Home » Tiêu biểu sideshow, Văn hóa » Văn hóa Thần truyền: Đạo lý quân tử là ở chỗ Đức sáng
Khổng Tử luận bàn về quân tử

Khổng Tử là người nước Lỗ thời Xuân Thu (nay là Khúc Phụ, Sơn Đông), là nhà giáo dục, nhà tư tưởng đồng thời là một chính trị gia vĩ đại trong lịch sử Trung Quốc. Ông đã khởi xướng học thuyết tế thế an bang của nhà Nho, suốt đời cống hiến cho sự nghiệp phát huy đạo đức và nền chính trị nhân từ, dẫu nhiều lần nếm trải gian nan lận đận nhưng quyết chí không thay đổi. Ông theo đuổi chân lý và lý tưởng, cố gắng hoàn mỹ nhân cách, sự chính trực, thiện lương, khiêm nhường, lễ nghĩa, sự trung thành với đất nước và sự quan tâm đến muôn dân, đều ảnh hưởng sâu sắc tới các học trò của ông cũng như người đời sau. Dưới đây là mấy câu chuyện xưa kể về chuyện Khổng Tử dạy học trò trở thành người chính nhân quân tử.

Quân tử dùng kiếm tự vệ chăng?

Tử Lộ lần đầu gặp Khổng Tử xin theo học. Anh ta mặc quân phục, cùng toàn bộ trang bị quân sự tới bái kiến thầy giáo. Vừa nhìn thấy thầy giáo, liền rút kiếm ra múa vun vút, hỏi: “Thầy giáo, thời xưa quân tử cũng dùng kiếm để tự vệ nhỉ?”.

Khổng Tử đáp: “Quân tử ngày xưa lấy trung nghĩa làm mục tiêu cả đời theo đuổi, dùng lòng nhân từ để làm hộ vệ cho mình, không ra khỏi cửa mà biết việc lớn xa ngoài ngàn dặm. Gặp người không tốt, thì dùng lòng trung tín để cảm hóa. Gặp kẻ chuyên quấy nhiễu, thì dùng nhân nghĩa mà làm họ yên. Như vậy, còn cần cầm kiếm dùng vũ lực nữa không?”.

Tử Lộ nghe xong vô cùng kính nể, cảm khái nói: “A! Hôm nay tôi mới được nghe những lời như thế này. Tôi nguyện từ nay về sau, thành tâm cung kính xin Ngài chỉ giáo!”.

Khổng Tử khi vừa mới bắt đầu dạy Tử Lộ thì đã gieo ngay hạt giống “Nhân” cho anh ta rồi, có thể nói là cẩn thận ngay từ đầu. Tử Lộ đi theo Khổng Tử suốt, cảnh giới tư tưởng cũng không ngừng được nâng lên.

Theo minhhue


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc