Home » Tiêu Điểm, Xã hội » “Giếng xăng” ở Lạng Sơn do bộ đội đào

Thời kỳ không quân Mỹ đánh phá khu vực ga Đồng Đăng, để hạn chế tổn thất hàng hoá, nhất là xăng dầu không để ứ đọng nhiều, ta đã chở những téc xăng, vật tư xăng dầu nhanh chóng sơ tán từ ga Đồng Đăng về trạm Cốc Nam.

LTS: Sau khi bài viết “Giếng xăng ở Lạng Sơn, đã biết 50 năm trước” được tăng tải trên Bee.net.vn, Đại tá cựu chiến binh Trịnh Thanh Phi, nguyên Chính trị viên D1, E4, F337, Đơn vị một thời sở hữu giếng xăng Cốc Nam, Lạng Sơn đã gửi bài viết chia sẻ những thông tin ông biết về giếng xăng ở Cốc Nam cũng như nguyên nhân xuất hiện giếng xăng. Để có thêm một góc nhìn khoa học về hiện tượng này, Bee xin giới thiệu bài viết.

Bộ đội đã đào được “giếng xăng”

Giữa tháng 3 năm 1979, tiểu đoàn 1, Trung đoàn 4, Sư đoàn 337 Quân khu 4 được cấp trên điều lên biên giới Lạng Sơn trực thuộc Quân đoàn 14, Quân khu I làm nhiệm vụ chốt giữ một vùng rộng lớn từ Thị trấn Đồng Đăng ngược lên Tân Thanh mà đoạn giữa là khu vực mốc biên giới 16, bản Cốc Nam, Tân Mỹ nơi có giếng xăng ta đang nói tới.

Đóng quân nơi đây, mỗi khi trời có mưa, bộ đội ta nhận ra nước ở những ruộng lúa ở chân bản Cốc Nam có nhiều váng dầu, mùi xăng bốc lên nồng nặc. Nước rút, lúa, cỏ dại đều bị úa vàng, chết. Trời không mưa, nước từ chân đồi rỉ ra vẫn đậm mùi xăng. Quanh khoảng đồi rộng lớn, bộ đội phát hiện nhiều vỏ téc xăng được chôn vùi dưới những hầm được khoét rải rác vào chân đồi. Bên cạnh đó nhiều hầm lộ thiên chứa những đoạn ống thép dẫn xăng dầu cỡ 80 -100 mm dài 7 – 8m rải rác trên nhiều khu đồi.

Khi đó, cuộc chiến biên giới vừa kết thúc. Khu vực này là điểm chốt tiền tiêu do tiểu đoàn 1 chốt giữ, người ngoài không được tự do ra vào. Để có nước sinh hoạt, lính ta đào giếng ngay chân đồi. Giếng mới khoét sâu 80 cm đến 1 mét, nước mạch chảy ra thì cũng kéo dòng xăng chảy ra theo thành lớp dầy trên nước. Múc nước đó đốt thử, lửa bùng cháy. Lính ta kết luận đó là xăng.

Giếng xăng ở Lạng Sơn
Xăng dầu vận chuyển thời chiến tranh bị rò rỉ đã tạo nên giếng xăng ở Cốc Nam.

Chuyện “mỏ xăng” của tiểu đoàn 1 trung đoàn 4 có từ đó. Chuyện này lập tức được chỉ huy Trung đoàn, Sư đoàn kiểm tra và đồng ý cho phép tiểu đoàn khai thác để sử dụng nhưng với yêu cầu công tác quản lý, “khai thác” giếng xăng phải rất chặt chẽ để tránh gây cháy lán trại, trận địa chốt…

Chính vì có lợi thế độc quyền “mỏ xăng”, trong thời gian dài, tiểu đoàn 1 đã cử người luân phiên múc xăng trữ vào thùng phuy. Xăng này được phân phát cho các đơn vị trong tiểu đoàn dùng thắp sáng (khi dùng, lính bỏ thêm mấy hạt muối để khi thắp đèn hạn chế lửa bốc mạnh). Xăng thu được cũng được chuyển lên Trung đoàn để tận dụng chạy máy nổ và còn dùng cho cả ô tô.

Cũng xin nói thêm, tháng 8 năm 1981, là cán bộ chính trị của Trường sĩ quan Lục quân I , tôi được cử đi tăng cường cho Sư đoàn 337. Về sư đoàn, tôi được phân công về làm Chính trị viên Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 4, đơn vị may mắn sở hữu “giếng xăng” này.

Ngày hôm trước về tiểu đoàn (đóng cạnh bản Pa Piêng xã Hùng Phong (Văn Lãng), sáng hôm sau Tiểu đoàn trưởng Đoàn Phong Phú (người Hưng Yên) dẫn tôi đi kiểm tra cụm chốt bản Cốc Nam đầu tiên. Vì như anh nói, nơi đây có tiểu đội trinh sát “con cưng” của tiểu đoàn ngày đêm trông coi trạm quan sát trên dãy núi đá ở bắc Cốc Nam. Nơi đây có đại đội 3 chủ công của tiểu đoàn chốt trên cao điểm 386 và nhân thể muốn ngay trong lần đầu tiên đi kiểm tra cấp dưới, tôi được biết “tiểu đoàn có một nguồn tài sản quý giá đó là “mỏ xăng” dưới chân điểm chốt tiền tiêu”.

Hôm đó tôi đã hiểu “mỏ xăng” chính là một cái giếng nông khoét cạnh chân đồi, xăng từ lòng đất theo nước rỉ ra, bên bờ có một người lính trực. Khi xăng ra kha khá thì dùng gáo nhẹ nhàng múc xăng đổ vào các can. Can đầy được đem về đổ vào thùng phuy ở kho đơn vị.

Thời gian công tác tại tiểu đoàn, tôi có nhiều lần chứng kiến, xem lính “khai thác” gạn xăng như thế. Phải dùng từ “gạn” vì trời khô hạn xăng không chảy ra, trời mưa nhỏ lâm râm dài ngày, xăng ra đều đặn và múc được nhiều hơn cả, trời mưa to gây ngập đồng thì xăng tràn ra ruộng và trôi ra suối.

Đi tìm nguyên nhân

Tôi và các anh Đoàn Phong Phú, Lê Sỹ Thuận, Nguyễn Văn Tuyên trong Ban Chỉ huy tiểu đoàn đã hỏi chuyện nhiều cán bộ địa phương xã Hùng Phong, xã Tân Mỹ (có bản Cốc Nam) và cán bộ đồn biên phòng Đồng Đăng ( quản lý khu vực này từ 1960 đến khi chiến sự biên giới nổ ra 17/2/1979) thì được biết nơi đây từng là trạm trung chuyển xăng dầu của ta và có từ thời kỳ đất nước bước vào chiến tranh chống Mỹ 1964 – 1965 và được duy trì trong một số năm tiếp sau.

Từ những ý kiến trên và những xitéc xăng còn nằm rải rác trong những hầm ở chân đồi, những ống thép to dẫn xăng vẫn còn rải rác mà đơn vị tôi tận thu để làm cột bóng chuyền, làm giá sàn kho gạo hoặc một số cột được chuyển về Trung đoàn làm ống dẫn nước trên đồi về bếp ăn cơ quan lúc đó có 2 luồng ý kiến lý giải:

Nhóm ý kiến thứ nhất:Nơi đây vốn là một trong những tuyến đường ống (qua khu vực mốc 16 Cốc Nam) ta tiếp nhận xăng dầu do nước bạn viện trợ và hoạt động từ những năm đầu 1960. Nơi đây có đường ống dẫn xăng ngầm và cả giao nhận bằng xăng bơm từ xe téc, tiếp nhận cả bồn xăng , đây là nơi đặt trạm trung chuyển xăng của ta. Qua quá trình cất trữ, một lượng xăng lớn đã bị rò rỉ thẩm thấu và được giữ trong lòng đất, khi có mưa to xăng nổi lên tràn lên mặt nước làm chết cỏ, lúa là đương nhiên. Khi lượng mưa nhỏ chỉ làm ẩm đất, nếu đào giếng đúng nguồn xăng ngấm xuống đất nhiều, xăng sẽ theo nước rỉ ra và như bộ đội tiểu đoàn 1 múc được.

Nhóm ý kiến thứ 2:Cũng năm 1981, tôi từng nghe một số cán bộ địa phương nơi đây nói rằng, thời kỳ Mỹ gây chiến tranh phá hoại ác liệt ra miền Bắc (1965-1967 và 1972), không quân Mỹ đã từng đánh phá khu vực ga Đồng Đăng. Để hạn chế tổn thất hàng hoá, nhất là xăng dầu không để ứ đọng nhiều tại đây rất nguy hiểm, ta đã chở những téc xăng, vật tư xăng dầu nhanh chóng sơ tán từ ga Đồng Đăng về trạm Cốc Nam (cách nhau khoảng 4 km) để tạm cất trữ.


Từ đây hàng hoá dễ chuyển về xuôi đi theo đường số 4, đường qua cầu Khánh Khê (Văn Quan) về Bắc Sơn, Thái Nguyên, hoặc qua pháo đài Đồng Đăng nhập theo đường 1 về ga Tam Lung (khu vực Dốc Quýt, bản Phân) tiếp tục lên tàu hoả về xuôi. Và trong chiến tranh, khu vực trung chuyển xăng dầu Cốc Nam khó có thể đảm bảo yêu cầu cao nhất về điều kiện vật chất, kỹ thuật nên xăng dầu rò rỉ, thất thoát lớn là điều dễ hiểu.

Ý kiến này xem ra có lý hơn ý kiến là tại Cốc Nam có điểm đón đường ống dẫn xăng dầu ngầm từ nước bạn sang. Thực tế đơn vị tôi chốt giữ nơi đây nhiều năm nhận thấy địa hình qua khu vực mốc 16 này khá hiểm trở, vả lại bên phía bản Cốc Nam không thấy có bất cứ dấu tích của trạm tiếp nhận xăng dầu nào ở khu vực này. Chúng tôi cũng không hề nghe người dân nơi đây nói có đường ống xăng dầu ngầm qua đây (vì qua ruộng nương của mình dọc dãy núi đường biên, nhân dân chắc phải biết) mà chỉ thấy rải rác những hầm chứa bồn xăng, hầm để ống dẫn dầu như đã nói trên. Hơn nữa nếu dùng đường ống dẫn xăng dầu, tại sao không dùng tuyến chạy theo đường sắt qua Hữu Nghị Quan – Đồng Đăng sẽ thuận lợi hơn?

Chính những vấn đề đã nêu trên, chuyện giếng xăng ở Bó Lài, Cốc Nam xã Tân Mỹ Văn Lãng, Lạng Sơn không có gì là bí hiểm. Có điều, từ khi tôi ở vùng biên cương tận thấy lính mình khai thác xăng từ giếng khoét ở chân chốt, đến nay thời gian trôi thêm đúng 30 năm nữa rồi mà xăng trong lòng đất đồi núi bản Cốc Nam vẫn còn chảy ra giếng Bó Lài của dân như bài viết của Hữu Dương thì mới biết lượng xăng ngấm xuống đất hồi đó quả là không nhỏ.

Là một trong những người lính biết khá rõ về giếng xăng nơi đây từ 30 năm trước và đơn vị cũng tận thu được lượng xăng nhất định phục vụ cho sinh hoạt, bảo vệ biên cương trong nhiều năm liền rất hữu ích, tôi xin cung cấp thêm thông tin để bạn đọc thân thiết của Bee.net.vn hiểu thêm về giếng xăng sau bài viết lý thú của tác giả Hữu Dương.

Trịnh Thanh Phi(Đại tá CCB, nguyên Chính trị viên D1, E4, F337/Đơn vị một thời sở hữu giếng xăng Cốc Nam)

Theo bee

Chuyên đề: , , ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc