Home » Kinh doanh » Đào được giá, chủ vườn vẫn kém vui
Chỉ có 10 vườn đào trong tổng số gần 100 vườn ở các vùng trồng chuyên canh thuộc Hà Nội nở đúng vụ nên càng cận Tết, giá thuê, mua ở đây càng đắt đỏ. Không ít người đến vườn rồi lại ra về vì không chịu nổi mức giá quá cao.

Anh Hà ở Quang Trung, Hà Nội có mặt tại làng đào Nhật Tân từ 4h chiều. Loanh quanh khắp các ngõ ngách trong vườn, anh mới tìm được cây ưng ý mà vẫn chưa có chủ. Định thuê về nhà chơi 3 ngày Tết, thế nhưng, khi ông chủ vườn hét giá thuê 20 triệu, anh đành lẳng lặng ra về. Thay vì chơi đào gốc, anh chuyển sang mua cành về cắm. “Gọi là có không khí Tết, ai lại bỏ ra cả vài chục triệu chỉ để đốt trong 3 ngày Tết”, anh Hà cho biết.

Cây đào này nằm trong vườn nhà ông Công Nghĩa Tiến ở Phú Thượng, Tây Hồ, Hà Nội. Giá thuê được ông Tiến cho là rất hữu nghị là 15 triệu đồng. Ảnh: Nhật Minh.

Tại một số vườn đào, ngoại trừ những khách đã ký hợp đồng thuê từ trước đến nhận hàng. Còn lại, những khách tới vườn đào vào ngày 22 tháng Chạp đều đến rồi đi, không thương lượng được về giá cả. Hoặc, chủ vườn thông báo không còn gốc đào để thuê.

Ông Công Nghĩa Tiến, chủ vườn đào rộng trên 300ha ở phường Phú Thượng, Tây Hồ, Hà Nội cho biết năm nay thời tiết lạnh nên chỉ một số vườn là đào nở đúng độ. Do vậy, giá thuê đào năm nay rất đắt đỏ. Trong đó, cây đẹp nhất trong vườn, độ tuổi 18 năm có giá thuê lên tới 40 triệu đồng. Còn đa phần, giá thuê dao động quanh mức 10-25 triệu đồng.

Cận cảnh việc kinh doanh đào Tết

Chỉ vào từng gốc cây trong vườn, ông Tiến đọc tên từng khách hàng đã đặt thuê và khi nào người ta sẽ đêm cây về. “Hầu hết khách thuê đều là công sở, doanh nghiệp. Có người gửi cây ở đây từ đầu năm nhờ vườn chăm sóc họ, ba ngày Tết lại mang về chơi”, ông Tiến cho biết.

Theo ông, làm nghề trồng đào cũng trải qua nhiều bước thăng trầm – năm được mùa, năm thất bát. Đào nở sớm cũng hỏng, đào nở muộn cũng không đạt. Còn lại, được mùa thì mất giá, được giá thì mất mùa. “Có gia đình khóc ròng vì vài chục hecta đào gặp giá rét, hoa bị cháy đen, hoặc nụ không thể nở được. Cả công sức làm cả năm coi như đổ xuống sông, xuống bể”, ông Tiến nói.

Ông chủ vườn đào đang làm công việc hàng ngày là tưới nước và chăm sóc từng gốc đào chờ ngày khách tới nhận. Ảnh: Nhật Minh.

Ông Tiến đang có 2.000 gốc đào nhưng chỉ 2/3 trong số đó cho hoa đúng vụ. Ước tính thu nhập sau vụ khoảng 300 triệu đồng, sau đi trừ chi phí nhân công, vận chuyển…, ông Tiến lãi khoảng 100 triệu đồng. “Năm nay, tôi cùng với 5 vườn khác ở khu vực Phú Thượng này là được mùa đào song số tiền thu về giảm khoảng 100 triệu đồng so với năm ngoái”, ông Tiến cho biết.

Chủ một vườn đào ở Nhật Tân, Hà Nội cho hay trong tổng số trên 1.500 gốc đào của ông, chỉ có hơn một nửa cho hoa đúng vụ. Còn lại xếp vào diện bị hỏng phải sau Tết mới nở hoa. “Làm cái nghề trông đào cực kỳ vất vả, suốt cả năm chân lấm, tay bùn lăn lê tại vườn. Cả năm mới có một lần thu, trời không thương, thời tiết không ủng hộ, coi như đói”, chủ vườn này cho biết.

Vừa nói vừa chỉ vào hai gốc đào 20 năm tuổi tại vườn, ông than thở: “Dáng đẹp, gốc sần sùi rất hợp chơi Tết, chỉ có điều, hoa chỉ nở dưới gốc còn trên ngọn đen xì, khách đến rồi đi, chúng tôi cũng không dám cho thuê vì sợ mang về nhà khách, hoa không nở được thì mất uy tín”, ông này cho biết thêm.

Theo các chủ vườn đào, năm nay, giá thuê gốc đào ở đây đắt tới 30%, thậm chí 50% so với năm ngoái, do thời tiết giá lạnh, đào thất thu. Thế nhưng, cùng với chi phí vận chuyển, giá phân bón, công cụ làm vườn, chậu hoa tăng cao cùng với phí thuê người làm vườn đắt đỏ, khoản thu nhập từ việc cho thuê đào tại đây vẫn giảm so với năm ngoái.

Ngoài ra, giá các cành đào năm nay cũng đắt hơn khoảng 30% so với trước. Hiện một cành đào loại nhỏ dùng để cắm bình có giá thấp nhất 250.000 đồng. Cành loại to có thể lên đến 2-5 triệu đồng, tùy loại.

Hồng Anh – Nhật Minh

Theo vnexpress

Chuyên đề: ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc