Home » Thời nay, Văn hóa » ‘Kẻ cắp gặp bà già’ xóa ranh giới diễn viên – khán giả
Chỉ với chiếc ghế, bục và kệ, vở hài kịch kéo dài gần 2 giờ ở quán cà phê Bệt cuốn khán giả khóc cười cùng số phận nhân vật. Lần đầu tiên tại TP HCM, một vở diễn chuyên nghiệp ra mắt tại không gian sân khấu khá lạ.

Nói là lạ bởi khi đến xem kịch ở cà phê Bệt (số 57A, Tú Xương, quận 3, TP HCM), khoảng cách giữa khán giả và sân khấu gần như bị san bằng. Với diện tích khoảng 70m2, quán cà phê Bệt là gian phòng có những chiếc bàn con đặt san sát, khách đến uống nước có thể ngồi bệt xuống sàn. Trong khi chờ thưởng thức những vở kịch nói mang nhiều màu sắc cảm xúc, họ có thể nhấm nháp món cà phê pha rượu ngọt đặc trưng ở đây.

Khán giả ngồi bệt trên sàn để thưởng thức vở kịch nói được dàn dựng chuyên nghiệp từ dàn diễn viên trẻ của sân khấu TP HCM. Ảnh: Thoại Hà
Khán giả ngồi bệt trên sàn để thưởng thức vở kịch nói được dàn dựng chuyên nghiệp từ dàn diễn viên trẻ của sân khấu TP HCM. Ảnh: Thoại Hà

Kịch ở “Bệt” diễn ra trong một khoảng không gian nhỏ, chỉ đủ để bài trí những đạo cụ đơn giản như bục, kệ và vài chiếc ghế con đặt sát cạnh khán giả. 21h tối 10/1, tất cả chỗ ngồi ở quán đều được khán giả đặt chỗ trước để xem vở hài kịch Kẻ cắp gặp bà già, với sự góp mặt của dàn diễn viên đến từ sân khấu kịch 5B và Hoàng Thái Thanh, gồm: Quốc Thịnh, Nguyễn Long, Tuyết Mai, Thành Tiến, Vân Trang.

“Kẻ cắp gặp bà già” do tác giả Đỗ Thanh Lâm (con trai của cố soạn giả Hùng Tấn và NSƯT Thanh Vy) dàn dựng. Do đặc thù của sân khấu đặt trong quán cà phê nên vở diễn kéo dài gần 2 giờ đồng hồ có cách chuyển cảnh khá thông minh. Chỉ cần thay đổi vị trí của chiếc ghế, cái bục hoặc kê thêm chiếc bàn nhỏ, kịch nhanh chóng chuyển không gian từ căn phòng của gia đình này sang gia đình khác, từ trong nhà ra ngõ hẻm chằng chịt của Sài Gòn. Trong đó, khán giả như được dự phần vào tình tiết của vở một cách thật sống động.

“Kẻ cắp gặp bà già” là câu chuyện kể về vụ mất trộm của đôi vợ chồng trẻ vào đêm giao thừa do một tên trộm đột nhập vào nhà. Tổ trưởng khu phố và mọi người đổ xô đi lùng bắt hắn. Trong bước đường cùng, Mèo (tên của gã trộm) chui vào nhà bà già mù trong khu phố. Cuộc chạm trán giữa gã bụi đời và cụ già mù lòa gây nên nhiều tình huống dở khóc dở cười và xoay chuyển cuộc đời của Mèo, khiến gã nhận ra giá trị của tình yêu thương, giá trị của cuộc sống lương thiện.

Diễn viên Quốc Thịnh (trái) trong vai thằng Mèo ăn trộm và diễn viên Tuyết Mai trong vai bà già mù mang đến nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau cho vở diễn. Ảnh: Thoại Hà
Diễn viên Quốc Thịnh (trái) trong vai thằng Mèo ăn trộm và diễn viên Tuyết Mai trong vai bà già mù mang đến nhiều cung bậc cảm xúc cho vở diễn. Ảnh: Thoại Hà

Từ khi mở màn đến khi kết thúc, vở liên tục nhận được những tràng pháo tay vang dội từ khán giả. Anh Minh Lâm, nhà ở quận Gò Vấp chia sẻ, anh đến cà phê Bệt qua lời giới thiệu của một người bạn và bất ngờ với chất lượng của vở diễn. “Thoạt đầu tôi cứ nghĩ, kịch ở quán cà phê chỉ là tấu hài chứ không ngờ lại hóm hỉnh, tươi vui và sâu sắc như thế”, anh Lâm nhận xét.

Chị Thiên Kim, chủ cà phê Bệt cho biết, quán được mở hơn 2 năm trước. Vốn rất mê kịch nói và là khán giả thường xuyên của các sân khấu lớn nhỏ tại TP HCM, cô chủ trẻ nảy ra ý tưởng mang kịch về phục vụ cho khách của quán.

Sau một thời gian thử nghiệm, đến đầu năm 2011, “tiếng lành đồn xa” khiến cà phê Bệt thuyết phục được Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch TP HCM cũng như Hội sân khấu TP cấp giấy phép để hoạt động loại hình này một cách chuyên nghiệp. “Ban đầu làm đơn xin phép Sở khá khó khăn, vì mọi người chưa hình dung được làm thế nào kịch nghiêm túc có thể diễn ở một quán cà phê chứ không phải là một sân khấu chính quy. Nhưng chúng tôi đã mời chú Lê Duy Hạnh, Chủ tịch Hội sân khấu TP HCM đến ngồi xem một buổi. Xem xong, chính chú Hạnh giúp đỡ quán có được điều kiện tốt để phục vụ khán giả trẻ”, chị Thiên Kim kể.

Thiên Kim (đứng, bên phải) là cô chủ trẻ của quán cà phê kịch 'Bệt'. Thiên Kim giới thiệu dàn diễn viên với khán giả sau khi vở diễn kết thúc. Ảnh: Thoại Hà
Thiên Kim (ngoài cùng bên phải) là cô chủ trẻ của quán cà phê kịch Bệt. Thiên Kim giới thiệu dàn diễn viên với khán giả sau khi vở diễn kết thúc. Bên cạnh những loại hình cà phê sách, cà phê âm nhạc, cà phê mỹ thuật … cà phê kịch nói của Bệt góp phần tạo bầu không khí giải trí lành mạnh của giới trẻ TP HCM. Ảnh: Thoại Hà

Hiện tại, quán Bệt đã định hình được tên tuổi riêng trong giới trẻ với phong cách “vừa nhâm nhi cà phê vừa xem kịch”. Ngoài những vở diễn được khán giả yêu thích trong hơn 2 năm qua như: Ngao sò ốc hến, Tình sống – Tình chết, Sau một cơn giông, Thám tử bất đắc dĩ… dịp Tết Âm lịch 2011, lần đầu tiên, cà phê Bệt phục vụ khán giả liên tục từ mùng 1 đến mùng 10 với hai vở diễn luân phiên: Kẻ cắp gặp bà giàĂn khế trả vàng.

Thoại Hà

Theo vnexpress

Chuyên đề: ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc