Home » Xã hội » Sau Tết, hàng quán vẫn đua nhau “chặt chém”
Ngồi quán cafe quen thuộc đầu năm, đưa giầy cho cậu bé đánh giầy vẫn hay lang thang trong quán, anh Minh dúi cho cậu này 5 nghìn như mọi khi. Tức thì, cậu bé lắc đầu nói: “Sau Tết, làm gì có giá 5 nghìn đánh giày nữa mà chú đưa thế. Giờ là 10 nghìn rồi”.

Đi chợ tốn như ngày Tết

Sau Tết đã cả chục ngày, chị Thủy (quận Đống Đa, Hà Nội) ra chợ Vĩnh Hồ gần nhà định mua con gà về nấu cơm gà kiểu Hội An cho gia đình thay đổi. Thế nhưng, qua hàng gà, chị không tin nổi vào tai mình khi giá gà vẫn đứng nguyên ở mức 160 nghìn/kg. Giá gà nguyên con trước Tết dao động ở mức 120 – 130 nghìn/kg. Chỉ đến ngày 30 Tết, chị em nội trợ mới phải “cắn răng” mua gà với mức 160 nghìn/kg. Nhưng kì lạ thay, hết Tết đã lâu, thời tiết cũng chẳng còn khắc nghiệt như trước, nhưng thực phẩm ở chợ vẫn nhất định không chịu giảm giá.

Các bà nội trợ đều chung một ý kiến cho rằng họ đang bị “sốc” trước mặt bằng giá mới.


Thời gian này, khi được hỏi về các mặt hàng sau Tết, các bà nội trợ đều chung một ý kiến cho rằng họ đang bị “sốc” trước mặt bằng giá mới. Đi chợ những ngày này, để lo được một bữa ăn tạm ổn cho cả gia đình, số tiền mà các chị em bỏ ra phải bằng gấp rưỡi hàng ngày trước Tết.

Có mức tăng giá cao nhất là thịt gà và bò. Hiện, thịt bò thăn tại các chợ trên địa bàn Hà Nội đang được bán với giá 180.000 – 970.000 đồng/kg, thịt bò mông 160.000 – 170.000 đồng/kg. Sườn thăn và thịt thăn lợn đều ở mức cao nhất từ trước tới nay là 110.000 đồng/kg…

Đặc biệt, rau xanh là loại thực phẩm dự báo không thể tăng thêm nữa do trước Tết, trời lạnh kéo dài, rau đã tăng cao đến mức kỉ lục. Sau Tết, khí hậu đã trở nên ôn hòa hơn nên các bà nội trợ đều cho rằng, việc giá rau vẫn tăng cao như sát Tết âm lịch thì rõ ràng là đang o ép người tiêu dùng.

“Kiên quyết” không lùi… giá

Theo thông lệ, chỉ vào ngày Tết và mấy ngày đầu năm mới, khi tâm lý của người tiêu dùng còn đang thoải mái, tiền nong trong túi “rủng rỉnh” thì các hàng ăn mới tăng giá vài ngày để tranh thủ kiếm thêm. Nhưng đến thời điểm này, đã sau rằm nhưng rất ít hàng chịu giảm về giá cũ.

Đi chợ những ngày này, để lo được một bữa ăn tạm ổn cho cả gia đình, số tiền mà các chị em bỏ ra phải bằng gấp rưỡi hàng ngày trước Tết


Chị Xuân, nhà ở cạnh Rạp Dân Chủ, phố Khâm Thiên cho biết: Ngày mùng 2 Tết, cả nhà chị ăn phở với mức 50 nghìn/ bát nhưng không ai thắc mắc gì vì nghĩ rằng ngày Tết phải cho người ta kiếm thêm thu nhập. Thế nhưng, đến giờ này, hàng phở mới rón rén giảm giá xuống 30 nghìn/bát thì chị chẳng thiết tha ăn ở đó nữa, vì cho rằng, mức giá này vẫn là ngất ngưởng so với giá ở trong năm.

Đến cả các dịch vụ ăn theo như đánh giầy, trông xe cũng không “thèm” giảm giá. Giá trông xe máy đến thời điểm này đã tăng lên đến 5.000 đồng/xe.

Ngồi quán cafe quen thuộc đầu năm, đưa giầy cho cậu bé đánh giầy vẫn hay lang thang trong quán, anh Minh dúi cho cậu này 5.000 đồng như mọi khi. Tức thì, cậu bé lắc đầu “Sau Tết làm gì có giá 5 nghìn đánh giày nữa mà chú đưa thế. Giờ là 10.000 rồi”.

Giá ở nhiều quán ăn bị “đội” lên sau Tết khiến người tiêu dùng không khỏi thắc mắc: Ai quản lý giá ở thị trường tự do? Những thắc mắc này không phải là không có lý khi năm nào cũng vậy, cứ sau Tết Nguyên đán là một mức giá mới được thiết lập ở nhiều cửa hàng ăn uống và quán ăn vỉa hè.

Trao đổi với PV VietNamNet, ông Nguyễn Đắc Lộc – Phó Chi cục trưởng Chi cục quản lý thị trường Hà Nội cho biết: “Về phía quản lý thị trường, quản lý chủ yếu là vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các hàng quán sau Tết. Còn các mặt hàng mà khai thác từ phía của người dân như thịt gà, cá, rau, hoa quả thì họ khai thác một cách rất ngẫu hứng, không ai định hướng. Việc này rất khó cho bên quản lý thị trường”.

Sau Tết, một số siêu thị có chiêu giảm giá hàng ăn tươi vào cuối ngày như rau, thịt gần hết hạn sử dụng. Các chị em nội trợ thường truyền tai nhau về các địa chỉ siêu thị có giảm giá để đến tối, gần đến giờ siêu thị đóng cửa sẽ chạy ra để mua được hàng thực phẩm tươi giảm giá. Sở dĩ, hình thức mua hàng này được chị em ưa chuộng vì rau mua ở siêu thị vào giờ giảm giá có khi còn rẻ bằng nửa rau ở ngoài chợ mà lại đảm bảo sạch sẽ, an toàn.

Thu Lý

Theo vietnamnet

Chuyên đề: ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc