Home » Xã hội » 31 người chết mỗi ngày do tai nạn giao thông
Theo ông Vũ Đỗ Anh Dũng, Cục trưởng Cảnh sát giao thông Đường bộ – Đường sắt, cần tăng mức phạt và thu giấy phép lái xe 90-120 ngày với những hành vi vi phạm nghiêm trọng.

Sáng 28/12, tại hội nghị an toàn giao thông toàn quốc, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho biết, năm 2010 cả nước xảy ra 14.440 vụ tai nạn, chủ yếu trên đường bộ, làm chết 11.440 người (trung bình mỗi ngày có 31 người chết), bị thương 10.630 người (tăng 1.770 vụ, tăng 2.544 người bị thương so với năm trước).

Bộ trưởng Giao thông Vận tải Hồ Nghĩa Dũng cho rằng, bình quân 3 năm qua, số người chết do tai nạn giao thông giảm, song chưa đạt theo kế hoạch là giảm 5%. Tuy nhiên, nếu so với các nước trên thế giới, số người chết vì tai nạn giao thông ở Việt Nam ở mức trung bình, cao hơn các nước châu Âu song thấp hơn châu Phi.

Theo Bộ trưởng Dũng, tai nạn giao thông vẫn là mối đe dọa nghiêm trọng trong xã hội, cơ quan chuyên trách an toàn giao thông các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền. Ông lấy ví dụ đại lộ Thăng Long là tuyến đường hiện đại, song tổ chức giao thông rất vất vả, người dân đi lại thiếu ý thức, hay cao tốc Trung Lương không có điểm dừng xe song nhiều người vẫn dừng lại ngắm cảnh, xả rác…

Số người chết do tai nạn đường sắt tăng 16 người so với năm trước. Ảnh minh họa: Hoàng Hà.

Tại hội nghị, các cơ quan chức năng đã nêu ra các biện pháp giảm ùn tắc và tai nạn giao thông. Theo ông Vũ Đỗ Anh Dũng, Cục trưởng Cảnh sát giao thông Đường bộ – Đường sắt, nếu tổ chức giao thông tốt sẽ giảm được ùn tắc và tai nạn song thực tế ngành giao thông và công an chưa phối hợp tốt. Ông Dũng kiến nghị tăng mức phạt và thu giấy phép lái xe 90-120 ngày với những hành vi vi phạm nghiêm trọng; ngành giao thông nên có chương trình quản lý lái xe trên mạng để có thể tra cứu lái xe vi phạm.

Mổ xẻ nguyên nhân ùn tắc và tai nạn là do hạ tầng giao thông ở các đô thị quá tải, phương tiện cá nhân tăng, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Thế Tiệm cho rằng trong điều kiện hạ tầng hạn chế thì cần điều tiết gia tăng phương tiện. Chất lượng đường sá nhanh hư hỏng, đường bị sụt lún cũng gây bức xúc trong dư luận, thậm chí chỉ sau một trận mưa là đường hỏng. Do vậy, ông Tiệm cho rằng cần có cơ chế giám sát, nâng chất lượng xây dựng các tuyến đường.

Theo lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải TP HCM, tốc độ gia tăng phương tiện cá nhân hàng năm tại thành phố này là trên 10%, trong khi đường bộ chỉ tăng 2% đã làm quá tải cơ sở hạ tầng. Năm qua, ngành giao thông TP HCM đã tổ chức làn dành riêng cho xe máy trên 19 tuyến đường. Biện pháp này đã làm giảm tai nạn, ý thức của người điều khiển xe máy cũng tăng lên.

Đoàn Loan

Theo vnexpress


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc