Home » Kinh doanh » Vàng: Đang hấp dẫn hay rủi ro?
Với việc tỉ giá tăng mạnh trong những ngày gần đây (ngày 30.9, tỉ giá đã tăng 1,8% lên 19.700 trên thị trường tự do); tương đương cao hơn 1% so với trần tỉ giá quy định. Thêm vào đó, với mức lãi suất huy động USD (hiện khoảng 4,5%/năm) thì USD đang được coi là kênh đầu tư hấp dẫn.

Tuy nhiên, theo một số ý kiến, sự hấp dẫn của USD sẽ giảm đi bởi sắp tới lãi suất USD có thể sẽ giảm, bởi theo như văn bản chính thức kêu gọi giảm lãi suất huy động và cho vay thì sau khi một vài bất cập trong cơ chế huy động vốn đã được cơ quan quản lý điều chỉnh, tạo điều kiện để tăng nguồn vốn huy động, có cơ sở để giảm lãi suất cho vay cả đối với VND và USD. Như vậy, việc cho rằng vàng đang càng trở nên hấp dẫn hơn cũng không phải không có cơ sở.

Hấp dẫn từ lợi nhuận kép

Cơ sở này dự trên diễn biến của vàng trong thời gian qua đặc biệt kể từ ngày 13.9 tới nay. Giá vàng thế giới liên tục thiết lập kỷ lục và trong phiên giao dịch cuối tuần qua giá vàng thế giới lại một lần nữa thiết lập kỷ lục mới 1.320USD/ounce, tăng 0,69%. Và như vậy, tính chung trong tháng qua vàng thế giới tăng giá đến 5,96%. Giá vàng trong nước theo đó cũng liên tục tăng cao. Giá vàng trong nước phiên cuối tuần cũng tăng theo giá thế giới thêm tới 300.000 đồng/lượng và vọt lên mức kỷ lục là 31,53 triệu đồng/lượng. Và như vậy, trong tháng qua, giá vàng trong nước đã tăng thêm 7,75%, cao hơn mức tăng của giá vàng thế giới.

Thêm vào đó, sau một thời gian coi nhẹ vàng, giữa tháng 9 vừa qua các NH trong làn sóng tăng lãi suất đã đẩy lãi suất huy động vàng từ mức 0% tới 0,2% lên mức 0,8% tới 1% thậm chí lên 1,5%năm (tăng tới hơn 400%). Như vậy chỉ trong tháng qua, lợi nhuận kép từ vàng đã lên tới con số gần 10%. Bên cạnh đó, các NH đang được kêu gọi hưởng ứng việc giảm lãi suất cả cho vay và huy động theo VND và USD, trong khi vàng gần như được đứng ngoài cuộc. Chính vì vậy, có ý kiến cho rằng, nếu lãi suất VND và USD bị “kẹt” thì có thể các NH sẽ quay ra đẩy lãi suất vàng lên cao hơn mức hiện nay.

Vàng rủi ro nhất?

Tuy có mức lợi nhuận hấp dẫn, song khác với sự chuyên nghiệp của thị trường chứng khoán, thị trường vàng xưa nay được coi là có độ rủi ro cao. Rủi ro này bắt nguồn từ nhiều phía. Việt Nam không phải là nước khai thác và sản xuất được vàng. Do đó, vàng chủ yếu được nhập khẩu từ nước ngoài. Vì vậy, diễn biến từ thị trường vàng thế giới – yếu tố nằm ngoài sự kiểm soát của các cơ quan quản lý, rất khó dự báo. Giá vàng trong nước hiện được các DN vàng tính theo công thức:

Giá vàng trong nước = giá vàng thế giới quy đổi theo tỉ giá + thuế nhập khẩu + phí gia công + các loại phụ phí khác + yếu tố cung – cầu.

Trong đó, cung – cầu là yếu tố khó có thể định lượng. Và đã có lúc, yếu tố cung – cầu này được cho là nguyên khiến giá vàng trong nước lúc cao hơn, lúc chậm hơn và lúc ngang bằng với giá vàng thế giới. Thậm chí, đây cũng là yếu tố để các DN tự ý điều chỉnh mức chênh lệch giá mua – giá bán với giải thích là nhằm kích thích giao dịch. Thêm vào đó, do phải nhập khẩu bằng ngoại tệ, nên khi quy đổi, giá vàng còn gánh thêm rủi ro từ tỉ giá – vốn đã có nhiều diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó, họat động đầu tư vàng miếng hiện nay của người dân chủ yếu được dựa trên việc “nghe ngóng” giá vàng thế giới cộng với việc phân tích các chỉ số kinh tế vĩ mô như lạm phát, tăng trưởng, chính sách tiền tệ… Hiện đã có một số Cty kinh doanh vàng bạc đưa ra bản tin về giá vàng trong nước và thế giới kèm theo một vài nhận định. Tuy nhiên, hầu hết vẫn chỉ mang tính thông tin chung chung mà chưa có được những phân tích thực sự sâu sắc, cập nhật và chưa chứa đựng được yếu tố định hướng thị trường.

Có ý kiến cho rằng, ngoài một số Cty kinh doanh vàng bạc lớn có bộ phận phân tích đầu tư mang tính chuyên nghiệp, còn lại rất nhiều đối tượng khác tham gia thị trường như người cầm gậy dò đường. Trong khi đó, các công cụ pháp lý quản lý thị trường vàng trong nước hiện vẫn chưa hoàn thiện và chưa biết tới khi nào mới được hoàn thiện. Sàn vàng sau một thời gian họat động cũng đã bị cấm do chứa đựng yếu tố rủi ro và do công cụ quản lý chưa hoàn thiện. Mới đây, một vấn đề rộ lên là việc gian lận tuổi vàng. Người dân bỏ tiền thật nhưng lại mua phải vàng “giả”- vàng không đủ tuổi theo niêm yết vì hiện chưa có một đầu mối kiểm định tuổi vàng nào đủ uy tín được toàn thị trường chấp nhận. Nên có hiện tượng, cũng là vàng nhưng mua ở Cty A mà bán ở Cty B thì sẽ phải chấp nhận lùi đi mấy giá.

Trong những ngày qua, khi giá vàng thế giới tiếp tục thiết lập kỷ lục mới, giá vàng vật chất trong nước cũng được điều chỉnh linh hoạt theo. Tuy nhiên, tốc độ điều chỉnh của các Cty kinh doanh vàng trong nước lại không đồng điệu với giá vàng thế giới, lúc nhanh hơn lúc chậm hơn khiến cho thị trường vàng theo đánh giá của Cty vàng bạc SBJ là trở nên khó lường. Chính vì vậy, nhiều nhà đầu tư đã tỏ ra thận trọng hơn với mỗi quyết định đầu tư của mình.

Tăng giá mua vào USD

Tỉ giá mua vào tiền mặt giữa VND/USD vừa được Vietcombank tăng lên tới 19.490 VND/USD, tăng thêm 25 đơn vị. Như vậy, sau một thời gian dài kể từ khi NHNN điểu chỉnh tăng biên độ thêm 2%, tỉ giá giữa mua vào tiền mặt – chuyển khoản được NH này giữ ở mức có sự chênh lệch thì tới nay, mức mua vào tiền mặt đã được Vietcombabank điều chỉnh lên ngang với giá mua vào chuyển khoản. Trong khi đó, tỉ giá áp dụng cho giao dịch bán ra vẫn ở mức kịch trần là 19.500VND/USD. Ngày 3.10, Vietcombank cũng mua vào ở mức 19.490VND/USD. Trong khi đó một số NH khác vẫn giữ mức tỉ giá có sự cách biệt: Sacombank 19.460 – 19. 470VND/USD; Eximbank 19.480 – 19.492VND/USD mua vào tiền mặt và chuyển khoản.

Lưu Thủy

Theo laodong.com.vn

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc