Home » Xã hội » Vì sao dân từ chối quần áo cứu trợ?

Vì sao dân từ chối quần áo cứu trợ?

Một địa điểm chia sẻ với người dân vùng lũ Nghệ An

Đồng bào cả nước chia sẻ với nỗi đau mà khúc ruột miền Trung đang phải oằn mình trước lũ dữ bằng các việc làm thiết thực, bằng những gói mì tôm và chiếc quần áo cũ đầy ý nghĩa với mong muốn người dân thoát cảnh đói, rét. Nhưng tại Nghệ An, có địa phương không bị ngập lụt vẫn được hỗ trợ quần áo cũ, để rồi xảy ra tình trạng cho không muốn nhận.

Sau khi sự việc quần áo cứu trợ đồng bào vùng lũ Nghệ An bị báo chí phát hiện tại một số điểm gara sửa chữa ôtô, cơ quan chức năng và các bên liên quan đã vào cuộc nhằm làm sáng tỏ. Phía Hội Chữ thập đỏ Nghệ An xác nhận số hàng thất thoát này được Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam ở Hà Nội chuyển về, thông qua Hội Chữ thập đỏ tỉnh sẽ phân chia cho nhân dân vùng lũ.

Trách nhiệm giải trình nguyên nhân vì sao lại để xảy ra sự việc đó là bởi lẽ công tác tiếp nhận ở cơ sở không chu đáo. Văn bản giải trình của Hội cũng đã nêu một số vướng mắc khiến quần áo cứu trợ bị chất đầy kho chứa, phải nhờ đến kho chứa của Công ty Cổ phần cơ khí ôtô Nghệ An. Trong đó, nguyên nhân chính là hàng cứu trợ về nhiều, một số địa phương lại từ chối tiếp nhận vì một số quần áo quá cũ, hư hỏng không sử dụng được.

Trong đó, địa phương được nêu đích danh là xã Nam Tân, huyện Nam Đàn: “Chúng tôi rất trân trọng biết ơn tấm lòng của đồng bào khắp nơi, nhưng quần áo cũ không như mì tôm hay chai nước, cân gạo mà các chị đưa đến, vì quần áo cũ có cái tốt, cái xấu, nhiều khi có những cái quá cũ, bị rách, thật làm khó cho chúng tôi”.

Sự việc vỡ lở, người dân cả nước rất bất bình vì cho rằng tấm lòng hảo tâm của họ không được tôn trọng. Có người hoài nghi về công tác làm từ thiện thiếu chuyên nghiệp từ chính cơ quan sở tại, còn nguyên nhân cụ thể vì sao thì chưa ai lý giải chính xác. Ngày 12/11, phóng viên đã về xã Nam Tân để tìm hiểu cuộc sống người dân vùng lũ nơi đây, một phần giúp độc giả mở thêm nút thắt về những hoài nghi tấm lòng hảo tâm bị từ chối.

Đề cập về tình hình ngập lụt tại địa phương khiến tài sản và quần áo mất mát, bà Nguyễn Thị Lan, một cao niên trong làng chia sẻ: “Mấy hôm Hà Tĩnh và nhiều địa phương ở Nghệ An ngập lụt, quê tôi cũng mưa to lắm. Nhưng chỉ bị ngập ở ngoài đồng, hoa màu không kịp thu hoạnh hư hỏng và dập nát, còn trong nhà không bị gì đâu. Nghe con cái đi về kể với tui ở Nam Tân bị ngập lên nóc, ngồi trên xuồng ăn mì tôm sống. Nhưng làm gì có chuyện đó, nếu có chỉ là tin đồn nhảm nhí”.

“Báo chí với truyền hình nói quần áo cứu trợ làm giẻ lau xe ôtô, sao người ta lại làm thế, cứ đến đúng hộ và đúng xã thiệt hại mà cứu trợ thì ai không quý. Như mới đây, xã chúng tôi nhận được quần áo cứu trợ, trong khi mưa lũ địa phương chỉ thiệt hại về nông nghiệp, nếu mất mát tài sản thì những manh áo rách ấy đáng quý lắm nhưng trao không đúng thời điểm thành hết ý nghĩa” – một người phụ nữ đứng kế bên tiếp lời.

Vì sao dân từ chối quần áo cứu trợ?, Tin tức trong ngày, quan ao cuu tro, hoi Chu thap do Nghe An, quan ao cu, thiet hai, tam long hao tam

Những chiếc áo cũ mà hai em nhỏ ở xóm 1, xã Hưng Trung, huyện Hưng Nguyên đang mặc là do đoàn cứu trợ gửi. Chính bản thân các em cũng đang rất cần thêm nhiều bộ đồ khác nữa để mặc đến trường, như vậy nếu nói người dân Nghệ An từ chối quần áo cũ là không đúng. Chỉ có điều cách làm đã đúng hay chưa mà thôi.

Làm việc với ông Đào Văn Quang – Chủ tịch xã Nam Tân, ông Quang cung cấp toàn bộ con số thiệt hại về đợt lũ vừa qua. Qua các con số này thì dường như toàn xã không thiệt hại về nhà và mất mát tài sản bên trong, chỉ có duy nhất một hộ dân ngập sâu…1m. Còn lại chủ yếu về nông nghiệp thiệt hại nặng, 80ha vụ đông hư hỏng hoàn toàn, 51ha nuôi cá bị ngập.

“Nước dâng di tản lên núi chứ làm sao mà thiệt hại nhà cửa và tài sản được. Bây giờ các nơi gửi hàng cứu trợ về thì cảm ơn thôi, nhưng giá như một số đoàn quan tâm vào nông nghiệp, hỗ trợ phân đạm cho bà con sản xuất là hợp lý hơn” – ông Quang phân trần.

Còn về văn bản của Hội Chữ thập đỏ giải trình với UBND tỉnh Nghệ An; xã Nam Tân từ chối nhận quần áo cứu trợ thì ông Quang thừa nhận là có. “Ngày 31/10, một cán bộ Hội có dẫn đoàn của Công ty xe khách Hoàng Long lên hỗ trợ 2 tấn gạo. Xe chở gạo không để lẫn lộn với hàng khác, còn một xe ôtô nữa nghi là quần áo cũ, anh em có nói quần áo cứu trợ nên đưa đến vùng nào khó khăn hơn. Bởi quan điểm của chúng tôi là ưu tiên các vùng bị ngập sâu cho đúng tiêu chí “lá lành đùm lá rách”, chứ không phải chê bai, nếu xã xảy ra tình trạng ngập lụt khiến quần áo bị cuốn trôi, khi đó một manh áo rách cũng rất cần chứ đừng nói đến quần áo cũ”.

Sự việc trên đây cũng là bài học về cách phân chia và công tác cứu trợ, cần tìm hiểu tình hình thiệt hại cụ thể từng địa phương mà có các phương pháp áp dụng phù hợp với thực tiễn. Tránh để xảy ra tình trạng: kẻ ăn không hết người mò không ra như ở xã Nam Tân.

Theo 24h

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc