Home » Kinh doanh » Nỗi lo lạm phát đang lây lan ở châu Á
Giá lương thực leo cao hiện đang là thách thức to lớn đối với một số chính phủ châu Á và nỗi lo lạm phát đang lan tràn khắp châu lục.

Inflati

Lạm phát giá lương thực ở Ấn Độ đã tăng với tốc độ phi mã trong năm qua, tăng tới 18% trong tháng 12/2010 so với cùng kỳ năm trước. Trong mấy tuần gần đây, do sản lượng lương thực tăng lên, lạm phát giá lương thực đã tụt xuống còn 11% hồi cuối tháng 2/2011 so với cùng kỳ năm ngoái.

Giá lương thực bất ổn đang gặm nhấm túi tiền của dân chúng Ấn Độ, đặc biệt là túi tiền của hàng triệu dân nghèo. Để đối phó, Chính phủ Ấn Độ dự kiến sẽ hỗ trợ đáng kể về lương thực cho người nghèo, với ngân sách trợ cấp vào khoảng 15-30 tỷ USD.

Đảng Quốc đại cầm quyền hiện đang thảo luận về mức độ trợ cấp và Chủ tịch đảng Sonia Gandhi hiện đang thúc giục đưa thêm nhiều người nghèo hơn vào chương trình trợ cấp này. Trước đó, chính phủ Ấn Độ đã trợ giá gạo và bột mì cho hàng triệu người nghèo.

Các chính phủ khác ở châu Á cũng đã tăng cường trợ cấp để giảm thiểu tác động của tình trạng giá lương thực leo cao, mặc dù các nhà phân tích cảnh báo rằng biện pháp này có thể gây hại cho nền kinh tế và thúc đẩy lạm phát leo cao hơn.

Tại Hong Kong, quan chức phụ trách tài chính John Tsang ngày 23/2 đã hứa hẹn về một lọat các biện pháp trợ cấp nhất thời, trong đó có việc trợ cấp giá điện cho các hộ gia đình và hai tháng tiền thuê nhà cho những hộ gia đình ở nhà công. Tỷ lệ lạm phát ở Hong Kong trong năm 2010 là 2,4%, nhưng ông John Tsang cho biết ông ước tính con số này sẽ leo lên mức 4,5% trong năm nay.

Các biện pháp mà Hong Kong đưa ra tương tự như các biện pháp mà Singapore ban hành ngày 18/2, khi Bộ trưởng Tài chính Tharman Shanmugaratnam công bố một kế hoạch trị giá 6,6 tỷ đôla Singapore (5,2 tỷ USD) bao gồm các biện pháp hạ giá và cắt giảm thuế. Kế hoạch này cũng bao gồm các khoản tiền hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Áp lực lạm phát ở châu Á hiện cao hơn những nơi khác trên thế giới chủ yếu do tốc độ tăng trưởng bình quân của châu lục này cao gấp bội tốc độ tăng trưởng của Mỹ và châu Âu. Mặc dù một số ngân hàng trung ương như Ngân hàng Trung ương Indonesia đã nâng lãi suất trong mấy tháng gần đây, nhưng các nhà phân tích vẫn lo ngại rằng kinh tế châu Á vẫn phát triển quá nóng, khiến cho lạm phát leo lên mức cao đến nỗi khó có thể giảm xuống mức độ bình thường.

Nhà kinh tế chính Park Donghyun của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) có trụ sở ở Manila nhận xét: “Quan điểm chi phối ở đây cho rằng lạm phát chính là mối đe dọa lẻ lớn nhất đối với họat động kinh tế vĩ mô trong khu vực (châu Á)”.

Theo Cơ quan thống kê Singapore, giá tiêu dùng ở đảo quốc này đã tăng 5.5% trong tháng 1/2011 so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn nhiều so với mức tăng 4,6% trong tháng 12/2010. Tốc độ tăng giá này đã vượt xa nhiều dự đoán và được thúc đẩy bởi chi phí giao thông và nhà cửa leo cao.

Giá bất động sản ở Singapore đã tăng vọt trong những năm qua và giá lương thực cũng liên tục gia tăng, trong khi mức độ tăng lương lại khá khiêm tốn do nhiều công ty Singapore tích cực “nhập khẩu” lao động giá rẻ từ Trung Quốc, Ấn Độ và một số nước khác. Điều này đã khiến cho Chính phủ Singapore phải ban hành các biện pháp đối phó, trong đó có việc tăng thuế đánh vào việc thuê mướn lao động nước ngoài.

Nhà kinh tế Kit Wei Zheng làm việc cho Citigroup ở Singapore nhận xét: “Thị trường lao động đang được siết chặt vào thời điểm hiện nay. Sức ép lạm phát lương đang trở nên liên tục. Tôi cho rằng cái thời lạm phát 1-2% ở Singapore đã không còn nữa”.

Trong khi đó, Việt Nam đang phải đối mặt với thách thức lạm phát, với chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 2/2011 ở mức cao nhất trong vòng 2 năm qua, tăng tới 12,31% so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ số này cho thấy Việt Nam chưa thành công trong việc hạ nhiệt nền kinh tế mà một số nhà phân tích cho rằng đang phát triển quá nóng.


Minh Bích
(theo tamnhin, Wall Street Journal)
Chuyên đề: ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc