sẽ dưới 10 triệu đồng/m2. Thêm vào đó, những căn hộ này nằm trong tổng thể khu đô thị được xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, xã hội nên người dân được hưởng mọi tiện ích của một khu đô thị hoàn chỉnh.

Cũng trong đợt này, tổng công ty Đầu tư phát triển nhà Hà Nội khởi công xây dựng 840 căn hộ dành cho người thu nhập thấp tại Khu đô thị mới Sài Đồng (quận Long Biên). Dự kiến, các căn hộ này sẽ hoàn thành trong quý III/2012, đáp ứng chỗ ở cho hơn 3.200 người. Ngoài ra còn phải kể đến hàng loạt dự án đang trong quá trình chuẩn bị như dự án nhà ở xã hội của Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị (HUD) tại Khu đô thị Thanh Lâm – Đại Thịnh (huyện Mê Linh) dự kiến khởi công trong tháng 10 – 11/2010, với quy mô 4000 căn hộ; dự án của Liên danh Vinaconex-Hancico tại Bắc An Khánh (Hoài Đức) với quy mô 10.000 căn hộ, dự kiến khởi công cuối năm nay; dự án nhà ở tái định cư và nhà ở xã hội tại quỹ đất 20% Khu đô thị Nam Thăng Long của Tổng công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị (UDIC)…

Bình luận về trào lưu mới này, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Quốc Tuấn cho biết, số lượng các dự án có thể còn tiếp tục tăng bởi nhu cầu còn rất lớn. Vị Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho hay, mục tiêu của thành phố là đến năm 2015 xây dựng 15.500 căn hộ dành cho người thu nhập thấp (tương ứng 1,1 – 1,5 triệu mét vuông sàn, với tổng mức đầu tư 7.000 – 9.000 tỷ đồng) và hơn 28.750 căn hộ (tương ứng 1,6 triệu mét vuông sàn, tổng mức đầu tư hơn 8.000 tỷ đồng), đáp ứng chỗ ở cho 50% công nhân đang làm việc tại các khu công nghiệp. “Căn cứ số lượng dự án đăng ký, khởi công (không tính đến dự án chưa xác định quy mô), mục tiêu trên nằm trong tầm tay. Ước tính, đến năm 2015, Hà Nội có thể xây dựng khoảng 25.000 căn hộ, đáp ứng chỗ ở cho 100.000 người”, ông Tuấn đoan chắc.

Xu hướng tất yếu

Nghiên cứu về thị trường của Bộ Xây dựng mới đây cho biết, hàng hóa bất động sản, nhất là nhà ở trong thời điểm hiện tại có cơ cấu bất hợp lý. Trong nhiều năm qua, các doanh nghiệp chủ yếu đầu tư xây dựng loại nhà trung – cao cấp, diện tích rộng và giá thành lớn chỉ phù hợp với đối tượng có thu nhập cao, trong khi đó nhu cầu và khả năng của phân khúc thị trường này chỉ chiếm khoảng 5% thị trường nhà ở. Có cách nhìn tương tự, ông Đặng Hoàng Huy, Tổng giám đốc Vinaconex Xuân Mai – chủ đầu tư dự án nhà thu nhập thấp tại quận Hà Đông, nhìn nhận, nhu cầu mua loại nhà giá rẻ là rất lớn và sẽ còn “nóng” trong nhiều năm tới. Do đó, việc các doanh nghiệp dần đổ xô vào phân khúc nhà giá rẻ là điều tất yếu.

Ông Trần Minh Quý – Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị cũng cho rằng, khi thị trường suy giảm, doanh nghiệp nên hướng tới sản phẩm vừa túi tiền của người dân. Ông Quý giải thích: “Mặt bằng giá căn hộ hiện ở mức cao vì theo chính sách đất đai mới, tiền sử dụng đất doanh nghiệp phải nộp cho Nhà nước tăng mạnh. Cộng thêm ảnh hưởng từ khủng hoảng kinh tế, sức mua yếu đi nhiều. Chúng tôi đề nghị thành phố cho phép triển khai dự án nhà thu nhập thấp”. Các doanh nghiệp cho rằng, khái niệm “nhà giá rẻ” được hiểu là nhà có diện tích 40 – 60m2, có chất lượng tốt về kết cấu, song vật tư, thiết bị chủ yếu là hàng Việt Nam. Do đó, giá bán chỉ từ 10 – 12 triệu đồng/m2. Thậm chí, mức giá có thể thấp hơn nữa nếu thị trường nguyên vật liệu tiếp tục giảm giá.

Số lượng các dự án nhà ở cho người thu nhập thấp sẽ còn tiếp tục tăng bởi nhu cầu còn rất lớn

Một số nhà đầu tư nhận định, doanh nghiệp sẽ phải đi theo mô hình nhà cho người thu nhập thấp trong một khoảng thời gian hàng chục năm nữa, khi thu nhập của người dân nhìn chung vẫn còn ở mức trung bình thấp. “Thậm chí, đối với một kỹ sư mới ra trường hoặc hai vợ chồng trẻ lập nghiệp ở thành thị thì diện tích 40m2/căn hộ là lý tưởng. Số lượng những gia đình như thế đang chiếm đa số, vậy tại sao không tập trung xây dựng nhà ở để bán cho các đối tượng này trước” – đại diện một doanh nghiệp nói.

Ngân hàng cần sớm mở hầu bao

Ghi nhận các dự án nhà ở xã hội, nhà thu nhập thấp sẽ tiếp tục là tâm điểm phát triển của thị trường bất động sản trong năm 2011, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Cao Lại Quang cho biết, để giải bài toán vốn cho các dự án, Bộ Xây dựng đã có văn bản thống nhất đề xuất danh mục các dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân và người có thu nhập thấp tại đô thị cần được hỗ trợ. Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) cũng đã có văn bản về chủ trương tiếp nhận thẩm định cho vay.

Tuy nhiên, đến nay, 43 dự án (11 dự án nhà ở công nhân và 32 dự án nhà ở thu nhập thấp tại khu vực đô thị với tổng mức đề nghị được vay là 6.600 tỷ đồng) vẫn chưa được VDB thẩm định xong, nên chưa có dự án nào được giải ngân. Lãnh đạo Bộ Xây dựng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành sớm hoàn thiện các cơ chế, chính sách ưu đãi thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp tham gia đầu tư, cũng như tìm nguồn vốn vay ưu đãi bổ sung để đẩy nhanh tiến độ chương trình. Đồng thời, Bộ cũng kiến nghị Chính phủ phân bổ nguồn và số vốn cụ thể hàng năm cho chương trình để VDB chủ động cho các chủ đầu tư dự án vay cho kịp tiến độ triển khai.

Theo xaluan

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc