Ba đứa con là tài sản lớn nhất của Thanh Lam, và cách chị chăm lo cho “khối tài sản” này cũng rất Thanh Lam.
Chị từng dừng lại để sinh con khi sự nghiệp đang chạm đỉnh. Thế rồi lại có lúc sẵn sàng rời bỏ “ngôi nhà và những đứa trẻ” ấy ra đi, để lại con cho chồng nuôi. Có gì mâu thuẫn không?
– Dám đánh đổi cả sự nghiệp để sinh con – đấy chính là bản năng! Bản năng lớn nhất của phụ nữ là ước mơ và quyết tâm làm mẹ. Còn sau khi ly hôn, tôi để các con sống với Quốc Trung bởi tôi hiểu rằng với nghề ca sỹ nay đây mai đó, sống với gia đình anh Trung, các con tôi sẽ tốt hơn, sẽ có một nền tảng vững chắc và một tương lai.
Suốt một thời gian dài sau ly hôn, tôi chống chếnh tưởng không thể cân bằng nổi vì phải rời xa các con, tất cả chỉ vì hoàn cảnh không thể khác. Trong chuyện này, người ngoài thường phán xét của người ngoài trong trường hợp này thường đổ lỗi cho tôi. Trong cuộc sống, chẳng có sự lựa chọn nào không phải trả giá nhưng bạn hãy tin rằng, tôi cũng như bao bà mẹ khác luôn dành những gì tốt đẹp nhất cho con mình.
Cách chị chăm sóc con cái có khác người thường không?
– Những người làm nghệ thuật như chúng tôi không phải lúc nào cũng làm tròn bổn phận của một người đàn bà bình thường. Tôi cũng vậy, thời gian ở bên các con bị sẻ chia nhiều. Nhưng tôi luôn cố gắng thực hiện thiên chức của người mẹ, ở bên khi các con cần.
Cuối tuần tôi vẫn đưa các con đi chơi, nấu một bữa cơm ấm cúng, vui vẻ. Tôi không khéo trong sử dụng ngôn từ, nhưng là bà mẹ khéo léo trong cuộc sống gia đình. Lũ trẻ rất tự hào về mẹ, nhưng đấy chính là áp lực lớn của tôi.
Tôi cố gắng bằng cuộc sống của chính mình, truyền lại cho con kinh nghiệm sống. Cuộc đời tôi va vấp nhiều, khổ đau, hạnh phúc, vinh quang cũng từng qua. Tôi hay nói với con là cứ nhìn vào mẹ, nhìn vào những vấp váp của mẹ để thấu hiểu và sống cho tốt hơn. Tôi hay kể cho con nghe những điều tôi đã phải trả giá để con hiểu rằng mẹ cũng có lỗi lầm và hãy rút kinh nghiệm từ các bài học của mẹ.
Khác với các mẹ nổi tiếng khác, con cái chị hầu như không lên báo. Đó là cách chị bảo vệ con mình?
– Con cái là một điều rất thiêng liêng. Khi còn trẻ, tôi nghĩ rằng mình là một người phụ nữ khỏe mạnh, tôi muốn có bao nhiêu con thì có, nhưng khi trưởng thành tôi mới thấy con cái là định mệnh trời cho. Thật may mắn tôi đã những đứa con trộm vía rất dễ thương, thông minh, khỏe mạnh, đó là tài sản quý nhất với tôi trong cuộc đời này.
Tôi đã chia sẻ trọn vẹn nhất với công chúng tiếng hát của mình. Còn những đứa con là góc rất riêng của tôi, là nơi bình yên cho tôi trú chân sau những bão giông của số phận, tôi muốn giữ cho riêng mình.
Chị kỳ vọng điều gì ở những đứa con?
– Tôi không đặt cho mình những chỉ tiêu phải phấn đấu trong cuộc sống, mà làm theo những thôi thúc rất tự nhiên trong bản năng. Có thể vì thế mà tôi rất tự tin trong các cuộc thi, cuộc ganh đua. Tôi không cho phép mình tụt hậu và đứng sau người khác.
Trong lứa tuổi 40 của mình, tôi cũng phải vào được top các cô “good looking” và thành đạt. Tôi vẫn dạy các con mình là trong lớp, các con ít nhất phải vào được top ten những người giỏi nhất. Sau này làm công việc gì cũng vậy, nếu các con đứng thứ hàng trăm là các con thua. Để đạt được điều đó các con phải tìm được mặt mạnh của mình để phát huy. Nếu con có tình yêu và đam mê với công việc đó, con sẽ thành công.
– Chị có hướng cho con cái hoạt động nghệ thuật giống mình không?
Từ nhỏ chưa có đứa con nào của tôi bộc lộ năng khiếu âm nhạc như mẹ, con gái lớn của tôi lại vẽ rất đẹp, tôi đang cho cháu theo học thiết kế nội thất, còn hai đứa sau đang học nhạc. Tôi nghĩ quan trọng là cha mẹ phải nhìn ra được tố chất của con cái và hướng con đi đúng khả năng. Rất có thể con tôi sẽ không là một người nghệ sỹ như mẹ, nhưng nếu con tôi có thể chỉ là một người cắm hoa, nhưng là trong top những người cắm hoa giỏi nhất, thì cũng tốt hơn làm ca sỹ mà ở top 100.
Sống trong một gia đình có bố mẹ là những người nổi tiếng, chắc hẳn con chị được sống trong môi trường âm nhạc từ nhỏ. Theo chị, làm thế nào để nâng cao thẩm mỹ âm nhạc của trẻ khi chúng còn là một đứa bé?
– Truyền thống nghệ thuật và môi trường gia đình giữ vai trò quan trọng. Vẫn tố chất ấy nhưng “con nhà nòi” thường nhanh nhạy hơn và có những hiểu biết uyên thâm hơn. Để nâng cao thẩm mỹ âm nhạc thì giáo dục trong âm nhạc là rất quan trọng, phải tạo nền móng cơ bản âm nhạc khi bạn còn nhỏ.
Tôi để ý thấy những bộ phim ở nước ngoài thường chủ yếu sử dụng nhạc nền là nhạc cổ điển. Khi xem phim, vô thức dòng nhạc đó đã ngấm vào đứa trẻ và lớn lên âm điệu đó thành những cái thuộc về đứa trẻ, đó là cái gốc để cảm nhận âm nhạc rất tốt. Còn ở Việt Nam hiện nay, chúng ta chưa có một sự đào tạo âm nhạc nền tảng từ đầu, và cần nhiều thời gian nữa cho việc đó.
Cảm ơn chị và chúc chị luôn hạnh phúc!
Theo Chametre.
Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!