Home » Tiêu biểu sideshow, Xã hội » “Kêu trời” vì… thưởng Tết lớn!

Chưa kịp vui mừng vì công ty có quyết định thưởng Tết âm năm nay cao hơn năm ngoái, chị Thúy, nhân viên xuất nhập khẩu một công ty kinh doanh bột giấy và các sản phẩm từ giấy tại Hà Nội đã “xanh mặt” khi biết mức tính thuế thu nhập cá nhân cho khoản thưởng Tết bằng cả tháng lương của chị.

Thu nhập của chị Thúy hàng tháng gồm hai khoản lương cứng và “lương mềm”, tức tiền phần trăm từ các hợp đồng xuất nhập hàng ký với đối tác nước ngoài. Có tháng hoa hồng cao như tháng 1 này, tiền trừ thuế thu nhập cá nhân đã đủ “chết”. Nay công ty lại cộng tiền thưởng Tết vào thu nhập tháng 1 để tính thuế, mà thuế tính lũy tiến nên thu nhập càng cao, phần trăm thuế suất càng lớn. Tổng cộng, mức thuế thu nhập cá nhân chị Thúy phải đóng trong tháng 1 lên đến 25% thu nhập gồm lương, hoa hồng và thưởng Tết.

Theo quy định về thuế thu nhập cá nhân, tiền thưởng Tết Tân Mão cũng bị tính vào thu nhập chịu thuế. Có hai cách tính, hoặc là cộng tiền thưởng Tết vào mức tổng thu nhập cả năm 2010 và quyết toán thuế cuối năm, hoặc cộng tiền thưởng Tết vào thu nhập tháng 1/2011 và tính thuế. Tùy từng công ty, đơn vị mà chọn cách tính phù hợp. Theo phụ lục 02/PL-TNCN Bảng hướng dẫn phương pháp tính thuế theo biểu thuế lũy tiến từng phần, ban hành kèm theo Thông tư 84/2008/TT-BTC ngày 30/9/2008 của Bộ Tài chính, thì phần thu nhập tính thuế theo tháng từ 4 đến 5 triệu đồng chịu thuế suất 5%, từ trên 5 đến 10 triệu đồng 10%, từ trên 10 đến 18 triệu đồng 15%, từ trên 18 đến 32 triệu đồng 20%, từ trên 32 đến 52 triệu đồng là 25%…. Còn thu nhập tính thuế theo năm, từ 48 đến 60 triệu đồng chịu thuế suất 5%, từ trên 60 đến 120 triệu 10%, từ trên 120 đến 216 triệu 15%, từ trên 216 đến 384 triệu đồng là 20%…


Chưa kịp mừng vì nhận thưởng Tết, nhiều người đã “tiu nghỉu” vì phải đóng thuế thu nhập cá nhân khá cao cho khoản thưởng, vì % thuế suất cao khi tính lũy tiến

Trường hợp của công ty chị Thúy là tính theo cách thứ 2, “mà theo cách này thì nhân viên phải nộp thuế nhiều hơn và thiệt hơn là cộng vào thu nhập cả năm để tính”, chị Thúy than thở. Với mức tiền thưởng Tết 25 triệu đồng cộng với lương và hoa hồng tháng 1/2011 là 12 triệu đồng, mức thu nhập tính thuế của chị Thúy là 37 triệu đồng. Trừ đi 4 triệu đồng giảm trừ cho bản thân, không có người phụ thuộc, tổng tiền thuế thu nhập cá nhân chị Thúy phải đóng theo mức lũy tiến là 5,8 triệu đồng. “Cả năm tôi đợi mỗi dịp Tết lĩnh thưởng để làm “việc lớn” nhưng năm nay thưởng Tết có 25 triệu mà phải đóng thuế gần 6 triệu đồng, thật là xót quá, không còn cảm giác hân hoan khi nhận thưởng như trước nữa”, chị Thúy tâm sự.

Không chỉ trường hợp công ty chị Thúy, hiện ở nhiều công ty, doanh nghiệp khác, nhân viên cũng đang kêu trời vì phải “xẻo” tiền thưởng Tết khá lớn để đóng thuế. Một công ty hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh các dịch vụ giá trị gia tăng cho các mạng viễn thông, di động có trụ sở tại tòa nhà 101 Láng Hạ (Ba Đình – Hà Nội) cũng cộng tiền thưởng Tết vào thu nhập tháng 1 này để tính thuế. Chị H., nhân viên công ty cho biết, bình thường mỗi tháng chỉ phải đóng hơn 100.000 đồng tiền thuế thu nhập cá nhân, tự nhiên lương tháng 1 bị trừ gần 2 triệu đồng tiền thuế, “sao mà không xót ruột cho được”.

Từ khi luật thuế thu nhập cá nhân được thi hành tính đến nay là chuẩn bị được 2 cái Tết. Thực tế, từ Tết năm ngoái (Canh Dần 2010), tiền thưởng Tết âm, dương hay tháng lương thứ 13 đã bị tính là một khoản chịu thuế thu nhập cá nhân. Tuy nhiên năm ngoái “dân tình” không “ca thán” vì phải nộp thuế nhiều như năm nay, vì tiền thưởng Tết năm ngoái được giảm trừ 50% để tính thuế thu nhập cá nhân. Còn năm nay, 100% các khoản thưởng Tết, lương tháng 13 bị tính là thu nhập chịu thuế. Có những người thưởng Tết chỉ vài triệu nhưng cũng mất tiền triệu để đóng thuế thu nhập cá nhân.

Bên cạnh việc đóng thuế nhiều cho khoản thưởng Tết, đa số người dân cũng cho rằng, với mức trượt giá hằng năm như hiện nay (năm 2009 là 6,88% và năm 2010 là 11,75%) thì mức khởi điểm chịu thuế 4 triệu đồng một tháng và mức giảm trừ cho người phụ thuộc là 1,6 triệu đồng một tháng/người được áp dụng từ năm 2009 không còn phù hợp.

Hơn nữa, mức khởi điểm chịu thuế và giảm trừ gia cảnh hiện tại được áp dụng từ năm 2009 nhưng những con số thì được tính toán từ năm 2006, thời điểm mà giá cả, lương bổng khác xa hiện tại. So với thời điểm Luật thuế thu nhập cá nhân được Bộ Tài chính xây dựng vào năm 2006, chỉ số giá tiêu dùng hiện tại đã tăng hơn 50%.

Trước yêu cầu của thực tế, Bộ Tài chính dự kiến sẽ trình một số kiến nghị sửa đổi Luật thuế thu nhập cá nhân lên Quốc hội nhằm khắc phục những điểm bất hợp lý trong các quy định thuế thu nhập cá nhân hiện tại. Theo dự kiến, mức khởi điểm chịu thuế 4 triệu đồng một tháng có thể nâng lên theo hai cách: Một là điều chỉnh tăng lên mức 6 triệu đồng một tháng, hai là thu hẹp bậc chịu thuế. Mức giảm trừ cho người phụ thuộc cũng dự kiến được điều chỉnh bằng 3 lần lương tối thiểu, khoảng 2,4 triệu đồng một người mỗi tháng.

theo datviet, 24h.com.vn


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc