Home » Xã hội » Xe buýt TP HCM tính chuyện ‘trùm mền’ vì giá xăng tăng
Chi phí nhiên liệu tăng cao, các doanh nghiệp vận tải xe buýt không trợ giá đang tính đến chuyện ngừng hoạt động vì lỗ nặng, trong khi tăng giá vé thì không có hành khách.

Đối với các doanh nghiệp được trợ giá, khi có biến động về giá nhiên liệu các doanh nghiệp này còn được bù lỗ từ tiền ngân sách thành phố. Những nơi không được hỗ trợ thì đang hoạt động cầm chừng và đứng trước nhiều khó khăn. Tiền nhiên liệu tăng cao trong khi lượng hành khách thậm chí giảm là tình hình chung của các doanh nghiệp vận tải xe buýt.

Ông Nguyễn Tấn Tạo, Giám đốc liên hiệp hợp tác xã Sài Gòn cho biết, sau đợt tăng giá xăng dầu cuối tháng 2, để không bị lỗ bắt buộc các doanh nghiệp vận tải phải tăng giá vé từ 10 đến 15%. Tuy nhiên, giá xăng dầu tiếp tục leo thang vào cuối tháng 3 làm nhiều doanh nghiệp vận tải điêu đứng vì nếu tiếp tục tăng giá vé sẽ không có khách.

Xe buýt của các doanh nghiệp vận tải không được trợ giá từ nguồn ngân sách TP HCM đang đứng trước nhiều khó khăn và có nguy cơ ngừng hoạt động. Ảnh: Vĩnh Phú.


Ông Tạo dẫn chứng, tuyến xe buýt không trợ giá 611 (Thủ Đức – Dĩ An) chỉ tính riêng trong tháng 3 sau đợt tăng giá vé hành khách đã giảm rõ rệt. Chi phí lại tăng nên sau khi bù trừ các khoản, doanh nghiệp vận tải vẫn lỗ hơn 70 triệu đồng/tháng.

Cũng theo ông Tạo, việc tăng giá vé vừa qua là không thể tránh khỏi và là bắt buộc để duy trì hoạt động của các doanh nghiệp tuy nhiên “lỗ vẫn hoàn lỗ”. Mỗi ngày các tuyến xe buýt trợ giá đều phải bù lỗ thêm khoảng gần 100.000 đồng tiền nhiên liệu, còn các tuyến xe buýt không trợ giá thì hiện các xã viên đang kêu trời.

“Tuyến nào lượng hành khách ổn định thì còn cầm cự được, chứ tuyến không có khách coi như xe đó chuẩn bị nằm trùm mền vì tiền vé thu về không đủ trang trải chi phí hoạt động của tuyến xe”, ông Tạo rầu rĩ nói.

Còn ông Nguyễn Văn Triệu, Chủ nhiệm Hợp tác xã vận tải 19/5 cho biết, mỗi ngày, trung bình các doanh nghiệp phải bù thêm gần 200.000 đồng tiền chênh lệch nhiên liệu.

“Trong giai đoạn khó khăn, các doanh nghiệp phải tính toán nhiều phương án để san sẻ chi phí và cầm cự hoạt động. Nhưng đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời. Với việc giá xăng dầu liên tục tăng, nhiều doanh nghiệp đang tính đến việc ngừng hoạt động một số tuyến không trợ giá vì không thể kéo dài việc bù đắp chi phí nhiên liệu”, ông Triệu nói.

Giá xăng dầu liên tục tăng cao khiến các doanh nghiệp vận tải xe buýt ở TP HCM bị lỗ nặng. Ảnh: Vĩnh Phú.


Trao đổi với VnExpress.net, ông Phùng Đăng Hải, Tổng giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã vận tải TP HCM, đơn vị có gần 1.000 đầu xe đang hoạt động trên khắp các tuyến đường TP HCM cho biết, hiện hợp tác xã có 5 tuyến xe buýt đang hoạt động theo dạng không trợ giá với quy mô hơn 100 xe.

Đợt xăng dầu tăng giá ngày 25/2, các doanh nghiệp mới nâng giá vé thêm 10% các tuyến không trợ giá. Đến cuối tháng 3 giá xăng lại leo thang nếu đề xuất tăng giá vé nữa thì sẽ rất khó. Họ đang đứng trước tình thế tiến thoái lưỡng nan. Trong khi đó, các tuyến không được trợ giá thường hoạt động xa với lộ trình 50, 60 km.

“Tình hình này kéo dài, các doanh nghiệp vận tải xe buýt không trợ giá đang đứng tính đến chuyện ngừng hoạt động vì lỗ nặng, thậm chí nhiều doanh nghiệp có nguy cơ phá sản”, ông Hải nói.

Trong khi đó, các doanh nghiệp vận tải có trợ giá tình hình cũng không mấy khả quan.

Đại diện Trung tâm Quản lý và Điều hành vận tải hành khách công cộng TP HCM cho biết, nguồn ngân sách trợ giá cho hoạt động xe buýt năm 2011 được thành phố duyệt là hơn 835 tỷ đồng. Tuy nhiên, trước việc giá xăng biến động, thành phố đã chấp thuận tăng thêm 348 tỷ đồng bổ sung.

Sau đợt tăng giá xăng “phi mã” cuối tháng 3 vừa qua, trung tâm đang tiếp tục đề xuất thành phố cấp bổ sung thêm nguồn kinh phí để hỗ trợ chi phí nhiên liệu.

Theo thống kê của Trung tâm Quản lý và Điều hành vận tải hành khách công cộng TP HCM, đợt điều chỉnh giá vé đối với các tuyến không trợ giá ngày 15/3 vừa qua là đợt điều chỉnh cao nhất từ trước tới nay. Cụ thể, mức điều chỉnh giá mới đợt này dao động từ 6.000 đồng đến 24.000 đồng/hành khách/lượt, tùy theo các tuyến xa gần.

Hiện nay, toàn TP HCM có 147 tuyến xe buýt đang hoạt động trên khắp các tuyến đường. Trong đó có 110 tuyến xe buýt được trợ giá còn lại 37 tuyến không được hưởng với hàng trăm xe buýt hoạt động với lộ trình dài (trên 30km).

Vĩnh Phú

Theo vnexpress

Chuyên đề: , ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc