Home » Xã hội » Phạt hành chính cây xăng lẫn nước lã

Cơ quan chức năng đã xác định việc xăng lẫn nước lã tại cây xăng ở Quốc Oai (Hà Nội) là do sơ suất trong kinh doanh, và thuộc lỗi không cố ý.
Đại diện Chi cục quản lý thị trường Hà Nội cho biết, sau khi kiểm tra, giám định, cơ quan chức năng bước đầu xác minh đây chỉ hành vi bán hàng kém chất lượng do sơ suất của doanh nghiệp. Do đó, công an huyện Quốc Oai đã chuyển toàn bộ hồ sơ cho Chi cục quản lý thị trường để lập biên bản xử lý hành chính.

anh_xan

Cây xăng Hưng Thịnh bị niêm phong sau khi phát hiện xăng lẫn nước lã. Ảnh:Tuệ Minh

Chi cục quản lý thị trường đã có báo cáo gửi Bộ Công Thương và UBND TP Hà Nội về nguyên nhân của sự việc. Theo đó, cây xăng Hưng Thịnh có hai bể chứa xăng, một bể đang sử dụng, bể thứ hai lâu nay để trống. Tuy nhiên, lượng khách gần đây đông nên chủ cây xăng đã cho nhập thêm hơn 4.445 lít vào bể thứ hai. Do để lâu ngày không kiểm tra kỹ nên nước mưa đã thấm vào bể, khi bán ra cho khách mới phát hiện ra xăng có lẫn nước lã. Tỷ lệ nước lã trong xăng chiếm 20,3 phần nghìn.

“Dựa vào quá trình điều tra trên cơ sở phối hợp giữa quản lý thị trường và công an cho thấy đây là lỗi không cố ý và chỉ xử lý hành chính theo quy định”, đại diện Chi cục quản lý thị trường cho biết.

nuoc-la

Bể xăng bị lẫn nước lã. Ảnh:T.P

Trước đó, chiều 27/11, cây xăng Hưng Thịnh tại thị trấn Quốc Oai, Hà Nội bị hàng chục người kéo đến bắt đền vì cho rằng họ đã mua phải xăng có lẫn nước lã. Nhiều người dân ở đây cho biết, xe của họ bị chết máy sau khi mua xăng và một số người phát hiện ra xăng có lẫn với nước lã. Chiều cùng ngày, cây xăng đã bị niêm phong để phục vụ điều tra.

Theo phía quản lý thị trường, lúc đó xảy ra sự việc có 11 người dân đi ôtô, xe máy đến bắt đền cây xăng. Số xăng còn lại trong bồn chứa thứ hai được phía công an kiểm tra và xác định là 4.254 lít so với 4.445 lít được ghi trong hóa đơn nhập hàng.

Ông Bùi Văn Thủy, đại diện cây xăng Hưng Thịnh cho biết, sau khi sự cố này xảy ra, doanh nghiệp đã tiến hành bồi thường thiệt hại cho khách hàng bằng việc thay toàn bộ số lượng xăng lẫn nước lã. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng hỗ trợ tiền sửa xe cho khách hàng do hỏng các bộ phận liên quan. Hiện nay cây xăng vẫn bị niêm phong.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Trưởng ban tuyên truyền, Hội Luật gia TP.HCM cho biết, bán hàng xăng dầu kém chất lượng được xếp vào một trong những hành vi gian lận thương mại, thu lợi bất chính. Nếu vi phạm lần đầu chưa đến mức truy cứu hình sự thì phạt tiền từ 200.000 đồng đến 30 triệu đồng tùy vào mức độ vi phạm, đền bù cho khách hàng bị thiệt hại do sử dụng sản phẩm. Trong trường hợp không xác định được số lượng khách hàng thì cơ quan chức năng sẽ tịch thu toàn bộ số tiền gian lận vào ngân sách nhà nước.

Ngoài ra, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh xăng dầu sẽ tạm thời bị tịch thu giấy phép quyền sử dụng kinh doanh từ 12 tháng trở lên.

Trà Phương

Theo VnEpress

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc