Home » Xã hội » TP HCM quy hoạch kết nối với sân bay quốc tế Long Thành
Với công suất tiếp nhận tối đa 100 triệu khách, 5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm, cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ là điểm trung chuyển lớn nhất khu vực sau khi hoàn thành.

UBND TP HCM vừa có ý kiến cơ bản thống nhất hồ sơ quy hoạch tổng thể Cảng hàng không quốc tế Long Thành do Bộ Giao thông Vận tải chủ trì và góp ý thêm về sân bay Tân Sơn Nhất, giao thông kết nối vào cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Theo quy hoạch, cảng hàng không quốc tế Long Thành có năng lực thiết kế tối đa 100 triệu khách, 5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm, là sân bay cấp 4F theo tiêu chuẩn của Tổ chức hàng không quốc tế (ICAO). Trong tương lai, sân bay này sẽ thay thế sân bay Tân Sơn Nhất trở thành điểm trung chuyển lớn trong khu vực.

Mô hình sân bay Long Thành.

Ngoài ra, để phát huy hiệu quả Cảng hàng không quốc tế Long Thành, TP HCM cũng đề nghị Bộ Giao thông Vận tải sớm triển khai đầu tư xây dựng hoàn chỉnh và đồng bộ các công trình giao thông kết nối với Long Thành, bao gồm: đường sắt nhẹ Thủ Thiêm – Long Thành, đường cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây, đường cao tốc Bến Lức – Long Thành, đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, hệ thống đường vành đai 3, vành đai 4, quốc lộ 51.

Do sân bay Tân Sơn Nhất có vị trí chiến lược, đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế xã hội của TP HCM nên sau khi Cảng hàng không quốc tế Long Thành đi vào hoạt động, Tân Sơn Nhất vẫn cần được tiếp tục duy trì. UBND thành phố cho biết vẫn đang tập trung nguồn lực để xây dựng hạ tầng giao thông kết nối vào sân bay Tân Sơn Nhất, như đường Nguyễn Văn Trỗi – Nam Kỳ Khởi Nghĩa, đường Tân Sơn Nhất – Bình Lợi – Vành đai ngoài, các tuyến đường sắt đô thị số 2, số 4, số 5.

Trước đó, vào năm 2005, dự án xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành được Thủ tướng phê duyệt. Theo đó, vị trí xây dựng cảng hàng không Long Thành nằm cách trung tâm TP HCM 40 km, cách sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất 43 km và cách trung tâm thành phố Vũng Tàu 48 km. Vốn đầu tư dự án được huy động từ Quỹ đầu tư phát triển của Chính phủ, cổ phần và đầu tư nước ngoài.

Trong giai đoạn 1, bắt đầu từ năm 2011 đến 2015, dự án sẽ xây dựng 2 đường cất hạ cánh 4.000m x 60m, một nhà ga hành khách có công suất 20-30 triệu khách mỗi năm, đài kiểm soát không lưu, các công trình phụ trợ. Vốn đầu tư cho giai đoạn này là 6 tỷ USD.

Bắt đầu từ năm 2015 đến 2050, tùy theo tình hình sẽ nâng cấp với các nhà ga công suất 40-60 triệu khách mỗi năm trước năm 2020 và 100 triệu khách mỗi năm sau năm 2020. Tổng cộng sân bay có 4 đường hạ cánh.

Vĩnh Phú

Theo vnexpress

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc