Giao lộ định mệnh, một bộ phim cách đây không lâu đã từng nhận biết bao lời khen tặng của báo giới, của khán giả nói chung nay đứng trước một “bí mật” vừa được phanh phui: Giống phim Shattered.

Phim Shattered chiếu từ năm 1991 bên Mỹ, còn phim Giao lộ định mệnh làm tại Việt Nam mới đây lại “giống nhau đến bất ngờ” mà bất ngờ hơn nữa, còn có người phát hiện! Lẽ tất nhiên là không thể nói lấy được: phim Shattered… giống phim Giao lộ định mệnh. Vậy thì phải nghĩ sao cho đúng đây?

Đạo diễn Victor Vũ. Ảnh: C.T.V

Đạo diễn Victor Vũ. Ảnh: C.T.V

Tường thuật lại cuộc họp báo của đạo diễn Victor Vũ, mục đích là để giải thích những nghi vấn “đạo nhái” gây bùng phát dư luận không tốt mấy ngày qua, nhiều báo không bình luận gì, nhưng cũng có đồng nghiệp khen Victor Vũ phát biểu chân thành. Trong trường hợp “khó nói” này, sự chân thành e rằng cũng không cứu gỡ nổi. Là người viết kịch bản (cùng với một người khác tên Hồng Phúc), Victor Vũ phải thừa nhận hai phim rất giống nhau, không chỉ về nội dung tổng quát mà còn về tình huống, về đường dây câu chuyện.

Thậm chí còn giống đến một số tình tiết nhỏ, khiến chính anh phải… run người khi tận mắt so sánh giữa hai phim, như: vết sẹo của nhân vật, cách cầm gậy của nhân vật, chuyện ngoại tình với cô thư ký… Ai cũng biết, để cái bàn trước mặt nhiều người rồi đề nghị tất cả cùng mô tả cái bàn, cùng viết về “cảm nhận” đối với cái bàn, chắc chắn sẽ không thể có hai bài viết giống nhau đến từng chi tiết!

Sự thật đến giờ phút này là Giao lộ định mệnh quá giống Shattered mà không cách gì bào chữa cho thuận tai, khiến những lời khen tặng trước đây dành cho bộ phim “mang hơi thở mới cho làng phim Việt” này đổ sụm tan tành. Theo đó, trái tim người hâm mộ đạo diễn “ảnh hưởng trường phái Alfred Hitchcock” cũng tan nát, vì đã trót thương yêu anh qua bộ phim đang chịu nhiều tai tiếng.

Còn nhớ, khi Giao lộ định mệnh vừa công chiếu, trên một tờ báo có bài viết “Rùng rợn khi xem phim Giao lộ định mệnh”, trong đó có một câu mà bây giờ đọc lại thấy “cảm giác mạnh”: “Khán giả sẽ cảm thấy bất ngờ, không chỉ vì mình bị đạo diễn lừa quá dễ dàng…”. Tất nhiên, khi ấy viết như thế là khen, nhưng lúc này lại khác rồi.

Victor Vũ có thể nói phim Hollywood thường có một số dạng khuôn mẫu (chẳng hạn như khuôn mẫu của dạng phim theo trường phái Hitchcock), dựa vào đó mà các nhà làm phim sắp đặt, thêm thắt đường dây, tình tiết câu chuyện để phát triển nội dung phim cho hấp dẫn, lôi cuốn. Như thế cũng có nghĩa là Victor Vũ tự “biện hộ”.

Khi được đặt trước tình huống, nếu Giao lộ định mệnh vẫn đem ra phát hành ở nước ngoài như kế hoạch đã định, “phía bên kia” xem được sẽ kiện anh về bản quyền thì Victor Vũ cho biết: “Tôi có cảm giác họ cũng sẽ… hiểu và… thông cảm cho tôi về sự trùng hợp này”. Thật vậy không?

Về phía khán giả Việt Nam, chuyện phim Việt “phóng tác” phim nước ngoài hoặc “Việt hóa” phim nước ngoài đã trở thành điều “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”, thậm chí ghi rõ như vậy mà chất lượng phim vẫn chẳng ra làm sao so với bản gốc. Cho nên sự cố của Giao lộ định mệnh khiến họ có cảm giác bị nhà làm phim Việt kiều này xem thường. Tiếc gì một dòng chữ “phim phóng tác”, “phim dựa trên cảm hứng…”, nếu sự thật đúng là như thế.

Nói nền điện ảnh Việt Nam thì hơi to tát, gọn lại một chút là phim ảnh Việt Nam đang rất cần những con người yêu điện ảnh, làm ra những bộ phim thực sự là sản phẩm của chính mình, mang hồn cốt của mình. Khi chưa đủ lực, tạm thời phải vay mượn của ai đó thì dũng cảm đối diện với thực tế. Đừng tỏ ra xem thường khán giả!

Ý tưởng không bao giờ cạn, nhưng khổ nỗi, đâu phải lúc nào cũng nảy ra được ý tưởng, nhất là ý tưởng độc đáo. Cho nên việc học tập, học hỏi, bắt chước có chọn lọc là một trong những điều kiện cần thiết để phim Việt Nam hay dần lên trong mắt người xem, đưa tên tuổi của ai đó lên tầm cao mới. Mà để được như vậy, nhà làm phim còn phải biết thành thật nữa! Thành thật là “passport to love” (Chuyện tình xa xứ – tên một bộ phim của Victor Vũ) của những nghệ sĩ muốn đi vào lòng người hâm mộ.

Bạch Mai

Theo nld


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc