Home » Xã hội » Tham nhũng trong quản lý đất đai vẫn nhức nhối
“Cán bộ nhà nước xúi giục chủ đầu tư đưa hối lộ đổi lấy việc chấp nhận các dự án không đúng với quy hoạch đô thị, quy hoạch sử dụng đất…” chỉ là một trong nhiều hành vi tham nhũng điển hình đã được Ngân hàng thế giới (WB) “vạch trần” mới đây.

Những bất cập trong quản lý đất đai luôn là vấn đề cả xã hội quan tâm. Ảnh minh hoạ.

Điều chỉnh quy hoạch bị bóp méo

Báo cáo “đánh giá các yếu tố rủi ro gây tham nhũng trong quản lý đất đai” do WB phối hợp với hai đại sứ quán Đan Mạch và Thụy Điển thực hiện vừa được công bố ngày 25/11.

Kết quả của báo cáo dựa trên cuộc điều tra, khảo sát tại 5 tỉnh: Lạng Sơn, Bắc Ninh, Bình Định, Tiền Giang và TPHCM. Theo đó, có đến 78% những người được hỏi tin rằng có tình trạng tham nhũng liên quan đến quá trình giao/cấp đất, thu hồi nhất, bồi thường và hỗ trợ tái định cư.

Điển hình là ở TPHCM, có hiện tượng các nhà đầu tư câu kết với cán bộ nhà nước để mua quyền sử dụng đất nông nghiệp với diện tích lớn sau đó tác động để sửa đổi quy hoạch sử dụng đất nhằm chuyển các diện tích này của họ thành đất phi nông nghiệp.

“Rõ ràng, giá trị đất tăng sau khi quy hoạch sử dụng đất sửa đổi được duyệt và sẽ rất khó kiểm soát nếu có sự chia sẻ lợi ích trái phép giữa nhà đầu tư và công chức nhà nước” – nhóm nghiên cứu nhận định.

Theo nhóm nghiên cứu, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đô thị thường đưa ra những mục tiêu phát triển không rõ ràng, dẫn đến tiêu chí cấp đất không rõ ràng, giúp các cán bộ lập quy hoạch dễ dàng sửa đổi nếu bị các nhà đầu tư thuyết phục.

Một hiện tượng không khó nhận ra đó là các chủ đầu tư chi “các khoản chi phí ngoại giao” cho cán bộ lập quy hoạch đô thị, sử dụng đất để có thông tin. Sự thiếu minh bạch, bao gồm độc quyền của nhà nước trong việc quy hoạch sử dụng đất đô thị sẽ làm tăng nguy cơ tham nhũng.

Nhóm nghiên cứu còn chỉ ra dạng tham nhũng liên quan đến việc dễ dàng chấp nhận các dự án đầu tư. Cụ thể, cán bộ nhà nước xúi giục chủ đầu tư phải đưa hối lộ đổi lấy việc chấp nhận các dự án đầu tư không đúng với quy hoạch đô thị, quy hoạch sử dụng đất. Ở đây, chính quyền tự quyết định và các cán bộ nhà nước nắm độc quyền trong việc giới thiệu địa điểm đầu tư, mở cửa cho hành vi tham nhũng.

Tại TPHCM, cán bộ giải thích rằng các dự án đầu tư ở địa phương thường được thông qua gợi ý của nhà đầu tư thay vì quy hoạch sử dụng đất. Tại Hà Nội cũng có bằng chứng chính xác xảy ra vấn đề tương tự đó là dự án “khách sạn trong công viên Thống Nhất”, ban đầu đã được phê duyệt dựa trên đề nghị của chủ đầu tư.

Tổ chức giám sát không hiệu quả

Khả năng xảy ra tham nhũng trong sổ đỏ phụ thuộc vào vị trí đất. Ở những khu vực nông thôn phát triển hay khu vực thành thị, người sử dụng đất quan tâm đến việc lấy sổ đỏ vì giá trị đất cao hơn và bởi vì có thể chuyển quyền sử dụng đất phi nông nghiệp.

Theo kết quả khảo sát, có đến 85% những người được hỏi nghĩ rằng các cán bộ địa chính gây khó dễ cho các tổ chức và cá nhân khi tiến hành thủ tục cấp sổ đỏ.

Và một trong những tình huống thường gặp phải là cán bộ địa chính gây khó khăn trong chấp nhận đơn xin cấp sổ đỏ, việc hoàn thiện hồ sơ xin cấp thường rất phức tạp và người xin cấp phải đi lại nhiều lần.

Tại Lạng Sơn, người dân cho rằng họ không được cán bộ địa chính hướng dẫn thỏa đáng và thực tế nếu không trả thêm tiền, họ khó có thể hoàn thiện hồ sơ xin cấp sổ đỏ.

Điều này cũng xảy ra gần giống với Bình Định, họ phải sử dụng “môi giới” để hoàn thành việc xin cấp sổ đỏ. “Thậm chí cán bộ cấp cao nghỉ hưu cũng khó có thể lấy được sổ đỏ nếu không hối hộ” một ý kiến đến từ Bình Định nêu.

Còn ở tỉnh Bắc Ninh, do hướng dẫn về “cơ chế một cửa” của thành phố không thống nhất với các phường nên người dân phải nhờ sự giúp đỡ của lãnh đạo địa phương hoặc trả hoa hồng hay sử dụng dịch vụ phi chính thức.

Đáng chú ý, tại TPHCM, các cán bộ địa chính, hầu hết ở cấp xã, có xu hướng đòi thêm giấy tờ mà pháp luật không yêu cầu như giấy chứng nhận kết hôn và trích lục bản đồ địa chính…

Rõ ràng, tham nhũng trong quản lý đất đai đã trở thành vấn đề nhức nhối trong nhiều năm qua. Trong khi đó, theo nhận định của nhóm nghiên cứu, việc tổ chức giám sát không hiệu quả, hệ thống thanh tra kiểm tra đất đai thì không chủ động và không độc lập.

Theo Lan Hương

dantri

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc