Những vết lún nứt lớn tại Km 83 chiều từ Yên Bái về Phú Thọ.
Những người có trách nhiệm trong cuộc viện dẫn nhiều lý do, nhưng lại né tránh lý do từ chính mình.
Sau 7 năm thi công, ngày 21/9, tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai với chiều dài 245km, tổng vốn đầu tư gần 1,5 tỉ USD đã được đưa vào sử dụng. Dự án đã góp phần rút ngắn hành trình Hà Nội đi Lào Cai từ 7 tiếng đồng hồ xuống còn 3,5 tiếng, đồng thời mở ra cơ hội thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội tại 5 tỉnh, thành mà tuyến đường đi qua.
Sau 2 ngày khánh thành, tuyến cao tốc Hà Nội – Lào Cai đã xuất hiện những vết lún, nứt lớn tại Km 83 chiều từ Yên Bái về tỉnh Phú Thọ. Báo chí lên tiếng đồng loạt về sự cố “khó chịu” và bất an này. Sau đó liên tục những người có trách nhiệm trong ngành giao thông
Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) – chủ đầu tư dự án đã đăng đàn trả lời, tựu trung vào mấy điểm: Tất cả đều xác định quy trình thiết kế, giám sát, khoan thăm dò địa chất, các giải pháp thi công đều rất nghiêm ngặt, tóm lại là không sai, công trình được làm chất lượng, là công trình tốt; còn vết nứt, lún là không lường được dù đã tiên liệu vì đoạn này qua nền đất yếu, nhưng bất ngờ vì nó lún, nứt nhanh quá, và nguyên nhân chỉ có thể là do mưa lớn. Nói thế là cách nói bao biện, phủi tay, thiếu trách nhiệm.
Theo TS. Phạm Sanh, chuyên gia trong lĩnh vực giao thông, sự cố trên một lần nữa gây ra tai tiếng cho ngành bởi đây là dự án cao tốc dài nhất Việt Nam, vừa được khánh thành nhưng xe chưa chạy bao nhiêu thì ngay buổi chiều có xe lật. Kế đến, 2 ngày sau lộ ra chuyện nứt. Đã vậy, chủ đầu tư còn tuyên bố “đã biết trước nhưng không ngờ nó lún, nứt sớm hơn dự liệu”.
Nếu Tổng Công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam tiên lượng trước có lún vậy sao không kiểm tra kỹ càng trước khi thông xe? “Đương nhiên, còn lún cũng được thông xe nhưng mức độ lún sẽ không còn nhiều (ở mức 2 – 5%) và với mức này khi chạy xe cũng khó phát hiện. Thực tế, lún ở tuyến cao tốc này rất nhiều mà vẫn cho thông xe là sai quy chuẩn” – TS. Phạm Sanh khẳng định.
Tương tự, lãnh đạo một công ty trực thuộc Bộ GTVT chuyên thực hiện các dự án giao thông cũng cho rằng, ở các đoạn đường đi qua vùng đất yếu thường sử dụng các biện pháp làm tăng nhanh độ lún của nền đất yếu như bấc thấm, giếng cát… Song sau khi hoàn thành, nó vẫn có thể là đường chờ lún và thời gian lún có khi cần cả chục năm.
Ông Phạm Sĩ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam nhận định: Nguyên nhân xảy ra lún, nứt có thể là do lu lèn đường không đảm bảo về mặt thời gian. Ví như đắp nền đường, tiến hành lu lèn xong thì phải để qua một mùa mưa xem tình trạng lún như thế nào rồi mới tiến hành rải thảm, theo dõi và đưa vào sử dụng. Nhưng có thể do chạy đua tiến độ nên đã không đảm bảo về mặt thời gian dẫn đến khi đưa vào sử dụng thì bị lún, nứt.
Xét cho cùng, đối diện với sự cố lún nứt ở đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai, những người có trách nhiệm trong cuộc viện dẫn nhiều lý do, nhưng lại né tránh lý do từ chính mình. Họ cần phải nhìn thẳng vào sự thật để nhận ra sai lầm, thủ tiêu nhanh thói quanh co, bao biện. Họ phải hiểu rằng, vết lún nứt không chỉ là vết lún nứt đường sá, nó nghiêm trọng hơn là lún nứt niềm tin của nhân dân.
Đối diện với chất lượng công trình như thế, liệu ngành giao thông có dám xin lỗi nhân dân và tuyên bố, trong khi khắc phục sự cố và trong thời gian kiểm soát chất lượng đường đưa vào sử dụng, chúng tôi tạm thời không thu phí?./.
Nguyễn Quang Vinh/Báo VOV
Xin tác giả nói rỏ,” nghiêm trọng hơn là lún nứt niềm tin của nhân dân.” là tin vào ai? Hay vào cái chi chi?